Trẻ em thường rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là hiện tượng trẻ bị nghẹt mũi, khó thở khi ngủ. Để giúp con có giấc ngủ ngon, không ảnh hưởng tới sức khỏe thì cha mẹ cần có những hiểu biết nhất định về vấn đề này.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) |
Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt |
1. Nguyên nhân trẻ bị nghẹt mũi, khó thở khi ngủ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé bị nghẹt mũi, khó thở khi ngủ. Dưới đây là một số nguyên nhân chính, thường gặp ở trẻ em:
- Các bệnh do virus (như cảm cúm)
Vì sức đề kháng của trẻ em còn non yếu nên cơ thể bé có nhiều nguy cơ bị các loại vi khuẩn tấn công gây cảm lạnh, sổ mũi hoặc nghẹt mũi.
- Bị cảm lạnh + Do không khí quá khô
Nếu thường xuyên dùng điều hòa để nhiệt độ lạnh hơn mức chịu đựng của trẻ hoặc trong những ngày thời tiết chuyển sang đông sẽ làm cho bé rất dễ bị cảm lạnh, không khí xung quanh luôn trong tình trạng quá khô. Khi bị cảm lạnh, đường thở bị tắc nghẽn dẫn đến việc trẻ bị nghẹt mũi, khó thở.
- Do các tác nhân gây kích ứng như bụi, khói thuốc lá hay nước hoa.
Một nguyên nhân khác cũng gây ngạt mũi cho trẻ là bé bị dị ứng với một số tác nhân bên ngoài như: khói, bụi nhà, lông thú vật...Các yếu tố này sẽ làm cho niêm mạc mũi bị kích ứng dẫn đến việc lượng dịch nhầy trong mũi trẻ tăng lên. Tuy nhiên, trẻ em lại chưa thể biết cách tự làm sạch mũi nên khiến lượng dịch nhầy này ứ đọng lại.
Bị cảm lạnh cũng có thể làm cho bé bị nghẹt mũi, khó thở
2. Một số cách giúp giảm bé bị nghẹt mũi, khó thở
Làm ẩm mũi
Trước lúc bé ngủ, phụ huynh cần phải làm vệ sinh mũi cho trẻ sạch sẽ.
Cách làm như sau:
- Mẹ có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9 % để nhỏ mũi cho trẻ, cách làm như sau:
- Đặt trẻ nằm ngửa. Đặt một cái khăn dưới vai trẻ và ấn nhẹ để đầu trẻ hơi ngả ra phía sau, mũi hơi hếch lên để nhỏ thuốc dễ dàng hơn.
- Nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch NaCl 0,9 % (nước muối sinh lý) vào mỗi bên mũi. Đợi khoảng 30 – 60 giây để dung dịch thấm và làm ẩm niêm mạc mũi trẻ một cách tự nhiên.
Lưu ý: không nhỏ nước muối quá nhiều. Nhỏ xong có thể massage nhẹ nhàng 2 bên mũi của trẻ.
Sử dụng một máy phun sương tạo độ ẩm nơi trẻ nằm
Trẻ bị khô mũi có nguy cơ cao bị sổ mũi. Hơi nước từ máy phun sương có thể giúp làm ẩm và làm lỏng dịch nước mũi. Hãy làm sạch và thay nước cho máy phun sương hàng ngày.
Một cách khác bạn có thể làm cho phòng tắm đầy hơi nước rồi đưa trẻ vào đây một lúc trước giờ đi ngủ.
Vệ sinh mũi bằng nước muối sẽ giúp bé dễ thở, ngủ ngon hơn
Cho trẻ mặc quần áo thoải mái
- Nên cho bé mặc đồ rộng, thoáng mát, có chất liệu từ cotton khi ngủ. Tuyệt đối không để trẻ mặc quần áo ướt.
- Thường trong lúc ngủ, bé có thể sẽ đạp chăn. Vì thế, cha mẹ có thể cho con sử dụng túi ngủ, mặc đồ ngủ liền hoặc đeo thêm một chiếc yếm vào cổ cho trẻ.
Điều chỉnh tư thế ngủ của bé
- Vì trẻ bị ngạt mũi nên cần kê cao gối của bé hơn bình thường để giúp trẻ dễ thở hơn. Dùng gối mềm, để đầu của bé cao hơn thân. Tránh cho trẻ gối quá cao và quá cứng, sẽ làm bé khó chịu. Ngoài ra, việc dùng 2 mu bàn tay day vào cánh mũi của bé cũng làm trẻ dễ chịu và ngủ ngon hơn.
- Cha mẹ phải để ý tới tư thế ngủ của con xem bé có bị chèn ép khí quản hay khoang mũi hay không. Nếu có thì cần điều chỉnh tư thế ngủ thích hợp cho trẻ.
Giữ môi trường trong phòng ngủ của trẻ sạch sẽ, thoáng mát
- Không khí trong phòng của bé phải được đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát.
- Các góc khuất trong nhà cần vệ sinh thường xuyên, tránh nấm mốc.
- Không để điều hòa quá lạnh. Nếu dùng quạt thì không nên cho quạt phả trực tiếp vào người trẻ khi ngủ.
Cha mẹ có thể cho con uống nước để giảm triệu chứng nghẹt mũi, khó thở
3. Những điều cha mẹ cần tránh khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
- Dùng xi lanh rửa mũi trẻ
Việc này nếu không được làm cẩn thận có thể làm trẻ sặc, nước tràn vào màng phổi. Ngoài ra, rửa mũi nhiều sẽ làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi, khiến mũi dễ bị khô, viêm, nhiễm khuẩn, tổn thương niêm mạc mũi. Nếu dùng nước muối sinh lý quá thường xuyên để rửa mũi cho trẻ cũng gây ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác và tâm lý của bé.
- Tự ý dùng máy xông mũi cho bé
Điều này là rất không nên, đặc biệt với trẻ nhỏ từ 1-2 tháng tuổi. Trong trường hợp trẻ được chỉ định dùng khí dung để điều trị, phụ huynh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc cũng như thời gian mỗi lần xông.
- Dùng miệng hút mũi cho trẻ
Đây là phương pháp cần tránh vì có thể sẽ lây lan mầm bệnh sang cho trẻ. Thậm chí, nếu áp dụng cách này sẽ khiến bệnh của bé trở nên nặng hơn, vô cùng lợi bất cập hại.
- Nhỏ nước ép tỏi cho con
Việc làm này sẽ có thể gây ra viêm nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Trong tỏi chứa chất allicin có tác dụng diệt vi trùng, vi nấm, phòng ngừa và điều trị cúm. Tuy nhiên nếu nhỏ nước ép tỏi vào mũi trẻ sơ sinh có thể gây bỏng niêm mạc mũi, phù nề.
- Lạm dụng thuốc nhỏ mũi
Khi sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là đối với các loại thuốc có chứa corticoid, thuốc gây co mạch, kháng sinh để tránh những tác dụng phụ không mong muốn cho trẻ.
- Pha nước xông hơi quá nóng
Xông hơi để chữa cho trẻ nhanh khỏi nghẹt mũi là một cách rất thông dụng. Nhưng nếu pha nước xông hơi quá nóng sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho làn da của trẻ. Vì vậy, nếu áp dụng phương pháp này, phụ huynh phải pha nước có độ ấm vừa đủ, phù hợp với nhiệt độ của làn da bé.
4. Sau bao lâu thì trẻ khỏi nghẹt mũi?
- Nếu trẻ bị nghẹt mũi do nhiễm khuẩn hoặc dị ứng thì bệnh sẽ khỏi sau từ sau 2-3 ngày.
- Trong trường hợp bé nghẹt mũi do trào ngược axit, viêm xoang hoặc nhiễm khuẩn thứ cấp làm cho dịch mũi biến đổi màu sắc thì có thể kéo dài đến 2 tuần mới khỏi.
5. Những dấu hiệu cần đưa bé đi khám bác sĩ
- Cha mẹ cần đưa trẻ tới bác sĩ để thăm khám và điều trị khi bé có các dấu hiệu sau:
+ Trẻ bị nghẹt mũi kéo dài 2 tuần chưa khỏi.
+ Gắng sức để thở khi ngủ, da tím tái.
+ Bé khó thở, hơi thở không đều hoặc lồng ngực bị thắt lại khi thở.