Khi còn lủi thủi một mình, nhiều đêm cô Cường khóc vì nhớ con, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Hai mẹ con đã ở bên nhau và còn đem lại cho mọi người niềm vui, nỗi nhớ về quê hương, gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở thôn quê, tuổi thơ Đồng Văn Hùng (SN 1996) gắn liền với đồng ruộng, bữa cơm hàng ngày cũng là những món ăn thân thuộc mang đậm chất quê. Vì thế, Hùng luôn đau đáu sẽ giữ gìn lại nét đẹp mộc mạc, dung dị đó mà người giữ quê ấy không ai khác chính là mẹ của Hùng – bà Dương Thị Cường năm nay 56 tuổi.
Từ anh công nhân đến thợ chụp ảnh và hành trình trở về quê hương
Làng Tân Sơn 9, xã Xuân Phương (Phú Bình, Thái Nguyên) là nơi bà Dương Thị Cường cùng con trai Đồng Văn Hùng đang sinh sống. Căn nhà cấp 4 đơn sơ, cứ chiều chiều khói bếp củi lại bốc lên nghi ngút, đó cũng là nơi những bữa ăn bình dị được Hùng đưa lên kênh Youtube “Ẩm thực mẹ làm” khiến bao người thổn thức, nhớ về những kỷ niệm ngày xưa, bên mâm cơm gia đình.
Chỉ với chiếc máy quay và những vật dụng đơn giản trong gia đình, video nấu ăn do 2 mẹ con Hùng làm khiến bao người thổn thức.
Dù sinh ra ở một làng quê yên bình, nhưng tuổi thơ Hùng lại không đẹp như những bạn bè cùng trang lứa khi thiếu vắng tình thương và sự che chở của người cha. Suốt năm tháng tuổi thơ, Hùng sống trong sự yêu thương của bà và mẹ.
Trong ký ức của Hùng, tuổi thơ là những bữa cơm mẹ nấu, là những buổi mò cua bắt ốc ngoài đồng hay những đêm đông được bà kể những câu chuyện cổ tích bên bếp lửa, than hồng. Sau này khi lớn lên, dù là cậu bé thông minh, lanh lợi nhưng Hùng gác lại chuyện học hành vì không muốn bà và mẹ phải vất vả thêm về mình.
Học xong phổ thông, Hùng quyết định đi làm công nhân để có tiền trang trải cho gia đình. Suốt năm tháng làm công nhân, Hùng vẫn thường xuyên về nhà để ăn cơm mẹ nấu. Với Hùng bữa cơm mẹ nấu dù đạm bạc, đơn sơ nhưng đó luôn là bữa cơm ngon nhất, ấm áp nhất mà có tiền chưa chắc đã có được.
Hùng có đam mê đặc biệt với nhiếp ảnh nên đã bỏ việc công nhân đi học lớp nhiếp ảnh ngắn hạn.
Dù làm công nhân nhưng Hùng có đam mê nhiếp ảnh và chàng thanh niên khi đó mới tròn 20 tuổi quyết định dành dụm tiền đi học lớp đào tạo nhiếp ảnh ngắn hạn. Năm 2016, khi có trong tay chút vốn liếng, chàng trai ấy đã quyết định rời xa quê hương để xuống Hà Nội theo học khóa nhiếp ảnh. Vừa theo đuổi đam mê, cậu vừa hy vọng có thể kiếm sống bằng nghề.
Học xong, Hùng đi chụp ảnh dạo ở các vườn hoa, bất cứ ai thuê chụp ảnh là Hùng lại xách máy lên đường. Dù cách nhà hàng trăm cây số, nhưng mỗi khi rảnh rỗi Hùng lại về quê với bà, với mẹ, quây quần bên bữa cơm gia đình. Đồng thời dùng kiến thức nhiếp ảnh mình có được chụp những bộ ảnh cho bà, cho mẹ để lưu giữ làm kỷ niệm.
Sẵn máy trong tay, Hùng lấy mẹ làm nhân vật và dựng những thước phim rồi đăng tải lên mạng. Hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ với những bữa cơm mộc mạc, chân tình đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của rất nhiều người và Hùng quyết định về quê để xây dựng kênh Youtube ẩm thực.
Ngoài những món ăn dân dã được làm từ đồ có sẵn trong vườn, điều khiến Hùng vui hơn cả là được ở gần mẹ.
“Quyết định về quê với em là một bước ngoặt, em vừa muốn làm những thước phim về mẹ trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng điều quan trọng hơn cả là em muốn được về bên mẹ, được ăn những bữa cơm mẹ nấu mỗi ngày và chăm sóc mẹ khi tuổi đã cao”, Hùng nói.
Mẹ chẳng cần phải diễn mà cứ mộc mạc, giản dị như cuộc sống thường ngày
Bối cảnh trong mỗi thước phim của Hùng là cánh đồng chiêm trũng, là góc vườn nhỏ trước nhà và góc bếp đơn sơ. Diễn viên chính chỉ có mình mẹ. Bên cạnh đó là những chú gà cục tác ngoài vườn, hai chú chó Mập Mập và Lạc Lạc thi thoảng đi qua đi lại đúng với chất quê.
