Cho thuê tử cung - Ngành công nghiệp tỷ đô tại Ấn Độ

Ngày 09/05/2016 00:06 AM (GMT+7)

Doanh thu từ ngành công nghiệp mang thai hộ đem về cho Ấn Độ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Ấn Độ hiện được coi là một trong những thị trường tiềm năng nhất của ngành công nghiệp đẻ thuê trên thế giới. Giá rẻ, cộng với quy định pháp lý lỏng lẻo đã thu hút hàng nghìn cặp vợ chồng từ khắp nơi trên thế giới đến đây để thực hiện "khát vọng" được làm cha mẹ. 

Câu chuyện của những góa phụ nghèo 

Tại Ulhasnagar, Ấn Độ, thành phố được coi là nơi có thể tạo ra mọi thứ, từ quần jean giá rẻ nhái của Mỹ, đến những đứa trẻ được sinh ra từ nhiều phụ nữ không biết đọc và viết mà chỉ làm nghề mang thai hộ. Chuyện những góa phụ nghèo nợ nần chồng chất sau khi chồng qua đời đi làm nghề đẻ thuê đã trở nên vô cùng phổ biến. Sau khi chồng qua đời trong tai nạn đường sắt, Sonali phải gồng mình trả tiền vay mua nhà. Cô từng sinh con cho một cặp vợ chồng Israel vào tháng 12/2012 và nhận khoảng 4.000 USD. Vì gia đình cần trả nợ, cô tiếp tục đẻ thuê lần 2. Ngoài ra, Sonali còn tuyển thêm các bà mẹ mang thai hộ và hiến trứng cho Padma, một người họ hàng nhận cô làm việc vào năm 2009. Từ 2010 - 2014, Padma đã tuyển được 25 bà mẹ đồng ý mang thai hộ và nhiều người hiến trứng. Trong số đó, có Sonali, đã hiến 3 - 4 lần.

Cho thuê tử cung - Ngành công nghiệp tỷ đô tại Ấn Độ - 1

Doanh thu từ ngành công nghiệp mang thai hộ đem về cho Ấn Độ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. (Ảnh minh họa)

Đẻ thuê = Ngành công nghiệp xuyên quốc gia 

Bác sĩ sản Nayna Patel ở thành phố Annad cung cấp dịch vụ đẻ thuê cho các cặp đôi Ấn Độ từ năm 2004. Sau giao dịch với một đôi vợ chồng tới từ Hàn Quốc, Patel trở thành người tiên phong trong hoạt động đẻ thuê xuyên quốc gia ở Ấn Độ. Tháng 10/2015, phòng khám của Patel thông báo đứa trẻ thứ 1.001 đã chào đời từ phương pháp này. 

Tại phòng khám, Patel cấy phôi của khách nước ngoài cho người mang thai hộ. Nếu khách hàng không có trứng, người mang thai sẽ mang luôn phôi thai được thụ tinh từ trứng hiến tặng. Họ thường đến từ Australia hay châu Âu, nơi đẻ thuê thương mại là bất hợp pháp hoặc có chi phí đắt đỏ. Tại Mỹ, đẻ thuê thương mại được công nhận hợp pháp và có chi phí 75.000 - 120.000 USD, gấp 3-4 lần so với ở Ấn Độ.  

Trong chương trình Oprah Winfrey Show năm 2007, phóng viên Lisa Ling từng theo chân cặp vợ chồng người Mỹ Jennifer và Kendall West đến phòng khám của Patel. Patel đưa ra mức giá 12.000 USD, trong đó 5.000 USD dành cho người mang thai hộ. 

Theo tờ The Guardian, đây được coi là một thoả thuận đôi bên cùng có lợi, khi hai số phận được cho là sẽ thay đổi tốt đẹp hơn. Jennifer West thậm chí đã chia sẻ thẳng thắn rằng: "Chúng tôi có thể trao cho nhau một cuộc sống mà một trong hai bên không thể tự có được. Tôi thấy không có gì sai trái". Trong 10 năm, đẻ thuê xuyên quốc gia trở thành hoạt động phát triển mạnh ở Ấn Độ. Dù được coi là hợp pháp năm 2002, nỗ lực nhằm thông qua luật đẻ thuê toàn diện vẫn còn dở dang trong nhiều năm tại Ấn Độ.  

Năm 2015, Ấn Độ bắt đầu cấm mang thai hộ cho người nước ngoài vì cho rằng đẻ thuê thương mại hoá có thể khiến phụ nữ nghèo bị bóc lột. Chính phủ yêu cầu bác sĩ sản không chấp nhận người nước ngoài cần tìm nơi mang thai hộ và từ chối visa. Nhiều phụ nữ làm công việc này vì khó khăn và thường là bên yếu thế trong giao dịch. Thay vì có kết nối nào đó, mối quan hệ của bố mẹ nước ngoài và người mang thai không gì khác ngoài khách hàng và người làm thuê. Theo luật sư Jayshree Wad, vì nghèo đói, phụ nữ sẵn sàng hy sinh và cho thuê dạ con của chính mình. Nhiều ý kiến cho rằng lệnh cấm khó bảo vệ phụ nữ nghèo Ấn Độ hay chấm dứt hoàn toàn. Khi cấm ở Nepal, thị trường đẻ thuê có thể chuyển hướng sang châu Phi và hoạt động ngầm. 

Nhìn hình ảnh phụ nữ xếp hàng để kiểm tra y tế, nhà bình luận Judith Warner của New York Times mô tả ngành công nghiệp đẻ thuê như một cơn ác mộng. Trong "nhà mang thai hộ" được mô tả như "nhà máy trẻ em", phụ nữ chia nhau các căn phòng nhỏ, bị giám sát và phải sống xa gia đình suốt thời gian mang thai.

Những góc khuất của nghề đẻ thuê 

Doron Mamet là một trong nhiều người làm công việc như Patel. Năm 2011, mức giá trung bình cho phụ nữ mang thai hộ tại một phòng khám ở Mumbai là 2 lakh. Nếu đẻ mổ, họ được nhận thêm 50.000 rupee (750 USD). Đẻ mổ và sinh đôi, họ được trả thêm 75.000 rupee (1.100 USD). Ngoài ra, 3.000 và 10.000 rupee (45 và 150 USD) là số tiền bị khấu trừ nếu họ ở viện một tháng và sinh non.                            

Kalpita mang thai hộ 2 lần, một lần sinh đôi. Cô khoe tấm ảnh chụp cùng hai người đàn ông ngoại quốc vào năm 2009 và nói khách hàng giới thiệu là anh em. Với Kalpita, số tiền 2,75 lakh (4.100 USD) không xứng đáng cho một công việc nguy hiểm tính mạng khi sinh hai đứa trẻ. Gấp đôi tiền sẽ công bằng hơn, nhưng người sắp xếp giao dịch không đồng ý. Ngoài bất đồng ngôn ngữ, khách hàng không để lại số điện thoại, cũng không hỏi xem chuyện gì đã xảy ra hay cô nhận được bao nhiêu tiền.

Cho thuê tử cung - Ngành công nghiệp tỷ đô tại Ấn Độ - 2

Ảnh chụp 2 em bé sinh đôi của Kalpita. (Ảnh Guardian)

Họ thường ít khi liên lạc với người mang thai hộ và chỉ đến Ấn Độ hai lần, khi giao tinh trùng hay tạo phôi thai và khi nhận con. Cuộc gặp mặt diễn ra một hoặc hai lần, trong bệnh viện hay lãnh sự quán, cùng với phiên dịch.   

Bác sĩ Sukhpreet Patel ở Mumbai cho biết không ít phụ nữ quay lại để mang thai hộ lần hai. Đây là điều rất nguy hiểm và cho thấy mang thai hộ đã không thể thay đổi cuộc đời họ. Phụ nữ nhiều lần mang thai có nguy cơ tăng huyết áp, thiếu máu và sinh non, trong khi sinh mổ cũng là một rủi ro lớn so với sinh thường. Sau khi sinh, đa phần người mẹ và trẻ sơ sinh được đưa đến phòng riêng biệt. Không phải máu mủ, nhưng nhiều bà mẹ cảm thấy tổn thương vì sự chia cắt. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng khi không được cảm ơn, họ thường có xu hướng đau buồn. 

Sonali gặp khách hàng trước khi sinh 8 ngày và một lần nữa tại toà để ký giấy tờ. Đó cũng là lần cuối cùng cô gặp đứa trẻ do mình sinh ra, nhưng có đôi mắt xanh và mũi giống cha mẹ ruột.

Linh Hương (Theo The Guardian)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu