Dù con vẫn đủ điều kiện lên lớp, nhưng bố mẹ quyết định sẽ cho con lưu ban lại lớp 3, thậm chí là phải chuyển trường chỉ vì muốn rèn con tính kỷ luật, mong con phát triển tốt hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách hiện đang là Giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền Thông, thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam.
Khi năm học vừa kết thúc, anh Nguyễn Hồng Chiến (40 tuổi, ở Hà Nội) đã đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn, đó là cho con trai Minh Quang học lại lớp 3, dù con vẫn đủ điều kiện lên lớp. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của không ít người, có người còn cười nhạo anh vì nhà có điều kiện mà con học dốt phải lưu ban. Cô giáo chủ nhiệm thì cho rằng, việc có học sinh lưu ban sẽ ảnh hưởng đến trường lớp và cả học sinh, khuyên bố mẹ nên cân nhắc.
“Học lực cháu ở mức trung bình, chưa đến mức phải lưu ban”, cô chủ nhiệm nói. Anh Chiến phân trần rằng, anh cho con lưu ban không phải vì học lực, mà muốn rèn con tính trách nhiệm và kỷ luật. Anh cũng thừa nhận, việc con có tính cách vô kỷ luật là lỗi do gia đình, không phải do nhà trường. “Gia đình đã quyết, kể cả cháu phải chuyển trường tôi cũng cho cháu lưu ban lại lớp 3”, anh Chiến quả quyết.
Theo anh Chiến, Minh Quân là con trai một, lại là cháu đích tôn của dòng họ nên từ nhỏ đã được chiều chuộng. Từ đó, Quân bắt đầu ích kỷ và đòi hỏi, khi không được đáp ứng là cháu hỗn láo, phản ứng lại với cả người lớn, thích gì là đòi bằng được, không biết yêu thương những người xung quanh. “Tuổi cháu hiện giờ còn uốn nắn được, nếu cứ để như vậy thêm vài tuổi nữa tôi sợ con sẽ hỏng, không có cách nào chữa nổi”, anh Chiến lý giải về quyết định của mình. Ngay sau khi kết thúc năm học, anh Chiến đã đưa con đi tư vấn, trị liệu tâm lý với mong muốn cải thiện được hành vi của trẻ.
Việc chiều chuộng hay quân phiệt với con đều phản tác dụng, mà hãy làm sao để rèn tính trách nhiệm của con với bản thân, gia đình và xã hội. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, Viện Tâm lý học và truyền thông (Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, bé trai này khi mới tiếp nhận rất bướng bỉnh, hay cãi lại người lớn, chỉ làm theo ý thích của mình. Khi nghe phụ huynh chia sẻ, bác sĩ hiểu được lý do, đồng thời cho rằng quyết định của bố mẹ đã rất dũng cảm và điều đó sẽ tốt cho tương lai đứa trẻ sau này.
“Tôi rất cảm phục hai vợ chồng này vì họ dám thay đổi, dám chiến đấu khi bắt đầu nhận ra sự chiều chuộng vô lối trước đó làm mất đi tính kỉ luật của con, không kiểm soát nổi hành vi và cảm xúc của trẻ”, bác sĩ Bách chia sẻ.
Bác sĩ Bách cho biết, việc gia đình quyết định cho con lưu ban là rất dũng cảm, và có thể tốt cho tương lai đứa trẻ.
Với trường hợp này, để thay đổi suy nghĩ, hành vi và rèn tính kỷ luật cần mất nhiều thời gian. Hơn nữa, cần phải có sự quyết tâm của bố mẹ, nếu không mọi thứ sẽ trở về con số 0. “Suốt nhiều tháng sau đó, bố mẹ gửi con ở trung tâm, không gặp con dù họ rất nhớ. Khi cháu điều trị tại Sóc Sơn, bố mẹ nhớ con lên thăm cũng chỉ nhìn con qua hàng rào, rồi chỉ biết ôm nhau khóc. Tôi hiểu sự yêu thương của họ dành cho con, sự nhớ nhung sau những ngày xa cách, nhưng họ đã nén lại trong lòng vì con. Đổi lại, sau này họ sẽ nhận thấy con yêu thương họ hơn, có trách nhiệm sống hơn và từ đó giúp bố mẹ nhận ra những sai lầm trước đó”, bác sĩ Bách chia sẻ.
Theo bác sĩ Bách, việc trị liệu quan trọng nhất là cần rèn cho trẻ về tính trách nhiệm, kỷ luật, sự kiên trì, giúp con nhận ra giá trị bản thân và cuộc sống. Theo đó, mọi thứ bắt đầu từ điều đơn giản nhất như phải thức dậy, đi ngủ đúng giờ, ăn đúng bữa và lao động theo khả năng.
Ban đầu chỉ là việc dọn phòng ngủ, quét nhà, giặt quần áo bằng tay. Sau đó là những việc lao động đơn giản như cuốc đất, trồng rau để hòa mình với thiên nhiên, tránh xa điện thoại. Tất cả những điều đó, ngoài giúp con về tính kỷ luật, tự chăm lo bản thân, điều quan trọng nhất là giúp quản lý tốt cảm xúc của bản thân.
“Sau một tháng trị liệu, tôi gửi video cảnh con quét nhà, tự giặt quần áo bằng tay… bố mẹ cháu đã khóc nức nở, không thể tin nổi con có thể làm được những việc đó. Khi về với gia đình, cậu bé đã chỉn chu từ cách ăn mặc đến chăm sóc bản thân, biết chia sẻ với những người xung quanh và đặc biệt cậu bé đã quản lý rất tốt cảm xúc, không còn mè nheo, ích kỷ hay phá phách khi không vừa lòng”, bác sĩ Bách chia sẻ.
Việc quan tâm và chia sẻ với con là cần thiết, nhưng vẫn phải dạy con tính kỷ luật để con sống trong khuôn phép. Ảnh minh họa.
Khi trở về bên gia đình, điều quan trọng nhất, theo bác sĩ Bách, đó là sự quan tâm đúng mực của phụ huynh, làm sao vẫn yêu thương con, nhưng vẫn phải rèn tính kỷ luật và trách nhiệm cho con. Nếu thương con, quá nâng niu và chiều chuộng con thì việc “tái nghiện” những hành vi cũ là khó tránh khỏi.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Bách cho rằng, việc yêu con, thương con của bố mẹ là đúng, nhưng nếu yêu thương không đúng cách tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả… Đó là trẻ sẽ ích kỉ hơn, đòi hỏi hơn và quan trọng hơn cả là chúng sẽ không nhận biết được giá trị gia đình mà mình đang có.
Dưới đây là 15 điều dạy con về tính trách nhiệm bố mẹ nên thực hiện: 1. Hãy cho trẻ cơ hội biết cách tự chăm sóc bản thân, từ việc tắm gội, tự đi ngủ, học hành, giờ giấc; 2. Biết chăm sóc và quan tâm cho bố mẹ và những anh chị em từ khi còn nhỏ; 3. Giúp bố mẹ làm việc nhà; 4. Người lớn trong gia đình cũng cần có sự quan tâm với nhau; 5. Sự chia sẻ với những người xung quanh; 6. Chịu trách nhiệm từ lời nói, hành vi và ứng xử của mình; 7. Quan tâm đến cảm xúc của các thành viên trong gia đình; 8. Bố mẹ giữ lời hứa với con; 9. Giữ đúng các nguyên tắc xã hội và quy định của gia đình (sống có kỷ luật); 10. Việc giáo dục con giữa vợ và chồng cũng phải nhất quán; 11. Không quyết định thay con; 12. Tôn trọng người khác; 13. Cho con trải nghiệm về nguyên nhân và hậu quả; 14. Giúp con có trách nhiệm hơn đối với mọi người trong gia đình và xã hội; 15. Dạy con biết xin lỗi, cảm ơn. |
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Tin liên quan
Kỳ vọng con trai lớp 1 học giỏi để nhận các giải thưởng vào cuối năm học, chị Dân bị áp lực, stress và đã mắng chửi con thậm tệ khi bé không...
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Sau khi phát hiện con tự kỷ rất thích và có thể vẽ, mỗi ngày chị Như ngồi bên con cùng chơi, tập vẽ từ nét đơn giản đến khó và giúp bé đọc...
Rất nhiều bà mẹ có con tuổi lên 3 đã bị khủng hoảng, thậm chí “phát điên”, nhưng theo chuyên gia đó là do họ chưa biết phương pháp dạy con...
Tin bài cùng chủ đề Ths.BS Nguyễn Hồng Bách
Dù con vẫn đủ điều kiện lên lớp, nhưng bố mẹ quyết định sẽ cho con lưu ban lại lớp 3, thậm chí là phải chuyển trường chỉ vì muốn rèn con tính kỷ luật, mong con phát triển tốt hơn.