Vì sao người Việt đứng trong top thấp nhất thế giới? Chuyên gia chỉ cách "thoát lùn" bố mẹ nào cũng làm được cho con

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 15/06/2023 11:50 AM (GMT+7)

Có nhiều nguyên nhân khiến chiều cao người Việt ở áp chót bảng xếp hạng, nhưng để cải thiện điều đó cũng không phải là điều quá khó.

Đâu là nguyên nhân khiến chiều cao người Việt đứng áp chót bảng xếp hạng?

Mới đây có nhiều thông tin chia sẻ về bảng xếp hạng chiều cao của người Việt Nam so với các nước trên thế giới, theo đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 15 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có người thấp nhất (chiều cao trung bình của người Việt là 159,01cm (nam giới 164,44cm, nữ giới 153,59cm). Số liệu này được trang Insider biên soạn bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu y tế năm 2020 của NCD Risk Factor Collaboration, dự án liên kết với Đại học Hoàng gia London (Anh).

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, những thông tin trên chưa chính xác về con số, kể cả chiều cao trung bình chung và chiều cao của nam và nữ. Theo bác sĩ Hưng, năm 2019 Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đã làm tổng điều tra trên toàn quốc, kết quả cho thấy chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam là 168,1cm, còn nữ giới là 156,2cm (cao hơn so với kết quả trên).

“Tôi không biết công bố trên họ nghiên cứu bao giờ, cách lấy mẫu ra sao nhưng so với kết quả điều tra mới nhất tại Việt Nam thì có sự sai lệch khá lớn, vì thế thống kê trên không đáng tin cậy”, bác sĩ Hưng cho hay.

Chiều cao của nam và nữ giới Việt Nam so với các nước.

Chiều cao của nam và nữ giới Việt Nam so với các nước.

Qua từng năm, chiều cao của người Việt đã được cải thiện khá nhiều, tuy nhiên bác sĩ Hưng thừa nhận, Việt Nam vẫn thuộc top có chiều cao thấp so với các quốc gia trên thế giới. Theo bác sĩ Hưng, hiện kinh tế Việt Nam đã phát triển hơn trước khá nhiều, tuy còn chênh lệch giữa một số vùng miền nhưng không thiếu đói như xưa vì nhà nước đã có chương trình an ninh lương thực.

Như vậy, chiều cao của người Việt vẫn thấp là do đâu? Để giải đáp câu hỏi này, bác sĩ Hưng chỉ ra một số nguyên nhân sau:

- Nguyên nhân về gen: Về hình thể, người Việt nhỏ hơn người châu Âu và vấn đề này liên quan đến gen. Thực tế chúng ta vẫn có thể thay đổi được khía cạnh này nhưng sẽ vướng rất nhiều thứ như rào cản văn hóa, xã hội...

Tại Việt Nam ông cha ta đã có câu “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, cũng ngụ ý chỉ về vấn đề thay đổi thế hệ tương lai tốt hơn. Thực tế, nếu người thấp lấy người cao thì con sinh ra thường có chiều cao tốt hơn, ngược lại 2 người thấp lấy nhau thì tỷ lệ con thấp khá cao. Tuy nhiên, vấn đề gen chỉ là yếu tố tác động phần nào, không phải yếu tố quyết định chiều cao.

Bác sĩ Hưng cho biết, nguyên nhân về dinh dưỡng, lối sống ảnh hưởng khá lớn đến phát triển chiều cao của trẻ.

Bác sĩ Hưng cho biết, nguyên nhân về dinh dưỡng, lối sống ảnh hưởng khá lớn đến phát triển chiều cao của trẻ.

- Nguyên nhân kiến thức dinh dưỡng: Hiện kiến thức về dinh dưỡng của người Việt còn rất hạn chế, từ đó dẫn tới việc chăm sóc sức khỏe chưa hợp lý và đó chính là rào cản để trẻ phát triển chiều cao. Không ít người sinh con ra mang tư tưởng “có đầu, có đuôi, nuôi mãi khác lớn”, điều này là sai lầm vì trẻ muốn phát triển thì phải được chăm sóc từ trong bào thai và qua từng giai đoạn, đó là một quá trình dài hơi.

Ngược lại với tư tưởng trên, nhiều người sợ con không lớn nên thúc ép, cho ăn thỏa thích dẫn tới béo phì, dậy thì sớm. Đây chính là yếu tố làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chiều cao của trẻ.

- Nguyên nhân về lối sống: Không ít người chạy theo công nghệ số nên đánh mất nhiều giá trị cốt lõi của cuộc sống, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và chiều cao nói riêng. Nhiều gia đình không chia sẻ với nhau, lười tập thể dục, mỗi khi rảnh là ôm chiếc điện thoại lướt mạng.

Thậm chí không ít bố mẹ lấy lý do bận rộn nên cho trẻ dùng đồ ăn nhanh, đặt đồ ăn trên mạng, thức khuya, dậy muộn… Tất cả những điều này đều có tác động đến sức khỏe và sự phát triển của chiều cao. “Ngủ muộn chắc chắn ảnh hưởng đến chiều cao bởi ngủ là lúc cơ thể trẻ tiết ra lượng hóc môn tăng trưởng (HGH) nhiều nhất trong ngày. Do vậy, nếu cho trẻ đi ngủ muộn, ngoài mệt mỏi về tinh thần thì còn làm cản trở việc tiết ra lượng hóc môn tăng trưởng”, bác sĩ Hưng cho hay.

Việc trẻ ăn uống thất thường, luời vận động có thể gây hạn chế sự phát triển chiều cao. Ảnh minh họa.

Việc trẻ ăn uống thất thường, luời vận động có thể gây hạn chế sự phát triển chiều cao. Ảnh minh họa. 

Giải bài toán chiều cao liệu có khó?

Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng, để phát triển được chiều cao một cách tối ưu thì cần giải quyết những nguyên nhân trên, trong đó các yếu tố liên quan đến lối sống, dinh dưỡng và môi trường rất quan trọng và có thể tác động được.

Bác sĩ Hưng chia sẻ, muốn đạt được chiều cao tối ưu (theo từng cá thể), cần lưu ý những điều sau:

- Sinh con chủ động, nuôi con trong cả quá trình: Theo bác sĩ Hưng, việc sinh con chủ động rất quan trọng, đó là khi hai vợ chồng chủ động kế hoạch có bầu, sinh con. Khi hai vợ chồng chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, kinh tế để sẵn sàng chào đón con chào đời thì đứa trẻ sẽ có điều kiện phát triển tốt nhất. “Một người mẹ sinh con chủ động sẽ dành toàn thời gian, tâm ý để chăm sóc con. Ngược lại, việc sinh con không có kế hoạch, nuôi con vẫn phải lo cơm áo, gạo tiền thì đứa trẻ sẽ bị thiệt thòi và ảnh hưởng đến sự phát triển”, bác sĩ Hưng cho hay.

Ngoài ra, chiều cao của một người bị ảnh hưởng ngay từ khi còn trong bụng mẹ, do vậy chăm sóc bà mẹ khi mang thai rất quan trọng, đó là phải chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, tránh stress, căng thẳng... Sau khi trẻ chào đời, việc chăm sóc 1.000 ngày đầu đời, nhất là chho bú sữa mẹ hoàn toàn có vai trò rất lớn cho phát triển chiều cao sau này. Cùng với đó, quá trình chăm con tuổi tiền dậy thì, dậy thì, các phụ huynh cũng cần phải trang bị kiến thức đầy đủ về chế độ dinh dưỡng để áp dụng đúng và khoa học, không nghe các thông tin trên mạng để nuôi con.

- Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng: Không chỉ trẻ nhỏ, mà với bất cứ ai ở độ tuổi nào thì chế độ dinh dưỡng đều quan trọng với sự phát triển và phòng chống bệnh tật. Phụ huynh không cần quá chú tâm vào một hay vài loại thực phẩm riêng lẻ nào, nhất là những loại “giàu canxi để tăng chiều cao” như lời đồn đại. Muốn con phát triển chiều cao thì cần xây dựng một chế độ ăn đa dạng và cân đối thực phẩm theo từng lứa tuổi và thực hiện ngay từ khi con ăn dặm. Nên tạo cho trẻ thói quen ăn nhiều loại thực phẩm vì mỗi loại có giá trị dinh dưỡng khác nhau.

Chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển về trí tuệ và chiều cao. (Ảnh minh họa)

Chế độ dinh dưỡng khoa học và lối sống lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển về trí tuệ và chiều cao. (Ảnh minh họa)

“Việc chăm sóc dinh dưỡng phải kiên trì, điều này rất quan trọng cho sự phát triển chiều cao sau này. Nhiều mẹ, dù rất muốn con cao lớn nhưng lại thiếu kiên nhẫn, dễ bỏ cuộc khi con chống đối trong ăn uống, dẫn tới hệ lụy trẻ ăn kén chọn, từ đó kém phát triển, thậm chí suy dinh dưỡng”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

- Luôn đề cao tính kỷ luật: Trẻ muốn phát triển được chiều cao thì cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống khoa học và vận động thường xuyên. Để làm được như vậy thì người lớn phải làm gương. "Tôi ví dụ, muốn trẻ ăn ngủ đúng giờ thì người lớn phải nghiêm túc thực hiện. Hay muốn trẻ ăn đủ rau thì bố mẹ, ông bà hãy chế biến hấp dẫn và ăn rau đầy đủ. Muốn trẻ tập thể dục thì bố mẹ thực hiện trước, đừng nằm xem điện thoại, xong bắt con tập thể dục”, bác sĩ Hưng tư vấn.

Đồng quan điểm trên, TS.BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, vấn đề phát triển chiều cao không phải chuyện “ngày một, ngày hai” mà là cả một chiến lược dài hơi, mang tầm quốc gia. Muốn làm được điều đó thì cần phải chú ý từ thế hệ “con nít” hiện tại, bởi người trưởng thành dù muốn nhưng vẫn phải chấp nhận chiều cao hiện tại.

“Muốn phát triển chiều cao thì cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đó là phải “ăn đúng, ăn đủ”, cụ thể là phải ăn đủ bữa, đúng giờ và đầy đủ, cân đối các nhóm thực phẩm. Cần bổ sung thêm sữa trong chế độ ăn của trẻ. Ngoài ra, vấn đề lối sống cũng rất quan trọng, đó chính là ngủ đúng giờ, đủ giấc và vận động, thể dục phù hợp theo từng lứa tuổi. Tất cả những điều đó nếu làm khoa học thì trẻ sẽ phát triển được toàn diện, trong đó có chiều cao”, bác sĩ Khanh cho hay.

Nhà có điều kiện, con ăn không thiếu thứ gì nhưng vẫn thấp nhất lớp, vì sao? TS dinh dưỡng chỉ 6 cách tăng chiều cao
Dù cho con ăn rất tốt nhưng vẫn không cải thiện được chiều cao, người mẹ băn khoăn liệu ngoài dinh dưỡng còn có yếu tố nào tác động đến sự phát triển...

Trẻ suy dinh dưỡng

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng