Vì nghiện game, Tính không tập trung vào học tập mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao có tiền để thỏa mãn đam mê, dù bị xâm hại nhiều lần cũng mặc kệ.
Nợ tiền chơi game, bị xâm hại không dám phản kháng
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa ra đưa ra xét xử và tuyên phạt Hoàng Minh Tính (17 tuổi, quê An Giang) 17 năm tù vì tội giết người và cướp tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, Tính là một đứa trẻ nghiện game. Vì không được cha mẹ cho tiền chơi game, Tính từng nhiều lần mượn tiền của người quen, lấy trộm đồ của cha mẹ mang đi cầm cố lấy tiền thỏa mãn thói quen xấu.
2 năm trước, khi đang học lớp 10, Tính quen một người đàn ông và bị người này xâm hại nhiều lần nhưng chịu đựng vì sợ sẽ bị đòi tiền đã vay trước đó. Nhiều lần gặp nhau, Tính thấy người đàn ông có đồ dùng, trang sức giá trị nên nảy sinh ý định trộm cắp bán lấy tiền chơi game và chuộc 2 chiếc xe máy lén cha mẹ đi cầm cố trước đó.
Hiện có rất nhiều trẻ đang bị nghiện game. Ảnh minh họa.
Lần đi chơi cuối cùng, Tính lại bị người đàn ông xâm hại nên đã dùng dao mang theo đâm tử vong, sau đó lấy tiền, dây chuyền vàng, xe mô tô của người này đi bán lấy tiền chơi game, chuộc 2 chiếc xe máy của cha mẹ đã cầm cố.
Trực tiếp xét xử, đưa ra án phạt tù đối với một đứa trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên nhưng vì mê game mà lầm lỡ, vị thẩm phán vô cùng đau lòng. Bà cho biết, tòa án thường xuyên phải xét xử các vụ án cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích… mà người thực hiện hành vi là trẻ vị thành niên mê game. Mỗi vụ án đều là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc cha mẹ, nhưng vụ án này vừa xử xong chưa bao lâu lại có vụ án khác.
Ở trường hợp của Tính, vị thẩm phán cho rằng, nguyên nhân khiến cậu bé vi phạm pháp luật phần nhiều do cha mẹ đã thiếu quan tâm, bỏ bê con. “Con nghiện game, mang tài sản đi cầm cố, bị người ta xâm hại nhiều lần mà cha mẹ không biết là hoàn toàn sai lầm”, vị thẩm phán bày tỏ quan điểm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Cơ quan này cũng công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế.
Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện nhi Trung ương, trẻ nghiện game online sẽ dễ bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ, có thể mắc các bệnh lý về mắt, cơ xương khớp do cường độ làm việc lớn của đôi mắt và ngồi một tư thế quá lâu.
Với những trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách, nghiện game có thể gây tác động xấu đến tương lai của trẻ. Bác sĩ Vinh phân tích, một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời. Mải mê chơi game khiến trẻ không còn thời gian chăm lo học hành, rèn luyện thể lực và sức khỏe, không quan tâm đến thế giới xung quanh, dẫn tới thiếu hụt kỹ năng sống. Thêm vào đó, trẻ nghiện game có nguy cơ cao hơn mắc các rối loạn tâm thần so với trẻ khác, như các rối loạn hành vi, rối loạn nhân cách, rối loạn sử dụng chất.
Bác sĩ Vinh cho rằng, dấu hiệu trẻ nghiện game thường là:
+ Trẻ thích ở một mình tại phòng/khu vực riêng để chơi game.
+ Game là thứ trẻ nghĩ đến và muốn làm đầu tiên sau khi thức dậy.
+ Viện cớ để tránh phải tham gia một số hoạt động ngăn cản trẻ chơi game như đi dã ngoại, đi thăm người thân…
+ Chểnh mảng, thiếu kiên nhẫn trong những công việc, sinh hoạt thường ngày, nhưng có thể dành nhiều thời gian, công sức, hoặc tiền bạc vào việc chơi game.
