Ăn đồ cúng có sao không? Có nên đun nấu lại đồ cúng trước khi ăn?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 25/01/2022 19:00 PM (GMT+7)

Khi cúng Tết xong, liệu những đồ ăn trên mâm cỗ sử dụng có còn an toàn với sức khỏe? Và có nên nấu lại hay phải xử lý như thế nào trước khi ăn là vấn đề được khá nhiều người quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán.

Cúng trong dịp Tết Nguyên đán là thủ tục dường như gia đình nào cũng thực hiện. Ngoài mâm ngũ quả thì mâm cỗ Tết trên ban thờ sẽ được chuẩn bị đầy đủ với nhiều món ăn khác nhau. Vậy những đồ ăn trên mâm cỗ đó sau khi thực hiện xong phần nghi lễ mới được sử dụng liệu có an toàn?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết trước hết phải hiểu ít ai cúng mâm cơm Tết với thời gian vài tiếng để trên ban thờ rồi sau đó mới ăn. Đa số chỉ sau khoảng 30 phút đã hạ mâm để con cháu sum vầy, cùng ăn mâm cơm tất niên hoặc chào năm mới.

Tuy nhiên, vấn đề người dân lo lắng không phải không có cơ sở, bởi nhiều món ăn các gia đình không tự chế biến mà đặt mua. Như vậy, nguồn gốc thực phẩm được chế biến từ bao giờ rất khó kiểm soát. Vì thế, tốt nhất, nếu có thời gian, các gia đình nên tự tay chọn thực phẩm an toàn, sau đó tự chế biến.

Đa số sau khi cúng, đồ ăn sẽ nguội nhưng điều đó không gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Đa số sau khi cúng, đồ ăn sẽ nguội nhưng điều đó không gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Ông Thịnh cho biết, với những thực phẩm an toàn và thời gian cúng như đã nói trên, việc sử dụng sau đó không vấn đề. Hơn nữa, thời tiết dịp Tết hầu hết không nóng nên quá trình phân hủy thức ăn cũng diễn ra chậm hơn.

“Vấn đề chính là mâm cơm sau khi cúng xong thường bị nguội, có những món ăn sẽ không cảm thấy ngon miệng nữa. Ví dụ như thịt gà, giò chả sử dụng nguội vẫn ngon, nhưng món canh hay món xào sẽ không hấp dẫn.

Do vậy, trước khi cúng, chúng ta chỉ xào vừa tới, khi cúng xong có thể xào lại nhanh tay để cho nóng và không bị nát. Với món canh, ví dụ như canh măng, tốt nhất cúng xong cho ra một nồi riêng nấu lại cho nóng, không nên đổ cả vào nồi to đun cùng. Như vậy dễ hỏng cả nồi”, PGS Thịnh cho hay.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết với mâm cơm sau khi thắp hương xong khoảng 20-30 phút rồi sử dụng không vấn đề gì.

Một số món có thể xào nóng lại nhưng chắc chắn sẽ hao hụt dinh dưỡng, nhất là rau. Ảnh minh họa.

Một số món có thể xào nóng lại nhưng chắc chắn sẽ hao hụt dinh dưỡng, nhất là rau. Ảnh minh họa.

Một số món xào nếu cần ăn nóng có thể xào nhanh lại, nhưng xét về mặt dinh dưỡng thì không khuyến khích vì sẽ làm hao hụt giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, nhất là rau. Tốt nhất, khi chuẩn bị mâm cơm cúng, chúng ta nên lựa chọn những món phù hợp nhưng vẫn thể hiện sự sang trọng như thịt gà, giò chả, thịt luộc - thịt đông…

Đối với một số món dù mọi người yêu thích nhưng không nên bày biện lên, chỉ khi nào ăn mới thực hiện như các món nộm. Bởi món ăn này khi làm sẽ kết hợp nhiều loại gia vị, nhất là gia vị có tính ngọt và tính axit làm nguyên liệu nhanh mềm và ra nước. Nếu để quá lâu sẽ bị nhũn, ăn sẽ không ngon.

Bác sĩ Hưng cũng cho biết hiện cuộc sống không còn khó khăn như ngày xưa, mâm cỗ cúng nói chung và cả dịp Tết nói riêng chỉ nên chế biến đủ ăn, không nên làm quá nhiều. 

“Vấn đề thực phẩm cúng lễ sau đó dùng ngay không quá lo ngại. Điều cần lưu ý là thức ăn thừa bỏ đi thì tiếc mà để lại bữa sau hoặc hôm sau ăn tiếp mới là vấn đề. Vì việc này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng món ăn, các thực phẩm nấu chín nếu không bảo quản cẩn thận dễ bị vi khuẩn xâm nhập, ăn vào sẽ gây hại cho sức khỏe”, bác sĩ Hưng tư vấn.

Đồ ăn thức uống vạn người mê hại gan hơn cả uống rượu bia mà nhiều người không biết
Không chỉ người trẻ mà cả người cao tuổi rất thích dùng đồ ngọt như bánh kẹo, trà sữa… Tuy nhiên, ít ai biết được rằng đây là loại đồ ăn gây hại cho...

Chế độ ăn uống

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh