Có một loại rau mọc dại nhiều người ăn nhăn mặt, có người lại nghiện nhưng ít ai biết tác dụng kỳ diệu này

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 06/01/2023 16:21 PM (GMT+7)

Loại rau này tuy có vị đắng nhưng đem lại nhiều tác dụng với sức khỏe, ngoài làm thực phẩm có thể làm thành vị thuốc hỗ trợ điều trị bệnh.

Ở nước ta, có nhiều loại rau vị đắng được sử dụng trong chế biến món ăn như rau đắng đất, mướp đắng (khổ qua),… Khác với mướp đắng được sử dụng nhiều thì rau đắng đất dù được người dân biết đến nhưng lại không sử dụng nhiều. Trong khi xét về thành phần dinh dưỡng, dược lý thì rau đắng cũng có vô vàn tác dụng với cơ thể.

BSCK I Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết xét dưới góc độ thực phẩm, đa phần mọi người sử dụng các loại rau có vị ngọt, loại rau có vị đắng ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên, các loại rau đắng lại có những công dụng rất khác, mà rau ngọt không có, điển hình như rau đắng đất.

Theo bác sĩ Thủy, rau đắng đất hay còn gọi là biển súc, cây càng tôm, cây xương cá. Đúng như tên gọi, loại rau này có vị đắng, tính bình, không độc. Trong Đông y quy vào hai kinh vị và bàng quang, do đó có tác dụng tiêu viêm (chống viêm), cố sáp (chống tiêu chảy) và thanh nhiệt trừ thấp (trị mụn nhọt, giải độc).

Những trường hợp có thể sử dụng rau đắng đất để trị bệnh như: tiểu gắt buốt, sỏi thận, ăn uống kém tiêu, nóng trong người, hạ sốt, mát gan.

Không chỉ điều trị bệnh theo y học cổ truyền, rau đắng còn có tính kháng khuẩn rất tốt.

Không chỉ điều trị bệnh theo y học cổ truyền, rau đắng còn có tính kháng khuẩn rất tốt. 

Bác sĩ Như Thuỷ cho hay rau đắng chứa 0.35% hoạt chất tanin, catotin, ancaloit đường, ngoài ra còn có vitamin C và một số dưỡng chất khác cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường khả năng kháng khuẩn tốt hơn. Rau đắng có thể giúp cải thiện tình trạng về da (mề đay, ghẻ ngứa), giúp giảm stress, cải thiện sỏi thận, cải thiện tình trạng táo bón.

Trong dân gian người ta vẫn dùng rau đắng xào, nấu canh hoặc ăn sống tùy món. Lưu ý phụ nữ mang thai nên cân nhắc khi dùng loại rau này vì rau đắng có thể làm co thắt tử cung hoặc kích thích quá trình đông máu gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Ngoài ra, người có cơ địa dạ dày yếu cũng không nên ăn rau đắng nhiều vì đặc tính bình của rau sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Riêng với những người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp tốt nhất nên tránh ăn.

Tham khảo một số bài thuốc từ rau đắng:

- Rau đắng trị đau răng: Cây rau đắng rửa sạch, sắc nước uống ngày 2 lần uống. Dùng khoảng 2-3 ngày sẽ thấy có hiệu quả.

Rau đắng kết hợp với các loại thực phẩm làm được nhiều món ăn ngon, lại là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.

Rau đắng kết hợp với các loại thực phẩm làm được nhiều món ăn ngon, lại là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. 

-  Rau đắng trị nhiệt miệng: Rửa sạch một nắm rau đắng rồi giã lấy nước cốt. Ngậm nước cốt đó trong miệng vài phút rồi nuốt từng chút một. Với trẻ em, các bé không chịu được đắng thì có thể lấy đầu tăm bông thấm nước cốt cây rau đắng rồi chấm lên vết loét cho bé.

- Rau đắng trị tiểu tiện ít và khó khăn: Rau đắng 16g, xa tiền tử, mộc thông, tỳ giải, mỗi vị 12g, sơn chi tử 8g, sắc uống, ngày một thang.

- Rau đắng trị tiểu tiện rắt, buốt: Rễ rau đắng, hạt ké vông vang, nhân trần, mộc thông, xa tiền tử, lá tre, mỗi vị 8g, đăng tâm thảo, thông thảo, mỗi vị 3g, sắc uống, ngày một thang.

Ngoài việc dùng cây rau đắng chữa tiểu buốt, tiểu rắt, người bệnh cần chú ý tới vấn đề dinh dưỡng để có thể nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.

- Rau đắng trị viêm bàng quang cấp tính: Rau đắng 12g, tỳ giải, bồ công anh, mỗi vị 20g, sài hồ, hoàng cầm, hoạt thạch, cù mạch, mỗi vị 12g, mộc thông 6g. Nếu có triệu chứng đi tiểu ra máu, thêm sinh địa, chi tử (sao đen), bạch mao căn (sao đen), mỗi vị 12g.

- Rau đắng trị giun đũa ở trẻ em: Lấy rau đắng tươi 100g, sắc uống, ngày một lần.

- Rau đắng trị ngứa hậu môn, phụ nữ ngứa âm hộ: Lấy khoảng 200g rau đắng tươi, sắc lấy nước rửa, ngày 1 đến 2 lần. Làm nhiều lần sẽ có kết quả tốt.

- Rau đắng trị mụn nhọt độc, quai bị sưng tấy, đỏ đau: Lấy rau đắng tươi rửa sạch, thêm chút muối ăn giã nát, ngày đắp nhiều lần.

Lưu ý, khi sử dụng rau đắng làm thuốc tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.

Loại rau ngon giàu canxi gấp nhiều lần nước hầm xương, lại giúp da mọng ẩm giữa mùa khô lạnh
Không chỉ có mùi thơm đặc trưng giúp kích thích vị giác và khứu giác khi ăn, loại rau đang bắt đầu vào mùa này còn có vô vàn lợi ích khác đối với cơ...

Thực phẩm phòng bệnh

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh