Hội chứng ruột kích thích và những điều cần lưu ý

Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng ruột. Đây là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng khó trị dứt điểm nên gây ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tổng quan

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) (IBS) là một rối loạn chức năng tiêu hóa, nó không phải là một bệnh. Những người bị rối loạn chức năng tiêu hóa sẽ có các triệu chứng xảy ra thường xuyên, tuy nhiên, ống tiêu hóa không bị tổn thương. Sự rối loạn này có nguyên nhân từ cả thể chất và tinh thần.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của HCRKT vẫn chưa được biết rõ. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự kết hợp của các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần có thể dẫn tới hội chứng này. Trong đó, có nguyên nhân do nhạy cảm với một số thức ăn. Nhiều người mắc HCRKT nói rằng các triệu chứng của họ được kích hoạt bởi các loại thực phẩm giàu carbohydrate, thức ăn cay hoặc béo, cà phê và rượu. Tuy nhiên, những người nhạy cảm với thực phẩm thường không có dấu hiệu lâm sàng của dị ứng thực phẩm. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng các triệu chứng có thể là do việc hấp thu kém của các loại đường hoặc acid mật - là những chất giúp chuyển hóa các chất béo và loại bỏ các chất thải trong cơ thể.

Triệu chứng

Khi mắc hội chứng đại tràng kích thích, người bệnh có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa cùng nhiều cơ quan khác.

Các triệu chứng về tiêu hóa: Bệnh nhân thường bị đau bụng vùng hạ vị và hố chậu trái, đôi khi có thể bị đau bên phải hoặc thượng vị, đau chạy dọc theo khung đại tràng. Đôi khi cơn đau không rõ vị trí gây khó xác định nguyên nhân thực sự. Bên cạnh đó, người bệnh còn có triệu chứng trướng bụng, tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen lẫn với táo bón theo từng đợt. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có biểu hiện nóng ở vùng thượng vị, buồn nôn, ăn nhanh no,...

Các triệu chứng ở cơ quan khác: Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích còn có thể có những biểu hiện như đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn vị giác, rối loạn kinh nguyệt ở nữ, liệt dương ở nam, tiểu nhiều lần trong ngày, đau khi sinh hoạt tình dục, tiểu đêm, hồi hộp, đau ngực, nóng mặt, chóng mặt,...

Triệu chứng bệnh đại tràng co thắt rất khác nhau giữa các bệnh nhân hay thậm chí trên một người bệnh cũng có triệu chứng không cố định ở từng thời điểm cụ thể. Bên cạnh đó, các phương pháp chẩn đoán như siêu âm bụng, chụp Xquang đại tràng, soi toàn bộ đại tràng, xét nghiệm phân,... đều không thấy có dấu hiệu bất thường. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào việc loại trừ các bệnh gây tổn thương thực sự ở hệ thống tiêu hóa - bài tiết. Đây là một nguyên nhân giải thích vì sao HCRKT khó điều trị dứt điểm.

Đối tượng nguy cơ

HCRKT thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất từ 18-30 tuổi, giảm sau tuổi 50, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới tỷ lệ 2:1. Những người có trình độ học vấn cao, học sinh, cán bộ tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với công nhân, nông dân, thành thị mắc bệnh nhiều hơn ở nông thôn.

Hội chứng ruột kích thích và các bệnh khác

Những người có HCRKT thường có các bệnh về đường tiêu hóa và không tiêu hóa khác.

Các bệnh đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày và rối loạn tiêu hóa thường gặp hơn ở những người bị HCRKT so với người bình thường. Trào ngược dạ dày là tình trạng axit dạ dày chảy ngược vào thực quản - là cơ quan kết nối miệng với dạ dày - do các cơ giữa thực quản và dạ dày bị yếu đi hoặc giãn ra khi không cần thiết. Khó tiêu là cảm giác khó chịu ở vùng bụng phía trên, thường xảy ra sau khi ăn. Khó tiêu có thể kèm theo đầy bụng, đầy hơi, buồn nôn hoặc các triệu chứng tiêu hóa khác.

Các bệnh không phải ở đường tiêu hóa thường được tìm thấy ở những người bị HCRKT bao gồm: Hội chứng mệt mỏi mạn tính - tình trạng rối loạn gây vô cùng mệt mỏi, đó là mệt mỏi kéo dài một thời gian dài và hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày; Đau vùng chậu hông mạn tính; Các rối loạn khớp ở thái dương - là các vấn đề hoặc các triệu chứng của cơ và khớp nhai liên kết với hàm dưới và hộp sọ; Trầm cảm; Lo lắng; Các rối loạn bản thể - tình trạng đau mạn tính hoặc các triệu chứng không do nguyên nhân về thể chất mà được cho là do các vấn đề về tâm lý.

Stress và HCRKT

Căng thẳng có thể kích thích co thắt đại tràng ở những người bị HCRKT. Đại tràng có rất nhiều dây thần kinh kết nối với não. Những dây thần kinh này kiểm soát các cơn co thắt bình thường của ruột và gây khó chịu ở bụng vào những thời điểm khi bị căng thẳng. Ở những người bị HCRKT, đại tràng có thể đáp ứng quá mức với xung đột rất nhẹ hoặc căng thẳng. Căng thẳng làm cho người bệnh ý thức hơn về những cảm giác phát sinh ở đại tràng. Triệu chứng của HCRKT cũng có thể làm tăng mức độ căng thẳng của một người.

Điều trị

Điều trị HCRKT chủ yếu tập trung vào các triệu chứng nổi trội ở từng bệnh nhân. Việc điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống.

Chế độ ăn uống và luyện tập: Giữ vai trò hết sức quan trọng. Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp. Hạn chế các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như: Khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường, đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích, những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Luyện tập chế độ đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện. Ăn uống đúng giờ, lượng vừa phải, không nên ăn uống quá nhiều. Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên... Tránh căng thẳng, lo âu, suy nghĩ.

Các phương pháp dự phòng

Nguyên nhân chính xác gây IBS vẫn chưa được làm rõ, vì vậy, rất khó để phòng tránh. Các yếu tố nguy cơ như độ tuổi, giới tính và di truyền nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Nhưng bạn có thể phòng tránh một số yếu tố nguy cơ khác như stress, rối loạn tâm thần, viêm dạ dày, đau xơ cơ và uống rượu

- Duy trì lối sống lành mạnh, tránh stress và nếu không thể hãy tìm cách giải quyết. Các bài tập thư giãn và kỹ năng kiểm soát stress có thể giúp cải thiện sự tập trung, giảm lo âu và căng thẳng.

- Tránh ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín kỹ hoặc không hợp vệ sinh. Nấu chín thức ăn, rửa tay sạch trước khi ăn và uống nước sạch có thể giúp tránh các nhiễm khuẩn dạ dày và giảm nguy cơ mắc IBS.

- IBS có liên quan tới sự thay đổi trong quần thể vi khuẩn có trong ruột. Hầu hết mọi người bị IBS sau khi bị nhiễm khuẩn dạ dày. Nếu gần đây bạn bị nhiễm khuẩn dạ dày, sự cân bằng các vi khuẩn lành mạnh có trong ruột có thể bị phá vỡ. Do vậy, các men vi sinh như các sản phẩm sữa lên men, sữa chua hoặc các chế phẩm bổ sung probiotic có thể giúp ngăn ngừa phát triển IBS.

- Nếu bị đau xơ cơ, bạn dễ có khả năng bị IBS hơn. Có thể tránh điều này bằng cách cố gắng giảm thiểu nguy cơ thông qua ăn những thực phẩm nhiều chất chống oxy hóa như hoa quả và rau, tránh tình trạng stress. Một số loại thuốc nhất định gồm tramadol và các thuốc chống trầm cảm có thể giảm nguy cơ IBS sau khi bị đau xơ cơ.

- Tác hại của rượu lên sức khỏe đã quá rõ. Những người nghiện rượu nặng có nguy cơ cao hơn bị IBS. Vì vậy hãy hạn chế uống rượu. Điều này cũng có lợi cho gan và đời sống tình dục.

Thông Tin Cần Biết

Đi ngoài nhiều lần trong ngày, nguyên nhân do đâu?

Đi ngoài nhiều lần trong ngày, nguyên nhân do đâu?

Đi ngoài nhiều lần trong ngày là do sự phát triển quá mức của hệ vi khuẩn và nấm men ruột già, không dung nạp thực phẩm, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, khả năng tiêu hóa và hấp thụ...

Bệnh dạ dày khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY