Nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất trong nhà là không phải bồn cầu mà chính là những chiếc khăn lau trong nhà bếp của bạn.
I. Vi khuẩn trên khăn lau bếp nguy hiểm đến mức nào?
Khăn lau nhà bếp là vật dụng không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Chúng được dùng để lau tay, lau bệ bếp, lau bàn và theo nghiên cứu thì loại nào cũng chứa nhiều vi khuẩn gây hại như nhau.
Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Arizona (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã thu thập 100 khăn bếp từ các gia đình. Sau đó lấy mẫu từ khăn - đã được sử dụng trong 1 tháng mà chưa giặt sạch để nuôi cấy vi khuẩn. Nghiên cứu cho thấy, 49% khăn lau bát đĩa dương tính với vi khuẩn và số lượng vi khuẩn cao hơn nếu gia đình đông người hoặc gia đình có trẻ em, so với khăn lau của gia đình chỉ có hai vợ chồng hoặc gia đình không có con nhỏ. 90% khăn lau bếp được thu thập từ năm thành phố lớn ở Mỹ và Canada đều chứa vi khuẩn coliform (một dạng trực khuẩn ruột), loại vi khuẩn được tìm thấy trong đường ruột của người và động vật. Mặc dù nó không phải lúc nào cũng có hại nhưng một vài vi khuẩn thuộc nhóm coliform được biết đến là tác nhân gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Trong số các mẫu khăn thử nghiệm dương tính với vi khuẩn, khoảng 73% phát triển các loại vi khuẩn có trong ruột người, bao gồm các chủng E. coli và Enterococcus. Khoảng 14% xuất hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus, hay tụ cầu khuẩn, một loại vi khuẩn đôi khi được tìm thấy trên da người. Mặc dù vi khuẩn tụ cầu khuẩn thường không gây bệnh ở những người khỏe mạnh, nhưng khi vi khuẩn này xâm nhập vào thức ăn, nó có thể sản sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
II. Vi khuẩn trên khăn lau bếp lây lan như thế nào?
Charles Gerba - giáo sư chuyên ngành Đất, Nước và Khoa học Môi trường tại ĐH Arizona là tác giả của nghiên cứu cho biết, khăn là ổ chứa nhiều vi khuẩn nhiều hơn tất cả các vật dụng khác. Những chiếc khăn này thường bị ẩm ướt trong một khoảng thời gian dài nên trở thành nơi lý tưởng để các loại vi khuẩn sinh sống. Bạn có thể tiếp xúc với thực phẩm nhiễm khuẩn rồi lau tay vào khăn trước khi chế biến. Sau đó vô tình đưa tay lên miệng, đó chính là con đường bạn đưa vi khuẩn vào cơ thể mình.
III. Những cách làm sạch khăn lau bếp hiệu quả nhất
1. Dùng Amoniac
Amoniac có thể giúp bạn với nhiều công dụng hữu ích.
Cách làm:
- Bước 1: Cho tất cả khăn bếp vào một cái thau với một vài giọt amoniac.
- Bước 2: Ngâm trong vài giờ để nhả bụi bẩn và diệt khuẩn.
- Bước 3: Lấy khăn ra và giặt.
Đảm bảo không giặt khăn bếp với quần áo khác. Không sử dụng chất làm mềm vải.
2. Đun sôi
Đây là một trong những kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất, giúp giải phóng bụi bẩn và dầu mỡ bám trên khăn.
Cách làm:
- Bước 1: Nấu một nồi nước cho sôi và cho khăn vào.
- Bước 2: Thêm một ít chất tẩy rửa và thuốc tẩy vào.
- Bước 3: Ngâm trong vài giờ cho đến khi nước nguội.
- Bước 4: Giặt sạch lại với nước và phơi khô.
3. Dùng giấm
Giấm giúp loại bỏ mùi khó chịu và cũng là một chất khử trùng tự nhiên. Mặc dù có hoạt tính mạnh, có thể giết chết vi khuẩn, nhưng nó không làm hỏng khăn bếp của bạn.
Cách làm:
- Bước 1: Nấu một nồi nước cho sôi và cho khăn vào.
- Bước 2: Thêm một ít giấm và nước giặt vào.
- Bước 3: Ngâm trong vài giờ cho đến khi nước nguội.
- Bước 4: Giặt sạch lại với nước và phơi khô.
4. Dùng nước rửa chén
Hầu như mọi người đều giặt khăn bếp bằng nước giặt. Tuy nhiên, tốt nhất là giặt chúng bằng nước rửa chén ở nhiệt độ cao để sạch hoàn toàn và khử trùng khăn.
Cách làm:
Bạn chỉ cần ngâm toàn bộ khăn được ngâm trong nước rửa chén nóng và giặt.
IV. Lời khuyên thiết thực cho việc sử dụng khăn lau bếp
- Đừng sử dụng cùng một chiếc khăn bếp cho mọi việc. Bạn nên có các loại khăn bếp khác nhau để sử dụng cho từng mục đích như: lau thớt, lau chùi các bề mặt, lau tay,...
- Đừng lau tay ngay sau khi xử lý thực phẩm thô. Hãy rửa tay trước khi lau.
- Sử dụng khăn để làm sạch các bề mặt bất cứ khi nào bạn cần. Nhưng nhớ giặt khăn và phơi khô ngay sau khi sử dụng. Nếu không làm điều đó, nhiều vi trùng mầm bệnh sẽ tích lũy trên khăn.
- Phơi khô khăn bếp đúng cách. Tốt nhất nên trải khăn ra hoặc treo lên, đừng để dồn cục.
- Đảm bảo giặt khăn bếp bằng nước rất nóng.
- Tận dụng ánh sáng mặt trời để loại bỏ các vết bẩn khó chịu. Phơi khăn bếp ở nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
- Phân biệt giữa làm sạch và khử trùng:
+ Làm sạch: Là sử dụng xà phòng và nước để loại bỏ bụi bẩn và một số vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, nó không thể loại bỏ tất cả vi trùng khỏi bề mặt hoặc vật phẩm.
+ Khử trùng: Là các giải pháp mạnh hơn để loại bỏ gần như tất cả vi khuẩn, vi trùng và mầm bệnh. Cùng với việc dọn dẹp mỗi ngày, bạn nên khử trùng bề mặt, khăn bếp và thớt.