Đang mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ được theo dõi, cách ly tại nhà có nên truyền dịch để nhanh khỏi bệnh? TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM sẽ giải đáp về vấn đề này.
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Chào bác sĩ!
Tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin, mũi tiêm mới nhất cách đây 8 tháng. Hiện tại, tôi đang bị mắc COVID-19 và tự cách ly tại nhà, người có triệu chứng hơi mệt, ho ít và sốt gần 39 độ.
Với các triệu chứng này, cán bộ y tế cơ sở (trạm y tế) nói rằng tôi chỉ cần theo dõi tại nhà, có bất thường mới đến viện. Qua tham khảo những người bị mắc COVID-19 trước đó, có người tư vấn rằng tôi nên gọi người đến nhà truyền dịch để bổ sung thêm nước, tăng sức đề kháng, sớm khỏi bệnh hơn.
Vậy với tình trạng của tôi có nên truyền dịch tại nhà không thưa bác sĩ?
Trước hết, phải nói rằng những triệu chứng bạn gặp phải rất điển hình khi mắc COVID-19. Hơn nữa, bạn không nói bao nhiêu tuổi, có mắc bệnh lý nền không nên rất khó để có tư vấn kỹ hơn. Trường hợp có bệnh lý nền, cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe trong giai đoạn vẫn đang dương tính.
Nếu không mắc bệnh nền, không phải người già, phụ nữ mang thai thì không đáng lo ngại, mặc dù tiêm vắc xin đã 8 tháng, kháng thể có giảm nhưng vẫn còn và phần nào vẫn có khả năng bảo vệ.
Đối với việc truyền dịch tại nhà, câu trả lời là không nên. Bởi truyền dịch không làm bệnh khỏi nhanh hơn, hơn nữa muốn truyền dịch phải có chỉ định, hướng dẫn và thực hiện tại cơ sở y tế. Không chỉ COVID-19 mà khi có bất kể vấn đề về sức khỏe cũng tuyệt đối không tự ý truyền dịch, nhất là truyền tại nhà.
Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi mắc COVID-19 hay gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe. Ảnh minh họa.
Bởi vì việc làm này rất nguy hiểm, sẽ có nguy cơ bị sốc phản vệ, tử vong. Ngoài ra, tim của người bệnh không tải nổi lượng dịch, truyền quá tốc độ sẽ gây suy tim, tử vong hoặc khi cơ thể không thải được dịch, người sẽ phù lên… Do đó, việc truyền dịch thường được chỉ định trong bệnh viện với những quy định rất rõ ràng, chặt chẽ, như: Truyền chất gì, lượng bao nhiêu, tốc độ ra sao, dịch đó có phù hợp với người bệnh không, người bệnh có suy thận, suy tim không…
Thông thường truyền dịch chỉ được chỉ định khi người bệnh bị mất nước mà không đưa nước vào được bằng đường miệng hoặc người bị mất nước nặng, nhiều mà bổ sung nước bằng đường miệng không kịp mới chỉ định truyền dịch. Ngoài ra, những người quá suy kiệt, ăn uống không được sẽ truyền các chất bị thiếu vào cơ thể.
Với người mắc COVID-10 triệu chứng nhẹ như bạn, cần bổ sung dinh dưỡng tốt, uống nước ấm nhiều lần trong ngày, mỗi lần uống một ít thay vì uống no vào một thời điểm. Hạn chế uống các loại nước gây kích thích thần kinh như trà, cà phê… Ngoài ra, cần thực hiện các khuyến cáo phòng dịch như Bộ Y tế đã hướng dẫn.
|
Tin liên quan
Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng là "bản án" không thể tránh...
Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19
Mỹ - Biến chủng KP.2, một nhánh con của Omicron, sở hữu hai đột biến đặc biệt giúp lây truyền nhanh, có thể trốn tránh được miễn dịch.