Tôi rất sốc với "công thức" nấu mì cà chua trứng ở trường mẫu giáo của con.
Sau kỳ nghỉ hè dài, trẻ em trên khắp cả nước náo nức chuẩn bị bước vào thềm năm học mới. Với những trẻ đã đi học trước đó, việc quay trở lại trường học là điều không có gì quá khó khăn, nhưng với những trẻ lần đầu đi học hoặc trong giai đoạn chuyển cấp thì sẽ khiến nhiều ông bố bà mẹ phải lo lắng, đặc biệt là trẻ chuẩn bị vào mẫu giáo.
Trường mẫu giáo ngày nay về cơ bản là ngôi nhà thứ hai của trẻ, vì trẻ không chỉ được học chữ, mà còn sinh hoạt giống như ở nhà, cụ thể là ăn uống và ngủ nghỉ ở trường. Vì vậy, việc trẻ có chế độ ăn uống, ngủ trưa như thế nào ở trường mẫu giáo thường trở thành vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm nhiều nhất. Hầu như bố mẹ nào cũng lo lắng, sợ con mình ăn không ngon ở trường.
Giống như trường hợp của bà mẹ trẻ Tiểu My (Thẩm Quyến, Trung Quốc). Chị có một cậu con trai 4 tuổi mới vào mẫu giáo, cậu bé gầy gò từ nhỏ nên Tiểu My rất quan tâm đến chế độ ăn uống của con, lúc nào cũng sợ con bị suy dinh dưỡng. Từ khi quý tử đi mẫu giáo, giáo viên chủ nhiệm đã thêm Tiểu My vào nhóm phụ huynh của lớp, hàng ngày, giáo viên sẽ gửi thực đơn bữa ăn trưa cho trẻ ở trường vào nhóm để bố mẹ các bé tiện theo dõi, nắm bắt được tình hình của con ở trường.
Một ngày nọ như thường lệ thì bà mẹ trẻ Tiểu My thấy thực đơn bữa trưa của con trai là mì trứng cà chua. Lúc này, Tiểu My cảm thấy rất vui vì đây là món ăn yêu thích của con, nên nghĩ rằng thằng bé có thể sẽ ăn nhiều. Nhưng sau khi từ trường trở về nhà, con trai lại kêu đói. Tiểu My thấy lạ nên đã hỏi thăm con trai về buổi trưa ở trường, "hôm nay được ăn món mì trứng cà chua khoái khẩu của mình, mẹ nghĩ con sẽ ăn rất ngon". Nhưng trái với những gì Tiểu My mong đợi, con trai lại tỏ vẻ buồn bã đáp, "không phải món mì trứng cà chua như mẹ nấu, ở trường không có trứng gì cả mẹ ạ, nên con không thích món đó chút nào!"
Nghe lời con trai nói, Tiểu My cảm thấy vô cùng khó hiểu. Bởi vì rõ ràng cô nhìn thấy trong thực đơn cô giáo gửi là món mì trứng cà chua, tại sao giờ con trai lại bảo rằng không có trứng. Nhận thấy vấn đề không đơn giản, Tiểu My đã lập tức nhắn tin vào nhóm lớp để làm rõ sự tình. Nào ngờ câu giải thích của cô giáo khiến bà mẹ trẻ giận đỏ mặt, thì ra món mì trứng cà chua là sợi mì được làm từ trứng, sau đó trộn thêm ít cà chua được băm nhỏ, chứ không phải là mì nấu với trứng và cà chua như nhiều phụ huynh khác vẫn nghĩ.
Tại thời điểm này, các phụ huynh khác trong nhóm lớp đồng loạt có phản ứng dữ dội, và yêu cầu nhà trường phải thiết lập thực đơn ăn uống cho các con đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn về dinh dưỡng hơn. Thậm chí bà mẹ trẻ Tiểu My và một số bà mẹ khác còn tỏ ra vô cùng bức xúc, muốn chuyển trường cho con ngay lập tức nếu như nhà trường không đưa ra được hướng giải quyết thuyết phục.
Sở dĩ các bậc bố mẹ đều quan tâm đến món “mì trứng” như vậy là vì nó liên quan trực tiếp đến tiêu chuẩn dinh dưỡng của con họ, ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển thể chất và sự tăng trưởng khỏe mạnh của trẻ. Thực tế thì bố mẹ nào cũng đều luôn sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền cho các bữa ăn, để đảm bảo con cái được ăn uống đủ chất và đủ lượng ở trường mẫu giáo. Vậy nên các trường mẫu giáo cũng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng công thức nấu ăn hợp lý, theo tiêu chuẩn chất lượng, đa dạng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ.
Tuy nhiên, những tình huống như trên cũng không phải là chuyện hiếm gặp. Đó là lý do mà các ông bố bà mẹ luôn mang tâm lý lo lắng mỗi khi để con cái rời khỏi vòng tay của mình, và gửi con đến trường mẫu giáo. Để hạn chế rơi vào trường hợp này, việc cân nhắc kỹ lưỡng trong vấn đề ăn uống của con ở trường trước thềm năm học mới là vô cùng quan trọng mà các bậc phụ huynh không nên chủ quan, lơ là.
Vậy bố mẹ nên lưu ý điều gì trong vấn đề ăn uống của con tại trường mẫu giáo?
- Chế độ ăn của trường: Bố mẹ cần tìm hiểu về chế độ ăn uống được cung cấp tại trường mẫu giáo của con. Hỏi xem liệu trường có cung cấp bữa ăn và giữa bữa cho trẻ hay không. Nếu có, hãy tìm hiểu về các món ăn được chuẩn bị và nguyên liệu sử dụng. Đảm bảo rằng chế độ ăn đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng, đảm bảo sự đa dạng và cân đối.
- Thực đơn và nguyên liệu: Các phụ huynh được khuyến khích kiểm tra thực đơn của trường mẫu giáo, và xem xét nguyên liệu được sử dụng trong các bữa ăn. Đảm bảo rằng bữa ăn của trẻ có chứa đủ các nhóm thực phẩm cần thiết như rau, củ, quả, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và các nguồn protein. Đồng thời, bố mẹ nên hỏi về các biện pháp đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm, được áp dụng trong quá trình chuẩn bị và lưu trữ thực phẩm ở trường học
- Dị ứng và hạn chế ăn: Thông báo cho trường về bất kỳ dị ứng thực phẩm, hoặc hạn chế ăn đặc biệt mà con có. Cung cấp thông tin chi tiết về loại thức ăn gây dị ứng, và cách xử lý khi con tiếp xúc với chúng. Đảm bảo rằng nhân viên trường hiểu rõ về các giới hạn, và yêu cầu dinh dưỡng đặc biệt của con.
- Gửi bữa ăn từ nhà: Nếu bố mẹ không hài lòng với chế độ ăn của trường, hoặc muốn kiểm soát chế độ ăn của con một cách chặt chẽ hơn, bố mẹ có thể cân nhắc gửi bữa ăn từ nhà cho con. Điều này đảm bảo rằng bố mẹ sẽ có toàn quyền kiểm soát thành phần và chất lượng của bữa ăn. Tuy nhiên, phụ huynh hãy thảo luận với trường về quy trình và yêu cầu khi gửi bữa ăn từ nhà.
- Giao tiếp với trường: Hãy duy trì một cuộc trò chuyện liên tục với trường mẫu giáo về vấn đề ăn uống của con. Thảo luận với giáo viên hoặc nhân viên chăm sóc về bữa ăn, thực đơn và bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chế độ ăn của con. Đặt câu hỏi và chia sẻ quan ngại của bố mẹ để đảm bảo rằng con được chăm sóc, và cung cấp chế độ ăn uống phù hợp.
Quan trọng nhất là bố mẹ nên duy trì một mối quan hệ mở, và chặt chẽ với trường mẫu giáo. Điều này giúp đảm bảo rằng vấn đề ăn uống của con ở trường được bố mẹ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, để biết rằng con được cung cấp chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, và yêu cầu riêng của mỗi gia đình.