Ăn nhiều cơm dễ bị tiểu đường? Một thao tác khi nấu cơm gây mất chất, giảm tác dụng tốt

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 27/04/2022 09:34 AM (GMT+7)

Có những thói quen lặp đi, lặp lại hàng ngày nhiều người tưởng rằng là tốt, thế nhưng xét về khía cạnh dinh dưỡng đó lại là một sai lầm cần phải thay đổi càng sớm càng tốt.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm

Chức vụ: Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Chỉ thao tác nhỏ nhưng làm mất rất nhiều dưỡng chất tốt trong gạo

Trước khi nấu cơm, dường như gia đình nào cũng thực hiện thao tác vo gạo nhằm loại bỏ tạp chất hoặc chất bảo quản (nếu có) ở trong gạo. Các chuyên gia đều cho rằng, việc vo gạo là đúng, nên làm nhưng cần thực hiện đúng, nếu không sẽ khiến giá trị dinh dưỡng của cơm giảm đi nhiều.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, việc vo gạo quá kỹ trước khi nấu, vo gạo đến khi nước trong hẳn mới nấu cơm chính là sai lầm, khiến cho nhiều giá trị dinh dưỡng tốt bị mất đi.

Theo PGS Lâm, gạo khi nấu thành cơm là nguồn cung cấp chất đường bột thường xuyên nhất cho cơ thể. Ngoài chất đường bột thì trong gạo còn có nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt. Theo đó, ngoài các vitamin nhóm B như B1, B3, B6 và các chất xơ, gạo còn có các vitamin E, sắt và kẽm…

Việc vo gạo kỹ, vo đến khi nước trong mới mang đi nấu là sai lầm, làm mất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Việc vo gạo kỹ, vo đến khi nước trong mới mang đi nấu là sai lầm, làm mất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

“Chất xơ và các vitamin, cũng như khoáng chất quý giá trên không phải nằm ở trong hạt gạo, mà nó chủ yếu có ở bên ngoài hạt gạo. Do vậy, nếu vo gạo kỹ đến khi thấy nước trong mới mang đi nấu vô tình chúng ta vứt bỏ rất nhiều nguồn dinh dưỡng quý giá”, PGS Lâm thông tin. 

Theo vị chuyên gia này, trước kia khi các loại máy xay xát chưa được đầu tư nhiều về công nghệ, gạo thành phẩm giữ được rất nhiều dưỡng chất quý. Ngày nay, khi đi mua gạo, đa số mọi người hay chọn gạo trắng, được đánh bóng nhìn đẹp mắt, tuy nhiên loại gạo này hàm lượng xenlulo bị giảm đi rất nhiều. 

Ngoài ra, vo gạo quá kỹ thì khi ăn cơm chỉ còn chất đường bột, lượng vitamin và khoáng chất không đáng kể. Do vậy, PGS Lâm khuyến cáo khi vo gạo cần phải nhẹ tay để loại bỏ tạp chất, không nên vo gạo quá nhiều lần, không nên chọn những loại gạo xay xát kỹ. Tốt nhất nên cắm cơm bằng nước nóng để tránh hao hụt dinh dưỡng.

Cơm có phải nguyên nhân gây đái tháo đường?

Cũng liên quan đến việc sử dụng cơm hàng ngày, hiện có không ít người cho rằng việc ăn nhiều cơm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, đây là vấn đề rất nhiều người quan tâm, tuy nhiên chúng ta cần phải nhìn nhận một cách khách quan, không nên quy chụp.

TS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng, mọi người không nên cho rằng ăn nhiều cơm mắc đái tháo đường.

TS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng, mọi người không nên cho rằng ăn nhiều cơm mắc đái tháo đường. 

Theo bác sĩ Hưng, trước kia người dân ăn rất nhiều cơm, mỗi bữa khoảng 3-4 bát nhưng tại sao người mắc đái tháo đường ít hơn hiện nay. Đó là vì thời đó việc hoạt động thể lực nhiều, tiêu hao năng lượng tốt. Còn hiện nay, dù lượng tinh bột ăn vào ít hơn trước, nhưng chúng ta lười vận động. Hơn nữa giờ chúng ta ăn cơm giảm đi nhưng chất đạm, chất béo, đường đơn lại ăn quá nhiều, từ đó khiến bệnh gia tăng. 

Do vậy, bác sĩ Hưng cho rằng mỗi người cần xem lại cách ăn hàng ngày đã hợp lý hay chưa, chứ không thể đổ tại ăn nhiều cơm nên mắc đái tháo đường. “Cách ăn hàng ngày không chỉ cơm, mà cả thức ăn, đồ uống có đường và hoạt động thể lực nữa. Ngay cả việc ăn hoa quả hàng ngày cũng vậy. Theo khuyến cáo, người trưởng thành ăn 200g quả chín mỗi ngày, nhưng có người ăn bớt cơm đi, tăng số lượng quả chín lên vì tưởng hoa quả ăn nhiều là tốt. Thế nhưng, ăn quá nhiều quả chín cũng không tốt, đó cũng là nguồn nạp đường đơn vào cơ thể”, bác sĩ Hưng phân tích.

Theo bác sĩ Hưng, tại bệnh viện các bác sĩ không hề khuyên bệnh nhân đái tháo đường kiêng cơm, mà hàng ngày vẫn phải ăn cơm đều. Còn với người bình thường, nếu không có điều kiện ăn bún-phở thì mỗi ngày nên ăn 4-5 bát cơm là đủ. 

“Chúng ta không nên sợ cơm, mà tùy theo nhu cầu và tính chất công việc của mỗi người để quyết định ăn bao nhiêu là đủ. Ví dụ người chỉ nạp 1.600kcal/ngày thì ăn 4 bát cơm, nhưng với người hoạt động thể lực nhiều, cần nạp 2.000kcal/ngày thì phải ăn 5 bát”, bác sĩ Hưng hướng dẫn.

Vì sao nhà khoa học ví ăn cơm trắng như ăn đường? Khác biệt giữa gạo trắng - gạo lứt
Gạo trắng trải qua nhiều công đoạn sơ chế, có thể làm tăng lượng đường trong máu. Nghiên cứu từ Đại học Y Harvard (Mỹ) chỉ ra, gạo trắng có tác dụng...

Sống khỏe

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm