Loại củ cực tốt trong mùa đông, ăn sống tốt hơn nấu chín nhưng nhiều người sợ lạnh không dám dùng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 04/01/2023 19:13 PM (GMT+7)

Với vị thanh mát, ngọt vừa và chứa nhiều nước, củ đậu có rất nhiều tại Việt Nam, lại đang vào mùa nhưng nhiều người sợ lạnh không muốn ăn vào mùa đông.

Củ đậu có nhiều ở Việt Nam, giá lại rẻ, có vô số lợi ích cho sức khỏe nhưng nhiều người ngại sử dụng, nhất là vào mùa đông. Nhiều người cho rằng ăn củ đậu vào mùa đông khiến cơ thể lạnh hơn, tích nước nên đi tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng loại củ này không chỉ là món ăn ngon, mà còn có thể làm thuốc chữa bệnh.

Thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết, củ đậu khá đặc biệt vì ngoài nấu chín thì chúng còn ăn được khi mới thu hoạch, và ăn sống thì nguồn dinh dưỡng cao hơn gấp nhiều lần so với nấu chín.

Ông Trung cho biết, trong y học cổ truyền, củ đậu tính mát, vị ngọt giúp thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng. Củ đậu chứa nhiều chất xơ và lượng nước rất cao nên giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn và cung cấp nước cho cơ thể.

Củ đậu cung cấp nhiều nước, vì thế có lợi khi ăn trong mùa đông mà không lo bị lạnh. (Ảnh minh họa)

Củ đậu cung cấp nhiều nước, vì thế có lợi khi ăn trong mùa đông mà không lo bị lạnh. (Ảnh minh họa) 

Ngoài ra, các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng củ đậu có hàm lượng đường glucoza, các vitamin và muối khoáng tốt cho cơ thể như sắt, canxi, phốt pho, vitamin C. Với hàm lượng như vậy, củ đậu được khuyên dùng cho người tăng cholesterol trong máu, tốt cho người mắc bệnh tim mạch nếu ăn đúng cách.

“Loại củ này ăn vào mùa đông rất tốt, ngoài vitamin chúng còn cung cấp nước cho cơ thể, điều này sẽ hạn chế tình trạng khô da, viêm da cơ địa mùa đông. Tiếc rằng nhiều người sợ ăn vào bị lạnh nên không sử dụng”, lương y Vũ Quốc Trung chia sẻ.

Trường hợp không ăn trực tiếp, chúng ta có thể dùng củ đậu để nấu canh, làm nem giúp thanh mát, chống ngán. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyến cáo nên ăn củ đậu tươi, mới thu hoạch tốt hơn là đã qua chế biến dưới nhiệt độ cao.

“Chỉ có lưu ý nhỏ đó là khi ăn củ đậu tươi cần loại bỏ những củ dập nát, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ sơ chế trước khi bỏ vỏ củ đậu. Bởi bản chất củ đậu phát triển dưới đất, nếu không cẩn thận dễ dính tạp chất, vi khuẩn gây hại cho sức khỏe”, lương y Quốc Trung tư vấn.

Một vấn đề nữa vị chuyên gia này cũng lưu ý, nhiều người khi ăn củ đậu tươi thường có thói quen chấm muối hoặc muối ớt, điều này là không nên vì trong củ đậu đã có hàm lượng natri tự nhiên nhất định. Việc chấm muối khi ăn dễ khiến cơ thể thừa muối, gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, không nên tùy tiện sử dụng các bộ phận khác của cây củ đậu nhằm mục đích tăng cường sức khỏe nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia sức khỏe.

Các chuyên gia đều khuyến cáo không chấm muối khi ăn củ đậu vì như vậy cơ thể dễ bị thừa muối.

Các chuyên gia đều khuyến cáo không chấm muối khi ăn củ đậu vì như vậy cơ thể dễ bị thừa muối. 

Dưới đây là một số bài thuốc tham khảo từ củ đậu:

- Giải độc rượu: Cắt nhỏ củ đậu đem trộn với đường cát và ăn sẽ giúp giải rượu vô cùng hiệu quả.

- Giảm vết thâm, mờ tàn nhang, chống nẻ da, giúp da mặt mịn màng, căng bóng: Củ đậu tươi đem giã lấy nước, sau đó rửa sạch mặt, thoa hỗn hợp lên da, massage trong vòng 10 phút rồi rửa lại với nước lạnh giúp giảm thâm, tàn nhang rất tốt.

- Phụ nữ ốm nghén: Ăn củ đậu để bù nước, đồng thời giúp giảm nôn, giảm ốm nghén.

- Chữa ghẻ, da lở loét lâu ngày: Củ đậu giã nhỏ, nấu với dầu vừng, để nguội, bôi hàng ngày. Có thể phối hợp với quả bồ hòn, hạt máu chó với lượng tùy ý. Dùng lá củ đậu giã nát, xát vào chỗ ghẻ cũng có tác dụng chữa ghẻ hiệu quả.

Loại củ được coi là nhân sâm mùa đông nhưng nhiều người kết hợp sai khi nấu lại gây hại cho sức khỏe
Loại củ được ví là nhân sâm trắng hay nhân sâm mùa đông nếu biết cách chế biến, sử dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên khi dùng...

Thực phẩm phòng bệnh

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ths.Lương y Vũ Quốc Trung