Đại tràng nếu không được chăm sóc cẩn thận dễ dẫn đến các căn bệnh như viêm đại tràng cấp tính, viêm đại tràng co thắt làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa cũng như sức khỏe của con người.
Tổng quan
Đại tràng là cơ quan nằm gần cuối hệ tiêu hóa, nơi nhận sản phẩm của ruột non và đẩy các phần không tiêu hóa được ra ngoài theo hậu môn. Viêm đại tràng là bệnh lý xảy ra khi lớp niêm mạc bên trong của đại tràng bị viêm gây ra các triệu chứng điển hình ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân
Viêm đại tràng được chia thành 2 loại chính, bao gồm viêm đại tràng cấp và viêm đại tràng mạn tính.
Thủ phạm chính gây viêm đại tràng cấp tính có thể kể tới một số nguyên nhân sau:
- Viêm đại tràng cấp do ngộ độc thức ăn, dị ứng thức ăn
- Do không giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, ăn hoặc uống phải thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh
- Ký sinh trùng hay gặp nhất là lỵ amip, ngoài ra còn có giun đũa, giun tóc, giun kim
- Vi khuẩn: lỵ trực khuẩn (Shigella), vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn tả (Vibrio cholerae), vi khuẩn E. coli, vi khuẩn lao
- Siêu vi thường gặp là Rotavirus, chủ yếu ở trẻ em
- Nấm, đặc biệt là nấm Candida
- Viêm loét đại-trực tràng có thể do bệnh tự miễn
Ngoài ra, bệnh còn liên quan đến sinh hoạt hằng ngày: căng thẳng, táo bón kéo dài, khó tiêu, dùng thuốc kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn ruột, ...
Thủ phạm chính gây viêm đại tràng mạn tính bao gồm:
- Được chia thành 2 nhóm là viêm đại tràng mạn có nguyên nhân và không rõ nguyên nhân.
- Bệnh viêm đại tràng mạn tính có nguyên nhân: xuất hiện sau viêm đại tràng cấp tính do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm và nhiễm độc nhưng không được điều trị dứt điểm.
- Bệnh viêm đại tràng mạn tính không rõ nguyên nhân, thường là viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu.
Những con đường dẫn đến viêm đại tràng
Do chế độ ăn uống không khoa học: Ăn uống không điều độ, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt, lạm dụng rượu bia gây rối loạn chức năng và tổn thương niêm mạc đại tràng là những nguyên nhân phổ biến. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ dẫn đến táo bón, lâu ngày cũng dễ gây viêm đại tràng.
Do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng: Các loại vi khuẩn gây bệnh lỵ (Shigella, Salmonella), nhiễm nguyên sinh động vật (amip), nhiễm ký sinh trùng (giun sán)… có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng cấp và mạn tính.
Do chế độ vận động không hợp lý: Thói quen ít vận động, ngồi nhiều, nhịn đại tiện gây táo bón làm tổn thương niêm mạc đại tràng dẫn đến viêm đại tràng.
Các nguyên nhân gây viêm đại tràng khác: Viêm đại tràng còn có thể do cơ thể thiếu canxi, vitamin A, C, E và khoáng chất Se; rối loạn thần kinh thực vật hoặc không có nguyên nhân.
Lạm dụng thuốc kháng sinh: Việc lạm dụng thuốc kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể tiêu diệt hết lợi khuẩn, làm suy giảm hệ miễn dịch và gây ra bệnh đại tràng.
Triệu chứng
Triệu chứng của viêm đại tràng rất điển hình nhưng thường người bệnh lại rất chủ quan vì cho rằng các triệu chứng này có thể tự biến mất khi điều chỉnh chế độ ăn uống. Đây chính là nguyên nhân khiến các biểu hiện của viêm đại tràng ngày càng trầm trọng lên theo thời gian. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo viêm đại tràng, người bệnh nên đi khám để điều trị sớm:
- Đau bụng: Tình trạng đau bụng có thể tái phát nhiều lần, lúc thì dữ dội lúc thì âm ỉ. Triệu chứng này không xuất hiện theo chu kỳ, dễ xảy ra khi ăn các loại thức ăn nhiều đạm, hải sản hoặc khi căng thẳng, lo âu. Sau khi đi ngoài, cơn đau này có thể giảm nhưng lại xuất hiện ở đợt tiêu chảy tiếp theo.
- Rối loạn đại tiện: Người viêm đại tràng thường đi ngoài nhiều lần trong ngày, ít có thể 2 - 3 lần, thậm chí có thể lên tới trên chục lần mỗi ngày. Có trường hợp sẽ bị đi ngoài tiêu chảy và táo bón xen kẽ nhau.
- Các biểu hiện của rối loạn chức năng đại tràng khác như chán ăn, ăn không ngon; Đầy bụng, chướng hơi, ăn không tiêu; Trí nhớ giảm sút, thiếu hụt năng lượng.
Bệnh lý viêm đại tràng có 2 thể bệnh là viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mạn tính, về cơ bản triệu chứng đều tương tự nhau. Đặc trưng của bệnh lý viêm đại tràng cấp là diễn biến dữ dội và nghiêm trọng trong thời gian ngắn, đôi khi cần can thiệp y tế để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Còn với viêm đại tràng mạn tính là kéo dài dai dẳng, mức độ nặng dần theo thời gian và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe chung, lâu dài dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, điều trị khó khăn và ít hiệu quả.
Chẩn đoán
Bên cạnh ghi nhận các triệu chứng, biểu hiện bệnh, khi thăm khám, các bác sĩ có thể chỉ định để người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác:
- Nội soi đại tràng: Để quan sát được trực tiếp các ổ tổn thương, viêm loét ở niêm mạc đại tràng. Vị trí và mức độ tổn thương thực tế giúp định hướng điều trị chính xác.
- Chụp X-quang là phương pháp truyền thống để chẩn đoán bệnh, cho phép phát hiện các tổn thương và bệnh lý đại tràng khác như: dài đại tràng, co thắt đại tràng,…
- Siêu âm thường ít được dùng để chẩn đoán viêm đại tràng, chỉ dùng khi người bệnh không đáp ứng được nội soi.
Ngoài ra, xét nghiệm phân, xét nghiệm máu và chụp kỹ thuật khác (CT, MRI) cũng có thể chỉ định để chẩn đoán tình hình diễn tiến viêm đại tràng cụ thể.
Biến chứng
Đối với viêm đại tràng mạn tính lâu năm, trên biểu mô niêm mạc đại tràng xuất hiện những tổn thương sâu và rộng, khó chữa lành nên có nguy cơ biến chứng thành các căn bệnh nguy hiểm như: giãn đại tràng cấp tính (2-6%), thủng đại tràng (2,8%), chảy máu nặng (1-5%) và ung thư đại trực tràng – một trong năm loại ung thư nguy hiểm nhất ở Việt Nam (Theo giáo sư Nguyễn Xuân Huyên – "Bách khoa thư bệnh học" – 2008).
- Gây xuất huyết: Tình trạng này xảy ra khi lớp niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm nghiêm trọng, lớp lông nhung trong đại tràng trở nên trơ trụi sau điều trị bằng kháng sinh hoặc khi người bệnh sử dụng nhiều sản phẩm chứa chất kích thích. Khi tình trạng này trở nên trầm trọng sẽ rất dễ gây ra việc xuất huyết ồ ạt.
- Thủng đại tràng: Biến chứng thủng đại tràng xuất hiện sau khi điều trị bằng kháng sinh, lợi khuẩn trong đường ruột bị tiêu diệt, lớp lông nhung bị trơ trọi làm các vết loét ăn sâu và bào mỏng thành đại tràng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, biến chứng này sẽ đe dọa tới tính mạng.
- Giãn đại tràng cấp tính: Khi bị giãn, chức năng tiêu hóa của đại tràng bị suy giảm nghiêm trọng gây ra loét và thủng. Người bệnh viêm đại tràng thường có những biểu hiện đau bụng, dữ dội, chướng bụng, có thể hôn mê và gây tử vong.
- Ung thư đại tràng: Có thể nói đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm đại tràng. Theo thống kê, có tới 20% người bệnh sẽ biến chứng thành ung thư đại tràng. Các chuyên gia cho biết, nguy cơ viêm đại tràng “ung thư hóa” sẽ tích lũy theo thời gian và có thể bắt đầu xuất hiện khi kéo dài từ 7-10 năm. Lúc này niêm mạc đại tràng bị viêm loét kéo dài và tái phát liên tục, các tế bào biểu mô có nguy cơ bị loạn sản và chuyển thành ác tính gây ra ung thư.
Điều trị
Viêm đại tràng có thể điều trị theo hai hướng:
Y học hiện đại chủ yếu tập chung làm giảm triệu chứng là chính, duy trì bệnh ổn định và phòng ngừa biến chứng. Đặc biệt với viêm đại tràng mạn tính thì việc điều trị dứt điểm, khỏi hoàn toàn, không tái phát là không thể dù bằng Đông y hay Tây y.
Các loại thuốc tân dược thường dùng trong điều trị viêm đại tràng bao gồm: kháng sinh, kháng nấm, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, chống co thắt đại tràng, thuốc chống táo bón, trị đầy hơi chướng bụng,…
Sở dĩ điều trị viêm đại tràng phải phối hợp nhiều nhóm thuốc vì bệnh gây ra rất nhiều triệu chứng. Cần lưu ý điều trị viêm đại tràng theo liệu trình của bác sĩ đã chỉ định để hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc, đồng thời kết hợp với các phương pháp điều trị duy trì bằng thay đổi thói quen sinh hoạt ăn uống, tập thể dục,…
Các trường hợp viêm loét nặng không đáp ứng với thuốc điều trị thì có thể cần phẫu thuật điều trị để loại bỏ ổ viêm, nếu nặng hơn có khi phải cắt bỏ cả đại tràng.
Ngoài ra, người bệnh có thể cân nhắc điều trị viêm đại tràng theo Đông y. Người bệnh có thể sử dụng một số bài thuốc Đông y được đánh giá khá cao trong điều trị viêm đại tràng với các thảo dược quý như: Bạch truật, hoàng đăng, hoài sơn, bạch linh,…
Kết hợp thuốc điều trị phù hợp với một chế độ dinh dưỡng luyện tập hợp lý có thể giúp tình trạng của người bệnh được cải thiện, chức năng đại tràng nâng cao.