Hùng kể, lúc đầu mới bắt đầu làm, mẹ chẳng biết mạng internet hay Youtube là gì và không biết phải diễn ra sao. Nhưng Hùng nói với mẹ rằng: “Mẹ không cần phải diễn, mẹ cứ là mẹ mỗi ngày với công việc đồng áng, cơm nước. Chỉ vậy thôi”.
Tất cả những công việc hàng ngày của mẹ điều được Hùng đưa vào những thước phim chứ không cần phải diễn.
Rồi sau đó, cô Cường cứ làm công việc hàng ngày từ nấu cám cho lợn, ra đồng làm ruộng, bắt con cua, con ốc về cải thiện bữa ăn. Đi theo sau là người con trai với chiếc máy luôn được bật sẵn và chân quần luôn xắn cao trên đầu gối. “Cô vẫn làm công việc bình thường, có điều phải cẩn thận hơn trước thôi. Bữa cơm hàng ngày cũng chẳng chuẩn bị gì, chỉ là những thứ có sẵn trong vườn nhà”, cô Cường kể.
Đơn giản là vậy, nhưng khi đưa lên mạng bất cứ ai sinh ra ở quê đang đi làm ăn xa đều cảm thấy rưng rưng, theo dõi từng cảnh người mẹ nấu, dù đó chỉ là món cá kho, ốc luộc, trứng rán… và hơn thế nữa là muốn chạy về với mẹ bên mâm cơm giản dị nhưng đầy tình yêu thương.
Các cảnh quay đều diễn ra ở không gian thân thuộc trong vườn nhà.
Với cô Dương Thị Cường, niềm vui lớn nhất là qua những thước phim của con trai, cô đã truyền lại được những món ăn giản dị gắn bó với người dân miền quê hàng nghìn năm qua. Điều mà chính cô cũng được người mẹ của mình truyền lại từ thời con thơ bé. Hơn thế nữa, sau mỗi bữa cơm quen thuộc, người mẹ giản dị này lại được cùng con trai ăn bữa cơm gia đình, được gần gũi con mỗi ngày và dậy cho con những điều hay lẽ đẹp.
Chia sẻ về kỷ niệm hai mẹ con khi thực hiện video, cô Cường vui vẻ: “Chế biến các món ăn thì rất nhanh, nhưng có những món tôi phải tự tay đi bắt như món canh cá rô đồng, món ốc luộc... Thậm chí có những cảnh phải quay đi quay lại do cách làm chưa ưng ý hoặc vì một lý do nào đó. Có hôm tôi chuẩn bị bữa trưa cho hai mẹ con ăn nhưng rồi quay đi quay lại đến tận gần 2h chiều mới được ăn”.
Mẹ sẽ không còn phải khóc nữa, Tết này sẽ có giò lụa, bánh chưng
Đồng Văn Hùng cho biết đến nay kênh Youtube do anh làm đã chính thức được bật kiếm tiền, tuy nhiên số tiền kiếm được còn chưa bằng thời anh đi chụp ảnh thuê ở Hà Nội. Điều đó với chàng trai trẻ như Hùng không phải quá quan trọng. Quan trọng nhất là Hùng được làm điều mình thích, thấy được mẹ vui vẻ hàng ngày.
Gần con trai, cùng con trai ăn những bữa cơm đầm ấm, cô Cường giờ đây có thể nở nụ cười mãn nguyện.
“Giờ đây bà ngoại đã mất, nhà còn mỗi mình mẹ. Nếu em không về với mẹ thì mẹ sẽ buồn và cô đơn vô cùng. Bởi thời gian em đi làm xa mẹ đã từng khóc một mình rất nhiều vì tủi thân, vì nhớ con. Từ nay mẹ sẽ không còn phải khóc nữa”, Hùng nói.
Tết Nguyên đán đã đến rất gần, cô Cường và Hùng cho biết Tết năm nay hai mẹ con vẫn trung thành với những món ăn truyền thống của quê hương, dân tộc như bánh chưng, bánh tét, giò lụa, dưa hành… để giúp người dân xa quê luôn hướng về gia đình và không bị lạc lõng nơi đất khách quê người.
Tết năm nay bên bếp lửa bập bùng, Hùng và mẹ sẽ làm giò, gói bánh để truyền tải thông điệp Tết yêu thương với những người con xa quê.
Cô Dương Thị Cường chia sẻ thêm, tất cả những món ăn trên nguyên liệu đều có sẵn trong vườn nhà. Từ lá dong, củ giềng, gạo nếp, đậu xanh đều đã đủ cả, còn thịt lợn thì sẽ bắt một con trong chuồng cùng với hàng xóm chia nhau. Cô Cường cũng vui cười nói rằng bản thân cô hàng chục năm qua mỗi khi Tết đến vẫn tự tay gói từng chiếc bánh chưng vuông vức để dâng lên tổ tiên.
Với những người con phải xa quê hương để làm ăn, sau khi xem video mẹ Hùng làm, ai cũng chỉ muốn quay về thật nhanh để ôm chặt mẹ của mình trong lòng, được ăn bữa cơm mẹ nấu đặc biệt là trong những ngày Tết đến Xuân về. Bản thân Đồng Văn Hùng cũng trầm lắng lại khi chia sẻ nỗi niềm: “Đi xa rồi trở về mới thấy cơm mẹ nấu càng thêm ngon”.