Tiêm vaccine là biện pháp phòng COVID-19 hiệu quả và an toàn nhất, tuy nhiên việc tiêm bao nhiêu mũi vắc xin là đủ vẫn đang được các nhà khoa học đánh giá.
Thời gian gần đây, ngành y tế liên tục phát đi thông tin cảnh báo về việc số ca mắc COVID-19 chuyển nặng liên tục gia tăng. Cụ thể, số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo về Bộ Y tế ngày 9/9 cho thấy, số bệnh nhân COVID-19 đang thở ôxy là 138 ca. Trong đó, thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca, thở máy xâm lấn: 5 ca, thở ô xy qua mặt nạ: 131 ca. Trước đó, vào ngày 8/9, cả nước ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh. Trước thực trạng này, việc người dân đi tiêm mũi vắc xin nhắc lại theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh là vô cùng cần thiết
Tại Hội thảo "Hiệu quả vắc xin mũi nhắc lại trong tình hình COVID-19 giai đoạn mới”, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, qua những nghiên cứu thực tế trên thế giới cho thấy, việc tiêm tăng cường là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tránh gây quá tải hệ thống y tế trong bối cảnh COVID-19 liên tục đột biến.
“Ghi nhận tại một số bệnh viện gần đây cho thấy có một số lượng đáng kể các ca bệnh nặng là những người chưa từng tiêm vắc xin, hoặc tiêm vắc xin chưa đủ. Thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả vắc xin COVID-19 là khả năng giúp chúng ta phòng ngừa bệnh nặng và thực tế điều này đã được chứng minh”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Việc tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Dũng, tiêm vắc xin COVID-19 là quyền lợi của mỗi người, nếu tiêm đầy đủ các mũi sẽ giảm được nguy cơ mắc và chuyển nặng. Bên cạnh đó, những người tiêm chủng vắc xin COVID-19 không đầy đủ còn ảnh hưởng tới người đã tiêm đủ.
Trước thông tin cho rằng, việc tiêm vắc xin COVID-19 không còn hiệu quả bảo vệ khi xuất hiện các biến chúng mới, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng, điều này là không đúng vì tiêm chủng vẫn giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ chuyển nặng.
Ông Dũng dẫn chứng đánh giá của các chuyên gia trên hơn 50 nghiên cứu đời thực, mũi nhắc lại (mũi ba) của vắc xin COVID-19 của AstraZeneca và các vắc xin theo công nghệ mRNA có hiệu quả cao tương đương trong việc ngăn ngừa các hệ quả nghiêm trọng do biến thể Omicron như nhập viện và tử vong, kể cả trong bối cảnh các biến thể phụ tiếp tục xuất hiện.
PGS Dũng cũng cho rằng, việc tiêm vắc xin cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bởi không phải cứ tiêm nhiều là tốt và cũng phải tùy vào từng loại vắc xin.
Đối với người trưởng thành, sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ. Còn đối với người cao tuổi, có bệnh lý nền nên tiêm mũi 4 do khi mắc có nguy cơ chuyển nặng cao.
Thực tế điều này cũng đã có những kết quả đánh giá cụ thể được công bố, theo đó, với bất kỳ một liệu trình tiêm 3 mũi vắc xin nào trong đó có sử dụng vắc xin AstraZeneca đều mang lại hiệu quả bảo vệ cao đối với sự tiến triển bệnh nặng (84,8% - 89,2%). Liệu trình tiêm 3 mũi vắc xin có sử dụng vắc xin công nghệ mRNA cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ tương tự.
Đối với mũi bốn (mũi nhắc lại thứ hai) có thể giúp tăng cường mức độ bảo vệ một cách đáng kể, với kết quả của một nghiên cứu đời thực gần đây thực hiện tại Châu Á cho thấy không ghi nhận bất cứ trường hợp bệnh nặng nào do COVID-19 ở những người được tiêm mũi bốn vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin theo công nghệ mRNA trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2022.