+ Thích trò chuyện về các chủ đề, khoe thành tích liên quan đến game; sử dụng thuật ngữ, tên gọi trong game ngay cả trong đời thường.
+ Có biểu hiện của che giấu, dối trá liên quan đến những tác động xấu của game.
Cha mẹ hãy luôn ở cạnh con để giúp con có cuộc sống lành mạnh. Ảnh minh họa.
Con học theo cha nghiện game
Theo chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị nghiện game là do công nghệ, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển làm trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc với thiết bị điện tử và mạng xã hội, trong khi cha mẹ lại quá bận rộn cuộc sống mưu sinh. Một nguyên nhân khác là do cha mẹ cũng nghiện game và mạng xã hội làm trẻ “học theo”. Cũng có nhiều trẻ nghiện game vì bị rủ rê, bắt chước bạn bè.
Con trai chị Linh An (37 tuổi, ở TP Thủ Đức), hiện học lớp 4 cũng bị nghiện game từ năm lớp 3. Chị Linh An kể, nếu không đi học, con trai chị có thể chơi game từ sáng đến khi đi ngủ. Cũng vì sử dụng điện thoại và máy tính quá nhiều, bé đã cận nặng. Mỗi khi mẹ tịch thu điện thoại, cậu bé lại cáu gắt với mẹ và em trai.
Dù bản thân chị Linh An rất muốn cai game cho con nhưng công việc trưởng phòng kế toán tại một công ty nước ngoài quá bận rộn, trong khi chồng chị cũng nghiện game và mạng xã hội nên rất khó làm gương cho con. “Nghe tôi hỏi, sao con cứ chơi game nhiều vậy, con nói ba cầm điện thoại được thì con cũng cầm được. Tôi không biết phải làm sao cả”, chị Linh An chia sẻ.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã điều trị cho một bé trai uống thuốc tự tử vì không được mẹ cho tiền chơi game. Ảnh: BVCC.
Chuyên gia tâm lý Mai Thị Nguyệt cho rằng, hiện nay có rất nhiều trẻ đang bị nghiện game và mạng xã hội. Thói quen xấu này làm trẻ phải trả giá đắt, vì vậy, cha mẹ cần nỗ lực hết sức để giúp con tránh sa đà vào nghiện game và tìm cách "cai" sớm khi phát hiện con có các dấu hiệu nghiện game. Chuyên gia tâm lý cho rằng, để thành công trong việc, cha mẹ cần làm tốt những điều sau:
+ Dành thời gian quan tâm, nhắc nhở và xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ để sớm phát hiện những vấn đề khó khăn, căng thẳng, rối nhiễu tâm lý của con nhằm giải tỏa kịp thời.
+ Dành thời gian tìm hiểu, cùng sử dụng, đặc biệt là hướng dẫn con sử dụng và phòng ngừa tác động xấu từ game, internet cũng như mạng xã hội.
+ Cha mẹ phải gần gũi và lên kế hoạch xây dựng, cách thức kiểm soát mức độ sử dụng các thiết bị điện tử, cùng trẻ thống nhất thực hiện thông qua những cam kết:
- Ngắt kết nối mạng khi không thực sự cần thiết.
- Dùng phần mềm quản lý tự ngắt máy tính, điện thoại.
- Cùng lập thời gian biểu và cho trẻ tham gia các hoạt động bổ ích như giải trí, thể thao, hoạt động theo sở thích, hoạt động tập thể ngoài trời. Trong mỗi hoạt động, cha mẹ luôn có sự hỗ trợ để trẻ thực hiện thành công thời gian đầu. Luôn khuyến khích động viên kịp thời để trẻ có hứng thú tham gia tích cực.
Trong trường hợp con bị nghiện game và có các biểu hiện tiêu cực về tâm sinh lý, cha mẹ cần đưa đi khám sớm để được tư vấn hướng giải quyết kịp thời.
* Tên người mẹ và thiếu niên trong bài đã thay đổi.