Sự cố trong giấc ngủ

Ngày 19/03/2013 05:05 AM (GMT+7)

Những sự cố xảy ra trong giấc ngủ khiến cho sức khỏe của bạn bị suy giảm.

Ngủ là giai đoạn cơ thể nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng để đón chào ngày mới. Song, không ít người chẳng những không nhận thêm năng lượng mà còn mệt mỏi, thậm chí tử vong trong giấc ngủ, vì sao vậy?…

“Kéo gỗ”

Theo quan niệm xưa thì ngủ say mới ngáy o o. Ngày nay, theo các nhà khoa học, luồng không khí hít vào khi đi qua chỗ hẹp sẽ tạo thành dòng xoáy. Chính dòng xoáy này làm rung thành đường thở, tạo ra tiếng ngáy. Nguyên nhân gây ra tiếng ngáy gồm: amiđan phì đại, khẩu cái mềm dày, sưng amiđan, khí quản hẹp do béo phì… Vì thế, ở vài trường hợp, nghe tiếng ngáy người ta có thể đoán biết tình trạng bệnh. Nếu thấy ngáy to, thỉnh thoảng ngưng ngáy, đôi khi thức giấc, sáng dậy mỏi mệt chứng tỏ não thiếu dưỡng khí, cần đi tầm soát bệnh để điều trị. Trẻ em bị ngáy thường kèm sốt nhẹ, đôi khi sốt cao, nếu điều trị kháng sinh không hết cần nạo VA hoặc cắt amiđan để trị bệnh tận gốc...

Mộng du

(Miên hành) nôm na là đi trong lúc ngủ. Thực tế, không chỉ đi, có người còn lái xe, leo tường, leo cây, đi vệ sinh, ngồi trên nóc nhà… Khi ngủ, mọi vùng trong cơ thể đều nghỉ ngơi nhưng ở một số người lại xảy ra hiện tượng trung khu điều hành hoạt động vẫn “làm việc”. Bác sĩ Đặng Văn Mon - khoa Giấc ngủ - Trung tâm Chẩn đoán y khoa TP.HCM giải thích: “Do trung tâm hoạt động “thức” còn các trung tâm khác (sợ hãi, lo lắng…) vẫn ngủ, nên người mộng du làm được những việc nguy hiểm dễ dàng hơn khi thức. Ngay lúc đó, không nên gọi bệnh nhân, vì tiếng gọi sẽ đưa ý thức quay trở lại. Chính sự hoảng sợ của người mộng du khi phát hiện mình đang ở vị trí nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn”. Ở trẻ em, trước khi kết luận là mộng du, cần xem xét trẻ có bị động kinh trong giấc ngủ hay không. Thực tế, khi trẻ em bị mộng du đồng nghĩa với nội tâm có vấn đề cần giải tỏa. Ở người lớn, nguyên nhân phức tạp hơn nhưng thường do tâm lý bất ổn (biến cố, stress…). Nếu một tuần mộng du từ một đến hai lần, bạn nên đi bác sĩ.

Sự cố trong giấc ngủ - 1

Ác mộng là những giấc mơ làm cho đương sự hoảng sợ, lo lắng… (Ảnh minh họa)

Ác mộng

Ác mộng là những giấc mơ làm cho đương sự hoảng sợ, lo lắng… Trong giấc ngủ có năm giai đoạn: từ giai đoạn một đến gian đoạn bốn cộng với giai đoạn ngủ nghịch thường (GĐNNT) tức (REM-rapid eyes mouvement). Mỗi giai đoạn có một chức năng riêng, trong đó, GĐNNT có nhiệm vụ là chống stress, kích thích cơ thể tiết ra no adrenalin và adrenalin… nhằm “xóa” những tổn thương ở não. Thông thường, quá trình này chỉ kéo dài 45 phút, nhưng có những người giai đoạn này kéo dài cả đêm nên gây mệt và ác mộng. Hiện tượng “bóng đè” cũng từ giai đoạn này mà ra.

Ngưng thở khi ngủ

Tỉnh giấc đột ngột giữa đêm khuya với cảm giác không thở được, tay chân chới với, người vã mồ hôi… là triệu chứng ngưng thở khi ngủ (NTKN).

Có hai nguyên nhân gây NTKN, do thần kinh trung ương (bệnh về thần kinh, não, tai biến mạch máu não… gây ức chế trung tâm hô hấp) và ngoại biên (thường vì béo phì). Nếu có bệnh lý mạch máu não, hen suyễn, cần thận trọng khi dùng thuốc. Các loại thuốc ức chế trung khu hô hấp sẽ gây ra hiện tượng NTKN và có thể dẫn đến tử vong.

Đột tử

Đột tử là phần kết của một “cuộc tập kích” có sự tham gia của nhiều “phần tử xấu” giấu mặt. Cụ thể, những trường hợp đột tử phần lớn xảy ra ở người đã có một bệnh mãn tính tiềm ẩn (đương sự không hay biết hoặc biết nhưng… ngó lơ). Khi bệnh này có thêm những yếu tố hỗ trợ chúng sẽ “động thủ”. Yếu tố này bao gồm:

- Môi trường: thời tiết có độ chênh về nhiệt độ lớn về ban đêm.

- Nội tiết thay đổi về đêm.

- Thuốc sử dụng hợp lý hay không hợp lý về ban đêm.

Ví dụ người bị bệnh tim, bệnh mạch máu lại uống rượu rồi nằm quạt, máy lạnh… sẽ dễ bị vỡ mạch máu, gây ra nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), nằm phòng lạnh bị mất nhiệt và phế quản co thắt không giãn nở… không thở được cũng có thể đột tử!

Theo Phương Nam (Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp