Trong dịp đầu năm mới, nhiều người không dám ăn một số thực phẩm vì sợ đen cả năm. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia, việc này không có cơ sở và nhiều thực phẩm trong số đó lại rất tốt cho sức khỏe, nhất là sau Tết.
Từ lâu, mọi người vẫn truyền tai nhau câu nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và điều này còn được áp dụng cả với một số loại thực phẩm. Không ít người cho rằng một số loại thực phẩm nếu ăn vào dịp đầu xuân năm mới sẽ khiến bản thân xui xẻo, không thể tiến thân trong cả năm.
Đứng đầu danh sách thực phẩm nên kiêng khem này là mực. Một số người quan niệm, mực sẽ mang lại những điều đen đủi, nên tránh ăn vào đầu năm, đầu tháng, thậm chí những người đi làm ăn, thi cử, khai trương cũng không sử dụng mực trong thực đơn ăn uống.
Loại thực phẩm thứ hai là cá mè - loài cá nước ngọt được sử dụng nhiều hàng ngày vì giá thành rẻ, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, ngày đầu năm, dường như ai cũng tránh, nhất là những người kinh doanh buôn bán, vì cho rằng cá mè thường có vị tanh, hoặc thể hiện sự mè nheo nên có thể đem lại những điều kém may mắn.
Tôm nhiều người thích ăn nhưng lại sợ cả năm không thăng tiến vì đi tụt lùi.
Thứ ba trong danh sách này là tôm. Riêng với loài thủy hải sản này, có rất nhiều quan niệm khác nhau, có người cho rằng do tôm có chất thải lộn lên đầu, nên ăn vào khiến gia đình lục đục, hay cãi vã, đầu óc không thông suốt. Ngoài ra, tôm còn có đặc tính bơi giật lùi nên nếu ăn tôm sẽ khiến một năm không được thăng tiến mà chỉ có tụt lùi…
Theo quan điểm dân gian là vậy, nhưng dưới góc nhìn khoa học, các chuyên gia về thực phẩm và dinh dưỡng đều cho rằng việc kiêng ăn này chỉ “hại” bản thân, vì cơ thể không được bổ sung đầy đủ, đa dạng thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho biết, việc kiêng cữ chỉ là suy luận, quan niệm dân gian, hiện nhiều người đã sử dụng không còn kiêng nữa. Theo ông, xưa kia không có dụng cụ tích trữ, đầu năm mọi người chưa ra khơi nên muốn ăn cũng không có hải sản để ăn, do vậy mới đưa ra quan niệm về chuyện kiêng cữ.
Còn ngày nay, do có thiết bị bảo quan đông lạnh và giữ hải sản tươi sống, ngày Tết mọi người vẫn ăn các thực phẩm này bình thường. Thực tế, sau Tết, khi đổi món ăn lẩu hải sản, trong đĩa thực phẩm vẫn có đủ tôm, cua, cá mực và mọi người ăn rất vui vẻ, ngon miệng.
Dưới góc độ dinh dưỡng, tôm hay mực đều rất ít năng lượng, chất béo phù hợp với người đang có ý định giảm cân sau Tết. (Ảnh minh họa)
Xét dưới góc độ dinh dưỡng, TS.BS Từ Ngữ cho biết, trong dịp đầu năm mọi người nên đổi bữa bằng hải sản, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết. Lý do là sau kỳ nghỉ nhiều người tăng cân vì ăn nhiều chất béo, tinh bột, đồ ngọt, lười tập luyện, nên các loại thủy hải sản như mực, tôm, cá (trong đó có cá mè) rất tốt cho những ai muốn giảm cân.
Các thực phẩm này cung cấp rất ít năng lượng, nếu tính 100g mực hoặc tôm, hay cá mè thì lượng calo cung cấp cho cơ thể không bằng 1/8 chiếc bánh chưng, mà lượng chất béo cũng rất ít. Theo đó, cùng lượng 100g:
- Mực tươi cung cấp 73kcal; 16,3g protein; 0,9g lipit; 14mg canxi; 150mg photpho; 273mg kali...
- Tôm tươi cung cấp 82kcal; 17,6g protein; 0,9g lipit; 79mg canxi; 1,69mg sắt; 37mg magie; 184mg photpho; 185mg kali...
- Cá mè cung cấp 144kcal; 15,4g protein; 9,1g lipit; 157mg canxi; 215mg phốt pho.
Cá mè nấu canh chua là món ăn được ưa chuộng sau Tết, khi cơ thể đã nạp nhiều chất béo. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, không chỉ dịp đầu năm mà ngay cả ngày thường, việc ăn các món có nguồn gốc từ thủy hải sản vẫn tốt hơn ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật 2 chân, 4 chân hay các loại đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh.
Tuy nhiên, TS Từ Ngữ cũng khuyến cáo, mọi người nên cân đối và đa dạng các thực phẩm để cơ thể không thừa nhóm chất này, thiếu nhóm chất kia. Chế độ ăn tốt nhất cho một người bình thường đó là ăn cân đối 4 nhóm chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Với những người có bệnh lý kèm theo, chế độ ăn uống sẽ được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn cụ thể.