Mướp là thực phẩm bổ dưỡng, mang lại giá trị dinh dưỡng cao, phòng được nhiều bệnh nhưng không ít người lo ngại loại quả này bị tồn dư thuốc trừ sâu khi sử dụng.
Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Mướp là loại quả đang vào mùa, được nhiều người sử dụng làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Mướp có thể làm được nhiều món như luộc, xào, nấu canh đều rất bổ dưỡng, nhưng nhiều người lo ngại vấn đề tồn dư hóa chất.
Một tranh luận trên mạng xã hội mới đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, theo đó khi mướp được nấu chín thường có hiện tượng vỏ xanh, ruột thâm khiến một số người cho rằng, đây là biểu hiện bị nhiễm thuốc trừ sâu, chất kích thích. Ngoài ra, một số quả mướp khi gọt vỏ phát hiện những nốt sần cứng, nấu lên ăn bị đắng cũng có thể là do bị tiêm chất kích thích vào trong. Do vậy, họ cho rằng khi thấy mướp có biểu hiện này cần bỏ ngay lập tức.
Mướp luộc bị đen lõi không phải do bị nhiễm hóa chất như nhiều người đồn đoán. Ảnh minh họa.
Không ít người lại cho rằng, đây là hiện tượng bình thường, họ ăn thường xuyên nhưng khi ăn không hề có biểu hiện ngộ độc hay bất thường gì. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, thông tin trên chỉ là phỏng đoán, không có cơ sở khoa học, để chứng minh được thì cách duy nhất là đưa mẫu đi xét nghiệm.
Ông Thịnh khuyên người dân không quá lo lắng, so với một số loại rau như cải, mùng tơi, rau muống thì mướp khá an toàn vì nó có lớp vỏ bảo vệ phía ngoài, đa số khi ăn đều gọt bỏ. Hơn nữa, mướp là quả phát triển nhanh nên không cần thuốc, thực tế một quả mướp đến tuổi thu hoạch nếu không cắt ngay, để qua một đêm sẽ lớn rất nhanh mà không cần kích thích.
Với hiện tượng thâm lõi, ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân dễ lý giải nhất là mướp bị già, có nhiều xơ nên khi nấu lên thường có mầu thâm hơn những quả mướp non. Nguyên nhân thứ hai, do mướp có nhiều chất chống ôxy hóa, giàu vitamin nên khi gọt vỏ, thái (bổ) xong không cho vào nấu ngay chúng dễ bị ôxy hóa khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài và bị thâm. Không chỉ mướp một số loại quả khác cũng gặp trường hợp tương tự như lê, táo… Do vậy, khi thấy mướp có tình trạng này không nên quá lo lắng, hoàn toàn có thể sử dụng được.
Để mướp không bị thâm, mọi người nên nấu ngay sau khi thái. Ảnh minh họa.
Để giải quyết vấn đề này, sau khi thái cần rửa hoặc ngâm mướp với nước vo gạo hoặc nước muối loãng, vì muối có tác dụng ngăn cản quá trình ôxy hóa. Tuy nhiên, nhược điểm là mướp rất mềm, khi ngâm có thể sẽ ngấm nhiều muối, hơn nữa việc thái nhỏ ngâm nước cũng sẽ làm hao hụt vitamin.
“Tốt nhất, mọi người đợi khi gần nấu mới gọt vỏ, sau đó rửa sạch quả mướp đã gọt, đợi nước sôi hoặc khi xào đồ mới cắt vào để chế biến sẽ hạn chế việc bị thâm đen. Còn việc mướp ăn bị đắng, đó có thể là do bị côn trùng châm. Khi đó, mướp sẽ tự tiết ra miễn dịch để bảo vệ và những điểm đó thường bị cứng và ăn có vị đắng. Nếu thấy hiện tượng này thì nên loại bỏ ngay từ khâu sơ chế”, ông Thịnh cho hay.
Dưới đây là một số công dụng của mướp:
Theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng điều kinh, chỉ đới, bình can tức phong, thanh nhiệt, nhuận da, thông kinh lạc, thông đại tiểu tiện, hành huyết mạch. Mướp già đốt tồn tính, dùng làm thuốc có thể khử phong, hóa đờm, lương huyết, giải độc, sát khuẩn, thông kinh lạc, thông sữa. Ngoài ra, mướp còn giúp giải nhiệt trừ phiền, làm nhuận da, trị chứng khát bệnh nhiệt, trị thân nhiệt phiền táo.
Y dược học hiện đại phát hiện quả, lá, dây của cây mướp đều có thể chữa bệnh. Từ mướp có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, đồ uống giải khát và chữa bệnh. Trong quả mướp có chứa nhiều nước, protid, lipid, glucid, xenlulo, canxi, photpho, sắt, beta-caroten, B1, B6, B2, C…
Không nên ăn sống mướp, những người có cơ địa dị ứng, người có thể trạng yếu lạnh không nên ăn loại quả này. Những người bị tiêu chảy, kiết lỵ cũng tránh ăn mướp vì loại thực phẩm này có thể làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
Tin liên quan
Ăn cơm xong nên nằm, ngồi hay đi lại? Điều mọi người nghĩ sẽ gây hại nhưng bác sĩ lại khuyên nên làm
Sau bữa ăn, mọi người thường có thói quen ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi vì nghĩ như vậy sẽ đỡ đau dạ dày, điều này có thực sự tốt cho sức khỏe hay...
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Với thịt lợn khi đã ướp gia vị, bảo quản trong tủ lạnh thì nên để trong thời gian bao lâu là hợp lý? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về...
Uống loại nước ép này mỗi ngày có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, hen suyễn, tăng cường tiêu hóa thậm chí phòng cả ung thư.
Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm
Lạc (đậu phộng) là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có những tác dụng phụ tiềm ẩn cần lưu ý.