Xóm nơi gốm rong nghèo anh Tỉnh đã tìm thấy tình yêu và xây dựng được một tổ ấm cho cuộc đời mình.
Cứ 5 giờ chiều, khi hoàng hôn hắt xuống sông nước từng đoàn xe lại kéo nhau lẽ lượt trên đê để trở về khu xóm mang cái tên bình dị Xóm gốm rong.
Xóm gốm rong, nơi cư trú của những con người lao động nghèo khổ
Khu xóm mà cái tên của nó đã nói lên trọn vẹn đặc điểm của những con người nơi đây. Nơi mà những chiếc thuyền tre trở thành mái nhà bình yên cho sinh hoạt của hàng trăm con người xa quê. Nơi mà đôi chân họ đã rong ruổi khắp mọi nẻo đường, lốp xe cũng mòn và bàn tay cũng đã chai sạn, duy chỉ đồ gốm lỉnh kỉnh trên xe vẫn chắc chắn ngày này qua ngày khác.
Có đến hàng trăm chiếc thuyền của những người buôn gốm neo đậu tình cờ trên sông và phần lớn họ đến từ một làng nhỏ tại Vĩnh Phúc. Cũng có tới vài trăm con người, lớn có, nhỏ có sinh sống tại đây nhưng lịch sử của xóm gốm thì không phải ai cũng biết. Có người mới đến sống được vài năm, có người vô tình neo đậu tại bến ngót nghét vài chục năm và có gia đình cũng không dưới 3 thế hệ sống tại đây.
Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, trong lòng của những người dân xóm gốm rong lại khôn nguôi nhớ về quê nhà
Anh Phùng Văn Tỉnh một người đàn ông cư ngụ xóm gốm rong. Chính nơi đây đã cho anh tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời mình
Những tưởng cuộc sống rong ruổi người bán gốm chỉ biết đến cơ cực nhưng thật lạ, giữa cuộc mưu sinh gian truân đó, họ vẫn cảm nhận được tình yêu thương bình dị. Anh Phùng Văn Tỉnh năm nay mới tròn 30 tuổi thế nhưng anh đã là cha của 2 đứa con lớn và vợ anh thì hơn anh những 7 tuổi. Xóm gốm chính là nơi anh và chị gặp nhau lần đầu và cũng là nơi họ chung sống gần 10 năm hạnh phúc.
Công việc hàng ngày quen thuộc của anh Tỉnh cũng như những người dân xóm gốm rong
Anh Phùng Văn Tỉnh tâm sự: "Mới đầu tôi theo ông chú từ quê lên đi thuyền. Nhà nghèo chỉ nghĩ là đi lên buôn gốm vài ba năm để lấy ít tiền về quê lấy vợ. Ai dè lên lại gặp vợ tôi. Lúc đầu cũng chỉ coi nhau là chị em. Thành lên trước tôi nên cô ấy chỉ cho tôi những cách chọn gốm, nơi bán gốm ít bị đuổi nhất. Cả hai cứ đi bán gốm chung rồi nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Mới đầu cô ấy còn từ chối vì nghĩ là tôi chỉ đùa cho vui thôi nhưng lâu dần tình cảm chân thành cũng lay động được Thành.”
Nơi đây những chiếc thuyền tre trở thành mái nhà bình yên cho sinh hoạt của hàng trăm con người xa quê.
Đó là những lần đi bán gốm vô tình gặp trời mưa, chị Thành bị trượt chân và làm đổ cả xe gốm. Coi như cả tháng làm công cốc. Mẹ cô ấy thì đang ốm chờ tiền gửi về. Chẳng biết ra sao chị Thành ngồi khóc ngon lành dưới mưa và khi ấy anh Tỉnh ôm trọn lấy chị và hứa sẽ bảo vệ, chăm sóc chị và gia đình chị cả đời.
Chị Nguyễn Thị Thành - vợ anh Phùng Văn Tỉnh, người cùng anh chung sống hơn 10 năm tại xóm gốm rong
Chị Nguyễn Thị Thành tâm sự: "Mình nghèo và xấu xí, lúc ấy cũng nhiều tuổi thực tình chẳng mong kiếm được một người yêu thương và tử tế như Tỉnh. Anh ấy cũng không phải là dạng ba hoa nên chỉ nói dăm ba câu và thường thể hiện tình cảm bằng những hành động cụ thể. Đám cưới được tổ chức ở quê và hai vợ chồng cũng có làm dăm mâm cơm mời xóm gốm sang ăn nhưng điều đó là đủ với tôi lắm rồi".
Dù nghèo khó, thiếu thốn đủ đường nhưng chưa bao giờ anh Tỉnh thấy cuộc sống nhàm chán, cũng chưa bao giờ vợ chồng anh than thở. Hàng ngày khi công việc bán gốm đã tạm gác lại, anh trở về với cuộc sống thường nhật bên những ván cờ vui cùng hàng xóm, láng ghiềng. Còn vợ anh sẽ chuẩn bị cho bữa cơm tối trong trời chiều nhập nhoạng hoặc khâu vá lại những chiếc áo đã sờn vai, chiếc chăn mục...
Hàng ngày, anh Tỉnh lau gốm sạch sẽ để đi bán
Mọi sinh hoạt của những người trong xóm gốm đều diễn ra trên thuyền. Cuộc sống đời thường cứ lênh đênh, nghiêng ngả khi gặp sóng to, gió lớn nhưng bữa cơm củ những gia đình ở đây dù là rau cháo đạm bạc nhưng vẫn bình yên đến thế...Điều mà tiền có lẽ cũng không bao giờ mua được.
Chiếc thuyền nhỏ bé là nơi chung sống của gia đình anh Tỉnh - chị Thành và nhiều hộ dân khác nơi đây
Sẽ không ai có thể tượng tượng được đi sâu vào một ngõ nhỏ trên một con đường lớn của Hà Nội ta lại bắt gặp hình ảnh của cả một xóm thuyền của những người bán gốm rong. Họ vẫn sống qua các thế hệ tại đây và lấy chiếc cầu tre tự bắc làm điểm tựa để bước từ cuộc sống mưu sinh nặng nhọc, bấp bênh đến ngôi nhà nhỏ bé bình yên trên sông....