Vào thời khắc giao thừa (đúng 12 giờ đêm 30 tháng Chạp), các gia đình sẽ chuẩn bị 2 mâm cúng – cúng quan thần và gia tiên.
Ý nghĩa lễ đón giao thừa
Sau ngày 23 Ông Công Ông Táo về trời, ngày lễ quan trọng tiếp theo trong văn hóa Việt trong dịp Tết Nguyên đán là lễ đón giao thừa vào ngày 30 tháng chạp. Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Đức Thiêm (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa cổ phương Đông), theo quan niệm của Nho giáo mỗi năm có một quan của nhà Trời thay nhau quản dưới Trần gian, và vào mỗi năm đó các quan nhà trời giao quyền lực cho nhau vào đúng phút giao thừa. Chính vì vậy mà trong phút giao thừa linh thiêng các gia đình thường hay làm lễ để tiễn đưa Quan hành khiển năm cũ, đón Quan hành khiển năm mới vào gia đình, lễ này còn có tên khác là: "Tống cựu, nghinh Tân".
Lễ này thường được làm ở ngoài trời từ trước giao thừa đến phút giao thừa. Sau lễ này là sang năm mới ta lại làm lễ ở trong nhà để cung thỉnh mời quan hành khiển năm mới vào nhà, thỉnh mời dâng lễ cúng Ngũ vị tôn thần và Gia tiên tổ nhân vào năm mới. "Cũng có gia đình không cúng Linh thần và Gia tiên - Phật Thánh vào phút giao thừa mà lại cúng vào sáng ngày mùng 1 đầu năm cũng không sao", ông Thiêm chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Thiêm chia sẻ về lễ giao thừa
Ngoài ra, đêm 30 là đêm tối tăm nhất trong năm, dễ thu hút ma quỷ nên lễ này còn là lễ Trừ tịch với ý nghĩa “trừ khử ma quỷ”, đây cũng là ý nghĩa của từ "trừ tịch". Ngoài ra, người ta làm lễ này là để bỏ lại những cái cũ, những cái xui và bắt đầu một năm mới với nhiều niềm vui, may mắn.
Tục cúng gà trống
Theo truyền thuyết, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, nơi này rất lạnh lẽo, ẩm thấp mới sai 10 mặt trời ngày đêm soi sáng. Vì quá nhiều mặt trời nên đất khô, nứt nẻ. Do đó, đã có 1 dũng sĩ quyết giương cung bắn hạ mặt trời. 9 mặt trời bị bắn hạ. Mặt trời cuối cùng sợ quá bay trốn lên cao, không dám ló ra nữa. Lúc này mặt đất lại lạnh lẽo, tối tăm. Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời. Chẳng con nào gọi được, cuối cùng chỉ có con gà trống khỏe mạnh cất tiếng gáy khiến mặt trời tò mò ngó xuống, dần hạ thấp độ cao, khiến mặt đất lại sáng bừng lên.
Do đó, khi đến đêm giao thừa (trừ tịch) - đêm trời đất tối tăm nhất, cũng là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất, mọi người lại kháo nhau cúng gà trống để gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm.
Một mâm cúng giao thừa không thể thiếu gà trống ngậm bông hồng
Ngoài ra, ông bà xưa quan niệm gà trống là loài có 5 đức lớn:
- Văn: mào trông như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ, biểu tượng cho văn.
- Võ: cựa gà là vũ khí, biểu tượng cho võ.
- Dũng: sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đàn, biểu tượng cho dũng khí.
- Nhân: gà trống đầu đàn luôn gọi bầy đến rồi mới ăn cùng, không bao giờ ăn một mình, biểu tượng cho nhân.
- Tín: luôn gáy đúng giờ bất kể thời tiết, mùa, biểu tượng cho tín.
Thế nên, từ bấy lâu nay, trong mâm cỗ cúng giao thừa hay cúng gia tiên ngày Tết đã từ lâu không thể thiếu con gà luộc và đĩa xôi gấc đỏ tươi, với mong muốn cầu sự may mắn, khỏe mạnh cho gia đình trong cả năm. Điều đặc biệt thì đây phải là gà trống, hướng vào bát hương và miệng phải ngậm bông hoa hồng như để biểu thị cho sự may mắn, mang vận đỏ đến cho cả năm.
Hướng dẫn cách cúng giao thừa:
Vào thời khắc giao thừa (đúng 12 giờ đêm 30 tháng Chạp), các gia đình sẽ chuẩn bị 2 mâm cúng – cúng quan thần và gia tiên. Với mâm cúng quan thần sẽ được tiến hành lễ cúng ở ngoài trời để tiễn người nhà trời đã cai quản hạ giới và tiếp đón vị mới xuống cai quản công việc.
Sau khi cúng giao thừa ngoài trời (ngoài sân), gia chủ sẽ khấn Thổ công, tức là vị thần cai quản trong nhà để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.
Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ thì đốt nến (đèn), thắp hương, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ Gia tiên và thực hiện nghi lễ cầu khấn khấn tổ tiên. Cầu cho các cụ phù hộ độ trì năm mới trong nhà có nhiều may mắn, an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.
Lưu ý phải cắm hương ngay ngắn, không được cắm nghiêng. Khi thắp hương lên mọi người chỉ cần cắm mỗi bát một nén hương.