Ăn sáng lúc 7h hoặc 8h đều tốt, nhưng tập được thói quen này mới là điều tuyệt vời nhất

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 04/11/2021 06:45 AM (GMT+7)

Ai cũng biết bữa sáng rất quan trọng với cơ thể, tuy nhiên việc ăn bữa sáng vào thời điểm nào thì lại có nhiều ý kiến trái chiều.

Vai trò quan trọng của bữa sáng với cơ thể là điều ai cũng biết, tuy nhiên tùy thuộc vào độ tuổi, công việc, thậm chí là bệnh lý, mỗi người lại chọn một thời điểm ăn sáng khác nhau.

Với học sinh thường phải ăn sáng trước 7h, với cán bộ viên chức ăn sáng trước 7h30 hoặc 8h, những người hưu trí thì hay sử dụng bữa sáng khoảng 8h. Một bộ phận không ít giới trẻ hiện nay vì nhiều lý do mà thức quá muộn, nên việc ngủ dậy cũng muộn hơn và bữa sáng thậm chí là được ăn vào lúc 9h hoặc muộn hơn.

Việc ăn sáng không có thời điểm, giờ giấc cố định như vậy liệu ảnh hưởng gì đến sức khỏe? TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, trước hết phải khẳng định việc người dân ý thức được bữa sáng quan trọng và cần thiết đã là điều đáng mừng. Còn việc ăn sáng sao cho đủ chất, ăn vào thời gian nào thì tùy vào từng cá thể, điều kiện kinh tế của từng người.

Không có giờ nào là tốt nhất để ăn sáng, tuy nhiên mọi người cần lưu ý không nên ăn sáng quá muộn.

Không có giờ nào là tốt nhất để ăn sáng, tuy nhiên mọi người cần lưu ý không nên ăn sáng quá muộn.

TS Từ Ngữ khuyên, không nên ăn sáng quá muộn - sau 10 giờ. Trường hợp ăn sáng muộn cũng cần phải lưu ý, đó là giảm bớt số lượng đồ ăn. Nếu ăn muộn, gần giờ bữa trưa, lại ăn quá no, như vậy bữa trưa sẽ không ngon miệng, hoặc không có cảm giác đói và bỏ bữa. Về góc độ dinh dưỡng, việc bỏ bữa là không tốt cho sức khỏe.

Mọi người cũng nên ăn sáng trước 8h, đặc biệt là hãy tạo thói quen có một giờ ăn sáng cố định hay nói cách khác là tạo nhịp sinh hoạt đều đặn. Bởi việc tạo nhịp sinh hoạt đều đặn, ví dụ như thói quen ăn sáng vào giờ cố định giúp việc tiêu hóa được dễ dàng hơn.

“Ví dụ một người có thói quen hàng ngày ăn sáng vào lúc 7h30, thì trước giờ ăn sáng đó dịch vị dạ dày sẽ được tiết ra, khi thức ăn đưa vào gặp dịch vị này sẽ làm cho thức ăn được tiêu hóa dễ hơn, như vậy sẽ tốt cho cơ thể”, TS Từ Ngữ lý giải.

Ngược lại với thói quen trên, những người có thói quen ăn sáng không giờ giấc cố định, dạ dày hoạt động không theo một cơ chế cố định, như vậy việc tiêu hóa và hấp thu sẽ không được tốt.

Ăn sáng lành mạnh với đầy đủ nhóm chất là rất quan trọng.

Ăn sáng lành mạnh với đầy đủ nhóm chất là rất quan trọng.

Cùng quan điểm trên, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, việc ăn sáng rất quan trọng và phụ thuộc vào công việc, độ tuổi của mỗi người. Không có một công thức ăn sáng nào có thể áp dụng chung cho tất cả.

Với trẻ em, người cần tăng cân thì nên ăn bữa sáng sau 30 phút ngủ dậy, còn với người thừa cân, khỏe mạnh thì có thể ăn vào giữa buổi sáng, tùy vào cảm giác đói của mỗi người. Dù là đối tượng nào, BS Sơn cũng khuyến cáo không nên bỏ bữa sáng hoặc ăn quá muộn.

Sai lầm nhiều người hay mắc nhất khi ăn bữa sáng là sử dụng đồ ăn nhanh, đồ đông lạnh, đồ chiên rán hoặc ăn quá ít rau, ăn quá no trong khi cơ thể đang thừa cân, béo phì… Đặc biệt, bữa sáng ăn nhiều đồ chiên xào, đồ ăn quá nhiều ngọt, chất béo sẽ có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

Một bữa sáng hợp lý theo TS Sơn, là vẫn phải đầy đủ 4 nhóm chất đường bột, đạm, protein, vitamin và khoáng chất. “Rất nhiều người ăn sáng đã vội, lại không chịu ăn rau, sau đó lười ăn cả hoa quả chín. Đây là điều không nên”, TS Sơn nhắn nhủ.

Điều gì xảy ra khi bạn liên tục nhịn ăn tối? Câu trả lời khiến nhiều người giật nảy
Nhiều người nghĩ bỏ bữa sáng là "tự sát", nhịn bữa trưa thì mệt mỏi và khó làm việc hiệu quả còn bỏ bữa tối có thể giúp giảm cân. Sự thật là gì? 

Sống khỏe

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng vàng cho sức khỏe