Bệnh táo bón - Nguyên nhân và cách điều trị

Người bệnh có thể dễ dàng nhận ra táo bón qua các biểu hiện như: ít đi cầu, đau bụng, đau đầu và đặc biệt là khó nhọc khi đi tiêu. Đây là bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng. 

Tổng quan

Táo bón là một trong những vấn đề sức khoẻ phổ biến nhất. Khoảng 12% người trên toàn thế giới bị táo bón tự xác định được, người dân ở châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương bị gấp đôi so với các châu Âu. Tỷ lệ bệnh gặp ở nữ giới gấp ba lần nam giới. Táo bón có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Tỷ lệ mắc táo bón tăng theo tuổi, với 30-40% của những người trên 65 tuổi.

Bình thường số lần đại tiện từ một đến hai lần trong một ngày, phân mềm đóng thành khuôn, lượng phân từ 200g đến 400g. Khi bị táo bón thì quá hai ngày mới đại tiện, mỗi lần đại tiện rất khó hoặc lượng phân mỗi lần ra ít hơn bình thường hoặc khô cứng.

Thức ăn sau khi được tiêu hoá ở ruột non, tới đại tràng, phần lớn nước được hấp thụ làm chất thải (phân) khô và đóng thành khuôn sẽ đi xuống đại tràng sig-ma, được tích chứa ở đó. Khi lượng phân đủ nhiều sẽ đi xuống trực tràng và kích thích niêm mạc trực tràng, gây nên phản xạ mót rặn dẫn đến hiện tượng tống phân ra ngoài. Đại tiện vừa là một phản xạ tự động vừa là một phản xạ có ý thức. Như vậy, táo bón có thể do: những cản trở cơ giới ngăn sự lưu thông của phân, đại tràng hút lại quá nhiều nước làm phân khô; cơ ở đại tràng, trực tràng và hậu môn bị liệt hoặc quá tăng trương lực; rối loạn phản xạ và rối loạn sự điều hoà thần kinh thực vật.

Táo bón là triệu chứng thường gặp, có thể đứng đơn độc thành một bệnh (táo bón chức năng) hoặc là một triệu chứng trong các bệnh lý khác (ung thư đại tràng, suy giáp trạng…). Táo bón kéo dài làm ảnh hưởng chất lượng sống, gây tình trạng lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng, là yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh trĩ.

Dấu hiệu

Đi đại tiện khó khăn, nhiều ngày mới đi một lần, mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều, phải vận dụng nhiều cơ thành bụng và cơ hoành để tống phân ra ngoài.

Phân rắn thành cục, mật độ cứng có thể dính theo máu tươi do cọ xát vào niêm mạc hậu môn, có khi dính theo những chất nhầy của đại tràng, trực tràng.

Nếu táo bón kéo dài có thể gây nên những rối loạn toàn thân như nhức đầu, đánh trống ngực, thay đổi tính nết (hay cáu gắt…).

Nguyên nhân

Nguyên nhân táo bón có thể chia thành 2 nhóm chính:

Táo bón chức năng:Khi không có tổn thương ở đại tràng, trực tràng và hậu môn. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất.

Do chế độ ăn uống không khoa học: chế độ ăn ít chất xơ. Chất xơ có nhiều trong các rau củ quả, một số loại chất xơ không bị tiêu hóa sẽ giúp làm phân mềm và không cứng. Bình thường, chúng ta cần 30 - 40g chất xơ trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Thiếu chất xơ trong chế độ ăn thường gặp ở những người có thói quen dùng đồ ăn nhanh, ăn nhiều các loại thịt, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa; người cao tuổi ngại ăn đồ ăn có nhiều chất xơ do không nhai nuốt được dễ dàng. Ngoài ra, uống không đủ nước cũng góp phần gây nên táo bón; sử dụng đồ uống có chất kích thích như cà phê, rượu, bia sẽ làm nặng thêm tình trạng táo bón.

Do thói quen không đại tiện đúng giờ giấc, quên đại tiện làm rối loạn phản xạ mót rặn.

Do nghề nghiệp: những nghề phải ngồi nhiều ít hoạt động, nghề tiếp xúc với chì, ngộ độc chì mạn tính, ảnh hưởng đến sự hoạt động của ruột.

Do suy nhược: những người già, suy nhược, mắc bệnh mạn tính phải nằm lâu. Những nguyên nhân kể trên làm nhu động ruột và trương lực các cơ thành bụng giảm gây nên táo bón.

Rối loạn tâm thần: lo lắng, trầm cảm không để ý đến đại tiện, mất phản xạ mót rặn.

Những bệnh toàn thân: tình trạng nhiễm khuẩn sốt nhiều, sau phẫu thuật mất nhiều máu.. những nguyên nhân này gây mất nước trong cơ thể do đó phân khô và táo.

Do thuốc: một số thuốc làm giảm nhu động của ruột hoặc làm phân khô lại như: thuốc phiện, tanin, thuốc an thần, thuốc có chất sắt. Sử dụng các thuốc kích thích nhuận tràng kéo dài.

Táo bón do tổn thương thực thể

Những cản trở đường đi của phân: khối u của trực tràng, đại tràng… ngoài dấu hiệu táo bón có thể đại tiện ra nhầy máu, có thể có bí trung đại tiện, nội soi đại tràng phát hiện ra khối u.

Những tổn thương bẩm sinh của đại tràng: Bệnh phình đại tràng, giãn đại tràng…

Những tổn thương của trực tràng và hậu môn: Trĩ và nứt hậu môn: mỗi lần đại tiện rất đau, người bệnh không dám đại tiện và gây nên táo bón. Hẹp trực tràng và hậu môn, di chứng của bệnh nhiễm khuẩn vùng hậu môn trực tràng.

Từ ngoài đè vào làm cản trở đại tiện: Phụ nữ có thai, nhất là những tháng cuối, thai to đè vào trực tràng. Khối u vùng tiểu khung. Các dây chằng dính sau mổ, hay sau viêm xung quanh đại, trực tràng làm co hẹp, đại trực tràng.

Tổn thương ở não, màng não gây táo bón do rối loạn thần kinh thực vật.

Chẩn đoán

- Đại tiện ít hơn 3 lần trong 1 tuần.

- Rặn mạnh khi đại tiện.

- Phân cứng hoặc thành cục.

- Cảm giác đi không hết phân, cảm giác vướng, tắc vùng hậu môn, phải dùng tay lấy phân ra.

- Hiếm khi đi ngoài ra phân mềm, trừ khi dùng thuốc nhuận tràng.

Điều trị

Các biện pháp không dùng thuốc

Ăn nhiều chất xơ hơn (rau cải, hoa quả), uống nhiều nước (1,5-2 lít nước/ngày, uống các loại nước hoa quả như nước cam, nước chanh).

Tái huấn luyện phản xạ đại tiện: Tập đi đại tiện đúng giờ cố định.

Chống nếp sinh hoạt tĩnh tại: tập thể dục, thể thao.

Một số lưu ý khi dùng thuốc nhuận tràng

Nên tránh dùng thuốc táo bón trừ trường hợp bị táo bón kéo dài hay làm nặng thêm một bệnh khác (tăng huyết áp, trĩ). Trước hết dùng thuốc loại ít tác dụng phụ, nếu không cải thiện mới dùng thuốc trị táo bón loại kích thích tăng nhu động ruột là loại cho tác dụng mạnh nhưng có nhiều tác dụng phụ.

Tránh lạm dụng thuốc trị táo bón loại kích thích vì đưa đến hai hậu quả: bị phụ thuốc và bị các tác dụng phụ của thuốc.

Nên dùng thuốc trị táo bón ngắn hạn, sau 7-10 ngày nếu không hiệu quả phải đi khám bệnh để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân.

Lưu ý thời gian tác dụng của thuốc. Có thuốc cho tác dụng nhanh (khoảng 2 giờ), có thuốc cho tác dụng chậm (6-12 giờ). Nếu không lưu ý sẽ bị buồn đại tiện vào thời điểm không thuận lợi.

Không nên dùng thuốc khác chung với thuốc trị táo bón vì thuốc sau này làm chuyển vận ở ruột quá nhanh có thể làm thuốc kia không kịp hấp thu.

Nên sử dụng các chế phẩm từ các bài thuốc dân gian như diếp cá, đương quy, tinh chất nghệ, tinh chất hoa hòe (rutin), vừa điều trị táo bón nhanh chóng mà rất an toàn.

Phòng ngừa

- Tập luyện thói quen đi đại tiện vào một thời gian nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng.

- Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, uống đủ lượng nước trong ngày.

- Xoa bóp bụng hàng ngày để giúp cho quá trình co bóp của đại tràng đẩy phân di chuyển trong ruột được dễ dàng.

- Có thể sử dụng thuốc điều hòa hoặc tăng cường co bóp đại tràng nhưng phải được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

- Người trẻ tuổi nên tập thói quen ăn uống hợp lý để phòng tránh táo bón như: ăn đủ chất xơ thường có trong rau quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Mỗi ngày nên ăn 25 - 30g chất xơ tức khoảng 300g rau, trái cây vì khi vào cơ thể, chất xơ không bị tiêu hóa, hấp thu tại ruột mà nó sẽ hút nước nên sẽ làm cho phân trở nên mềm, xốp, giúp nhuận trường. Đồng thời nên phối hợp đồ ăn thức uống và thay đổi món ăn thường xuyên để tạo cảm giác ngon miệng và tận dụng hết những ưu thế của các loại thực phẩm khác để tránh táo bón. Ngoài việc uống nhiều nước để phân trong ruột luôn mềm nhão cần hạn chế nước trà đặc, cà phê… và  các loại nước trái cây, nước rau, canh súp lỏng cũng là nguồn cung cấp nước rất tốt cho cơ thể.

- Nhân viên một số ngành nghề đòi hỏi phải ngồi lâu, bất động như thợ may, nhân viên văn phòng, lái xe… nên tận dụng thời gian rảnh rỗi để vận động cơ thể phòng ngừa táo bón và tập thói quen đi cầu đúng giờ, chẳng hạn như đi cầu vào buổi sáng để tránh nhu cầu phát sinh trong lúc đang làm việc.

- Không được bỏ qua cảm giác muốn đi tiêu nhưng không đi và nên đi tiêu khi có cảm giác mắc để làm trống ruột càng sớm càng tốt.

- Ăn uống với chế độ cân bằng bao gồm các loại hạt ngũ cốc, trái cây tươi và rau, củ quả.

Một số thực phẩm thông thường có tác dụng nhuận tràng

- Các loại rau: rau đay, mồng tơi, rau khoai lang, rau sam, rau má, rau cải trắng, rau cần, rau chân vịt, rau càng cua, lá sâm mồng tơi, khổ qua, đậu bắp, giá đỗ…

- Trái cây: đu đủ, thanh long, bưởi, cam quít, chuối, thơm, táo, lê…

- Củ quả: củ cải trắng, bí đỏ, dưa leo, khoai lang, khoai tây cả vỏ, khoai mỡ…

- Ngũ cốc, đậu: mè, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen cả vỏ, gạo lứt…

- Các loại khác: hạt é, rau câu, sương sâm, sương sáo, đậu ma…

Thông Tin Cần Biết

Trẻ ăn dặm bị táo bón mẹ phải làm sao?

Trẻ ăn dặm bị táo bón mẹ phải làm sao?

Trẻ ăn dặm bị táo bón thường là do trẻ đang gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa do hệ tiêu hóa vẫn còn non yếu và chưa hoàn thiện. Mặc dù táo bón không quá nguy hiểm nhưng nó sẽ khiến trẻ bị...

Bệnh dạ dày khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY