Nhiều bậc phụ huynh cho biết, họ không tin tưởng khi con cầm điện thoại để xem video trên mạng vì những thông tin tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều.
Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện những bài viết với nội dung cảnh báo phụ huynh khi để con nhỏ tự ý xem video trên Youtube. Theo đó, câu chuyện bắt đầu từ chia sẻ của một chủ tiệm làm tóc. Anh cho biết, mới đây vừa nhận một vị khách rất đặc biệt - nạn nhân của thử thách mang tên Momo trong một chương trình trực tuyến.
“Những dị nhân bệnh hoạn đang xâm nhập vào lợn Peppa và các trò chơi trực tuyến. Bất kỳ và hầu hết các video trên yotube của trẻ em đều bảo chúng hãy cắt tóc mình đi, kề dao lên cổ họng, tự thiêu và nó sẽ hút hết máu từ cơ thể đó. Cô bé này sẽ được bố mẹ cho đến gặp bác sĩ sau khi cắt tóc ở tiệm chúng tôi...”, chủ tiệm tóc cho biết.
Sự việc trên đã được mạng xã hội quốc tế và Việt Nam đăng tải. Nhiều bà mẹ Việt đã chia sẻ lại thông tin này và lên tiếng kêu gọi mọi người không cho trẻ xem video "Trò chơi tự sát" Momo.
Xem thêm clip: Lời đe dọa của Momo xen giữa một đoạn phim hoạt hình.
Nhiều phụ huynh vẫn chưa biết về "Momo"
Từng rất tự hào về khả năng tự học tiếng Anh của con gái nhờ vào việc tự tìm tòi, xem video bài hát, phim hoạt hình tiếng Anh trên Youtube, chị Lê Hoàng Uyên P. (34 tuổi, ngụ Bình Tân, TPHCM) cho biết chưa bao giờ chị thấy con mình nhắc đến trò chơi tên là Momo.
Bé Su Shi (7 tuổi, con gái chị P) bắt đầu biết tự tìm kiếm video trên Youtube từ lúc 5 tuổi nhờ vào việc tự ghép vần qua những ký tự đơn giản mà mẹ dạy. Trước đến nay, chưa bao giờ chị thấy bé có biểu hiện lạ khi xem những video trên Youtube.
Thế nhưng, khi được xem một đoạn video có xuất hiện hình ảnh Momo dọa giết người xem, đoạn hình ảnh lại chen giữa một video hoạt hình thoạt nhìn rất bình thường, chị P giật mình thảng thốt. "Quá nguy hiểm, nếu hình ảnh kinh dị chen giữa đoạn video thế này, cả người lớn xem phải còn ám ảnh chứ huống gì trẻ con không chuẩn bị tâm lý. Thế này chỉ còn cách người lớn phải xem video cùng con, nếu không thì chẳng biết trẻ sẽ xem phải những thứ gì", chị P. nói.
Chị P tỏ ra bất an với việc để con xem những video trên Youtube.
Chị Nguyễn Thị T. (35 tuổi, ngụ Quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, phim hoạt hình Peppa Pig là bộ phim mà 2 con của chị rất thích coi. Do đó, khi chị T. xem video về bộ phim này có chứa hình ảnh Momo ở giữa video hiện lên dọa giết người đang xem với những câu từ "Tôi sẽ ở trên giường bạn đêm nay", chị còn hoài nghi về mức độ xác thực của đoạn video này. "Ngày nào 2 đứa nhỏ (1 trai, 1 gái) của tôi cũng xem phim này, chưa bao giờ nghe các con nói về vụ việc tương tự. Liệu đây có phải là một trò đùa của ai đó hay không?", chị T thắc mắc.
Tuy nhiên, sau khi đọc được những thông tin về "thử thách kinh dị Momo" chứng tỏ đây không phải là trò đùa, chị T bắt đầu tỏ ra bất an. "Thế này thì cho dù tôi có kiểm tra lịch sử xem video của các bé thì vẫn không phát hiện được. Video chứa hình ảnh, câu từ quá ám ảnh, lại hù dọa không để trẻ nói với người lớn. Nếu thế này, thì chắc tôi phải hạn chế cho con xem Youtube vì thật sự không an toàn", chị T cho biết.
Cần tạo cho trẻ môi trường vui chơi thân thiện với thiên nhiên.
Phỏng vấn một vài phụ huynh có con nhỏ đang học mầm non trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy bố mẹ đều rất quan tâm, quản lý những nội dung trẻ xem trên Youtube.
Anh Phạm Quang S. (35 tuổi) cho biết vợ chồng anh rất quan tâm đến những kiểu video bạo lực, có nội dung xấu đối với trẻ nhỏ, tuy nhiên khi được hỏi về "thử thách Momo", anh S. cũng lắc đầu không biết: "Mình chưa nghe nói về cái Momo này. Nhưng ở nhà, vợ chồng mình chỉ cho phép hai con trai xem video khi có sự giám sát của bố mẹ vì trước đó mình cũng biết có nhiều video không tốt cho trẻ con".
"Mình chỉ cho con xem hoạt hình Đô-rê-mon với "Quà tặng cuộc sống" thôi. Những thể loại đó vừa lành mạnh lại hấp dẫn đối với trẻ con", anh S. chia sẻ thêm.
Anh S. cùng hai cậu con trai tinh nghịch
Chị Nguyễn Thị Thanh H. (32 tuổi) là mẹ của một bé gái học mẫu giáo lớn cũng cho biết mình chưa tìm hiểu về "thử thách Momo": "Mình biết là có một loạt video tưởng là dành cho trẻ con nhưng nội dung thì dung tục và kinh dị dù có các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Elsa, người Nhện, thậm chí cả chuột Mickey,... khiến cho người lớn cũng bị đánh lừa.
Thế nhưng về cái Momo này thì mình chưa được biết nhưng chắc chắn mình sẽ tìm hiểu để có thể giúp con tránh xa. Mình rất hay cho con xem những video nước ngoài để học tiếng Anh nên những video dạng này sẽ rất nguy hiểm nếu người lớn không xem kỹ đã mở cho con xem".
Chị H. cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ xem được những video có nội dung xấu
Có con gái đã lên 5, chị N. (33 tuổi) cũng vô cùng sát sao với những gì con xem trên mạng. Chị chia sẻ rằng mình cũng đã tình cờ đọc được những thông tin về độ nguy hiểm của "thử thách Momo" trên mạng xã hội: "Mình thì chỉ thi thoảng mới cho con gái xem video thôi vì mình cho con đi học suốt ngày, cũng không có thời gian. Mình thường cho con xem những video bài hát tiếng Anh.
Về "thử thách Momo" thì mình cũng vừa đọc được trên facebook và thấy nhiều phụ huynh cũng chia sẻ. Dù bé nhà mình ít xem nhưng mình cũng rất quan tâm, tìm hiểu về những thứ độc hại kiểu này để tránh những tình huống xấu xảy ra".
Chị N. cùng con gái 5 tuổi
Trẻ con rất dễ bị ám ảnh
Mang thông tin về vụ việc trao đổi với cô Nguyễn Thị Mộng Tiền (giáo viên mầm non tại quận 6, TPHCM), cô Tiền cho biết trẻ con, nhất là độ tuổi mầm non là lứa tuổi rất dễ bị ám ảnh, dễ làm theo những lời dụ dỗ, đe dọa của người khác nếu ba mẹ chủ quan, không bảo ban trẻ. "Khi xem những hình ảnh này, cả tôi là người lớn còn cảm thấy sợ thì đừng nói gì đến trẻ 4- 5 tuổi. Những hình ảnh kinh dị này sẽ làm cho trẻ bị ám ảnh, cứ xuất hiện đi xuất hiện lại trong đầu, dễ khiến trẻ làm theo những mệnh lệnh trong video.", cô Tiền cho biết .
Cô Tiền (nón hồng) cùng các bé trong một chuyến trải nghiệm thực tế tại một vườn rau.
Theo cô Mộng Tiền, vì lứa tuổi mầm non là lứa tuổi ham học hỏi, các bé sẽ ghi nhớ rất lâu những gì mới lạ, thậm chí có xu hướng làm theo. Do đó, phụ huynh cần quan tâm con nhiều hơn, nên khuyến khích con hòa nhập với thiên nhiên hơn là hòa nhập với công nghệ.
Cần dành tối đa thời gian cho con
Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Tú (giáo viên Mầm non tại Bến Tre), hiện tại mạng Internet được kết nối rộng rãi, phần lớn nhà nào cũng lắp đặt wifi hoặc có điện thoại đăng kí gói cước để dùng nên trẻ em được tiếp cận smartphone ở những lứa tuổi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không quan tâm, để ý đến con mà cứ đưa điện thoại dỗ con ngồi yên, ăn cơm hay để mình “rảnh tay” làm việc mà không hề quan tâm đến con đang truy cập, tiếp cận những thông tin gì thì hết sức nguy hiểm.
Cô Cẩm Tú (đeo kính) cùng các bé trong một hoạt động vui chơi do trường tổ chức.
“Cha mẹ có thể cho con xem những chương trình kỹ năng sống, bổ ích, những nhân vật hoạt hình với tính định hướng tốt cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu bận, cha mẹ có thể tạo không gian vui chơi để trẻ thỏa sức sáng tạo cùng bạn bè. Hạn chế cho con xem các chương trình chung với ba mẹ vì trẻ nhỏ dễ bắt chước những hình ảnh, hành động không an toàn trên mạng. Tốt nhất vẫn là cho trẻ trải nghiệm thực tế.” - cô Tú nói.