Dù nghèo đói, ông lão cụt chân và người đàn bà bị chồng bỏ gặp nhau trên vạn đường mưu sinh vẫn tìm thấy hạnh phúc nơi chiếc ghe thuyền đã mục nát.
Nhiều năm qua, chiếc ghe gỗ cũ kỹ dính đầy bùn đen đậu tạm dưới chân cầu Rạch Bàng 2 (Quận 7- TP.HCM) là phương tiện mưu sinh của cặp vợ chồng ông lão cụt một chân. Ngày nắng hay mưa, người đàn ông đã ngoài 60 vẫn miệt mài đẩy chiếc ghe ra sông to thả chài quăng lưới kiếm con cá con tôm. Xế trưa, người vợ được ông “nhặt” về ghe sẽ đem cá tôm lên đất liền đổi lấy tiền mua gạo, mua muối và đồ dùng học tập cho cô con gái nhỏ.
Ông lão cụt chân đem lòng thương người đàn bà bị chồng ruồng bỏ
Nhớ về người vợ đầu, ông Lê Văn Đực (62 tuổi- Kiên Giang) thường được gọi là chú Năm cụt gạt nước mắt: “Năm ấy, quê tôi xảy ra đại dịch sốt xuất huyết. Vợ tôi mắc bệnh nặng và không qua khỏi, bỏ lại 5 đứa con thơ. Từ ngày đó, tôi một mình gà trống nuôi các con”.
Ngày ngày, ông Năm và những đứa trẻ mồ côi mẹ lênh đênh miền sông nước đánh bắt cá tôm. Khi con trưởng thành, người cha cụt chân dựng vợ gả chồng cho từng người con. Hoàn thành trách nhiệm của người cha, ông tiếp tục sinh sống một mình trên chiếc ghe gỗ.
Một lần thả lưới dưới sông cạn, ông Năm gặp người đàn bà bị chồng ruồng bỏ dắt díu con lang thang. Thương số phận người phụ nữ hẩm hiu, ông Năm ngỏ lời giữ người đàn bà ở lại trên ghe. Cảm nhận được sự chân thành, người đàn bà mắc chứng bệnh rối loạn tiền đình đồng ý dọn lên ghe làm vợ ông lão góa vợ cụt một chân. Bén duyên, ông lão cụt chân và người đàn bà ngoại tứ tuần cùng nhau xây dựng tổ ấm mới. Họ chăm sóc, lo cho nhau từng bữa cháo cọng rau. Đặc biệt, họ đã có với nhau đứa con gái chung.
Bén duyên, ông lão góa vợ cụt chân và người đàn bà bị chồng ruồng bỏ cùng nhau xây dựng tổ ấm mới
Năm ấy, mùa lũ lên cao, ông Năm quyết định ngược ghe lên Sài Gòn kiếm sống với hi vọng cuộc sống no đủ. “Sông nước dưới quê không còn nhiều cá tôm, tôi bàn bạc với vợ ngược lên thành phố sinh sống. Về đây, tôi chọn khúc sông dành cho người nghèo bên quận 7 đậu ghe, quăng lưới đánh bắt cá tôm”, ông Năm cho hay.
Những bữa cơm chỉ có…muối trắng rang
Tưởng chừng cuộc sống nơi phồn hoa sẽ giúp gia đình ông Năm thay đổi. Nào ngờ, ông gặp quá nhiều vấn đề trong chính cuộc đấu tranh giành giật miếng cơm. Ông kể, sáng sáng, ông thường dậy sớm đẩy thuyền ghe chạy dọc sông quăng lưới nhưng không bắt được nhiều cá tôm. Có tháng, vợ chồng ông chỉ kiếm được vài trăm ngàn. Số tiền đó không đủ mua hũ gạo, hột muối cho đứa con nhỏ ăn qua ngày.
“Mỗi lần, con khen ăn cơm với muối trắng ngon mà lòng tôi đau thắt. Gía như, nó được sinh ra trong gia đình có điều kiện sẽ không phải cực khổ như vậy! Tôi ao ước, con có hộp sữa tươi uống mỗi ngày như những đứa trẻ thành phố”, ông Năm tâm sự.
Gánh nặng cơm áo đã khiến mái tóc người cha cụt chân bạc đi phần nào. Đó cũng là lúc chiếc thuyền ghe mưu sinh mục nát. Không có tiền sửa chữa, ông Năm đành đậu tạm dưới chân cầu Rạch Bàng 2, lên bờ bán vé số kiếm lời mua gạo.
Gánh nặng cơm áo đã khiến mái tóc người cha cụt chân bạc đi phần nào
Xót thương hoàn cảnh vợ chồng ông lão cụt chân già bệnh tật, người dân nghèo quanh đó đã làm một chòi nhỏ dưới dốc cầu để bà Năm ngồi bán nước. Tuy vậy, quán nước rất ít khách ghé vào, chẳng đáng bao đồng lãi.
Những ngày Sài Gòn mưa lớn, nước sông lên cao, chiếc ghe cũ kỹ mục nát ngập đầy nước bùn. Vậy mà, cặp vợ chồng già và đứa con thơ vẫn sinh hoạt bình thường trong “mái nhà” ủ dột. Ông Năm vui vẻ khoe: “Bữa trước, bên phường cho gia đình tôi vài chiếc thùng phi lớn. Mưa lên, tôi đã kê lại móng nền ghe cho chắc nhưng nước bẩn vẫn vào nhà. Nhiều người thấy vậy đã xui tôi dọn lên chòi ở. Nhưng, tôi không dọn bởi làm như vậy sẽ có người làm theo. Khi đó, chuyện rắc rối sẽ xảy ra”.
Tuổi càng cao, sức khỏe của vợ chồng ông Năm càng yếu. Những ngày trái gió trở trời, vết cắt ở chân trái lại nhức mỏi, đôi vai gầy thêm nặng gánh mưu sinh. Ông bảo, ốm đau nhiều cũng thành thói quen, chỉ qua loa vài viên thuốc kháng sinh là đủ. Hơn cả, ông luôn trăn trở cho sức khỏe người vợ nhiều bệnh và tương lai của đứa con thơ.
“Nhiều đêm mưa hắt vào mặt, tôi suy nghĩ về tương lai cho đứa con nhỏ. Giờ, tôi đã già yếu, không có đủ sức khỏe chạy ghe quăng cá tôm. Bà ấy cũng vậy, mắt mờ chân chậm trí nhớ kém dần. Tôi sợ rằng, ngày nào đó tôi không còn sống, ai sẽ là người chăm sóc mẹ con bà ấy!...”, ông Năm trải lòng.
Ánh mắt thần thờ của bà Năm khi nhìn về phía bên kia cầu- nơi trung tâm thương mại dành cho người có điều kiện
Khó khăn cuộc đời hiện rõ qua từng vết nhăn trên khuôn mặt ông Năm cụt
Chiếc ghe gỗ mục nát- mái ấm của gia đình vợ chồng ông Năm
\
Trước kia, con thuyền ấy là phương tiện mưu sinh nuôi sống cả gia đình
Những ngày Sài Gòn mưa lớn, nước sông lên cao, chiếc thuyền ghe cũ kỹ mục nát ngập đầy nước bùn
"Căn nhà" ấy chẳng có thứ gì quý giá ngoài vài chiếc nồi nấu bếp, bộ quần áo sờn màu
Bất chợt, ông Năm hướng ánh mắt yêu thương về phía người đàn bà đã hi sinh rất nhiều vì ông
Rồi, ông lại thẫn thờ khi nghĩ về phía tương lai
Ông không còn đủ sức khỏe chạy ghe quăng cá tôm kiếm tiền nuôi vợ con
Những ngày trái gió trở trời, vết cắt ở chân trái lại nhức mỏi...
...đôi vai gầy thêm nặng gánh mưu sinh
Thời gian dần trôi, ông Năm cụt vẫn vững bước bằng đôi chân không lành lặn
Với ông, vợ con là món quà quý giá hơn cả