Cơm nguội được cho là có tinh bột kháng, tốt cho người tiểu đường, vậy có nên ăn thường xuyên? Đây là câu hỏi được nhiều người thắc mắc và thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng (Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) sẽ giải đáp vấn đề này.
Chào bác sĩ!
Mẹ tôi 54 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường nên ăn uống kiêng khem khá kỹ lưỡng. Gần đây, chúng tôi đọc được thông tin cho rằng ăn cơm nguội sẽ tốt cho sức khỏe hơn, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch... Điều này có đúng không thưa bác sĩ?
Xin cảm ơn.
Ăn cơm nguội là thói quen của nhiều gia đình. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra trong cơm nguội có tinh bột kháng (resistant starch). Đây là nguyên nhân khiến nhiều người tin rằng ăn cơm nguội tốt hơn cơm nóng.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng tinh bột là nguồn dinh dưỡng giúp cung cấp đường. Đối với cơm nóng và cháo thì các dưỡng chất được hấp thu nhanh chóng và hiệu quả nhờ men tiêu hoá.
Không giống với tinh bột thông thường, tinh bột kháng trong cơm nguội lại có vai trò hoạt động giống như chất xơ do cấu trúc phân tử được sắp xếp lại khi nguội đi. Tinh bột kháng còn được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như khoai tây, chuối xanh, gạo lứt, yến mạch không xử lý và một số loại hạt ngũ cốc.
Cơm nguội cũng có một số tác dụng với cơ thể, tuy nhiên không nên thần thánh hóa hay ăn cơm nguội thay cơm nóng hoàn toàn. Ảnh minh họa.
Chất xơ cùng nhóm với tinh bột có ở một số thực phẩm như đã nói trên nhưng cơ thể con người không sản xuất men cần thiết để tiêu hóa chất xơ. Do đó, chất xơ không thể được hấp thu và thường được loại bỏ ra khỏi cơ thể. Trong quá trình này, chất xơ thực hiện vai trò như một cây chổi, làm sạch đường ruột và giúp cải thiện chức năng tiêu hóa. Đồng thời, việc tiêu thụ chất xơ cũng tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn có lợi trong ruột, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột và có thể ổn định mức đường huyết trong cơ thể.
Mặc dù tinh bột kháng trong cơm nguội có một số lợi ích cho sức khoẻ nhưng không có nghĩa chúng ta nên chuyển hoàn toàn sang ăn cơm nguội. Mỗi chất dinh dưỡng đều đóng một vai trò đặc biệt đối với sức khoẻ. Tinh bột trong cơm nóng dễ hấp thu, có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể hoặc đem lại hiệu quả tuyệt vời hơn đối với một số người. Với phụ nữ, lượng tinh bột khi ăn là 1 - 1,5 chén, với nam là 1 - 2 chén cơm. Riêng đối với người tiểu đường thay vì ăn cơm nóng dễ hấp thu và tăng đường thì nên ăn cơm nguội sẽ tốt hơn.
Quan trọng chúng ta nên duy trì thói quen ăn rau và trái cây để bổ sung chất xơ, cùng với các loại thực phẩm có tinh bột kháng khác để có hệ tiêu hoá khoẻ mạnh. Đừng thần thánh hoá bất kỳ một loại thực phẩm nào mà hướng đến bổ sung đầy đủ đa dạng sẽ tốt hơn. Tóm lại, cơm nóng vẫn nên ăn, ăn không hết thì để nguội rồi hâm lại ăn cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |