Thiết bị điện tử hiện không thể thiếu để phục vụ nhu cầu học tập, kết nối của nhiều học sinh. Tuy nhiên, có không ít trường hợp lạm dụng những thiết bị này khiến sức khỏe, tâm lý, thậm chí là cả tính mạng bị ảnh hưởng.
Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cái kết đau lòng khi bố mẹ muốn con “đoạn tuyệt” với điện thoại
Thiết bị điện tử như tivi, máy tính hay điện thoại đều có vai trò rất lớn giúp học sinh tiếp cận thông tin, kiến thức và kết nối với bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ tốt khi sử dụng đúng cách, ngược lại nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng mục đích sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe của trẻ.
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, không ít trường hợp đến viện khám tư vấn, thậm chí cấp cứu liên quan đến việc sử dụng điện thoại. “Đa số bố mẹ đều muốn tốt cho con nên ngăn cấm con sử dụng điện thoại, nhưng phương pháp thực hiện lại chưa phù hợp khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương và thực hiện hành vi gây hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Loan cho hay.
Muốn hạn chế con sử dụng điện thoại cần có biện pháp thích hợp, tránh cấm đoán cực đoan ngay. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ tại khoa Sức khỏe vị thành niên từng cấp cứu một nữ sinh lớp 8, nhập viện do dùng thuốc paracetamol liều cao để tự tử. Theo chia sẻ của gia đình, khi phát hiện nữ sinh dùng điện thoại quá nhiều không vì mục đích học tập, chủ yếu nói chuyện kết nối với bạn trên mạng xã hội, tham gia các hội nhóm trên mạng… gia đình đã tịch thu thiết bị. Lần đầu tiên bị thu điện thoại, nữ sinh đã phản ứng bằng cách bỏ nhà ra đi.
Sau lần đó, nữ sinh này “ngoan” được một thời gian rồi tiếp tục dùng điện thoại không ngừng nghỉ, ảnh hưởng đến học tập. Thấy vậy, mẹ đã thu điện thoại và dạy dỗ bằng cách đánh đòn. Trong cơn tức giận, nữ sinh đã uống 20 viên thuốc paracetamol và 1 vỉ kháng sinh có sẵn trong nhà.
Gia đình phát hiện ngay sau đó nên đã đưa đến bệnh viện gần nhà rửa dạ dày, rồi tiếp tục đưa tới BV Nhi Trung ương cấp cứu, điều trị. Tại đây, sau khi ổn định sức khỏe, nữ sinh chia sẻ với bác sĩ: “Do tức và ức chế vì bị mẹ đánh nên cháu mới uống thuốc tự tử”.
Ngay cả khi trẻ nghiện game, bố mẹ can thiệp không đúng cách có thể ảnh hưởng tâm lý trẻ, dẫn tới hậu quả đau lòng. (Ảnh minh họa)
Không may mắn như nữ sinh trên, một bé trai 12 tuổi cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi dùng điện thoại để chơi game triền miên. Nhiều lần khuyên bảo nhưng thấy con trai chỉ vâng để đó, người mẹ lắp camera trong phòng để giám sát.
Thấy sự riêng tự bị xâm phạm, bé trai đã bán “con game” mà mình yêu thích cho các bạn như một lời “tạm biệt”, sau đó dùng một chiếc khăn để tự tử trong phòng tắm. Khi mẹ phát hiện thì con trai đã tím tái, ngừng thở và được đưa đi cấp cứu. Khi tới BV Nhi Trung ương, bé trai này đã hôn mê sâu, mất hết phản xạ, thiếu oxy não do ngạt thở. Bệnh nhi được điều trị 2 tuần ở viện nhưng không hiệu quả nên gia đình đã xin cho cháu về.
Bố mẹ hãy là bạn đồng hành và cần hiểu tâm lý trẻ
Từ những câu chuyện trên, bác sĩ Đỗ Minh Loan cho biết, không chỉ trẻ vị thành niên mà ngay cả người lớn cũng bị “nghiện” điện thoại và thực tế cho thấy, việc cai điện thoại rất khó khăn, cần có thời gian và phương pháp chứ không phải chỉ cấm đoán hay nói bỏ là bỏ được ngay.
“Bố mẹ luôn muốn con bỏ điện thoại tập trung vào học tập, nhưng bản thân lại luôn cầm điện thoại trên tay thì rất khó để giải quyết vấn đề”, bác sĩ Loan cho hay.
TS Minh Loan cho biết không chỉ trẻ vị thành niên, ngay chính bố mẹ cũng cần được chuyên gia tư vấn về cách can thiệp với trẻ để tránh xảy ra xung đột.
Do vậy, bác sĩ Loan tư vấn phụ huynh cần làm gương, sau đó phân tích cho con ở độ tuổi vị thành niên về những tác hại của điện thoại nếu xem quá nhiều. Cha mẹ cần nhận thức bản thân chính là người thầy cô tốt nhất của con cái, không nên vừa xem điện thoại vừa ăn cơm, ngồi cạnh con vẫn xem điện thoại.
Trường hợp trẻ nghiện điện thoại, cần phải tiếp cận một cách nhẹ nhàng, không nên quá gay gắt, cấm đoán sẽ khiến trẻ bị sang chấn tâm lý, cảm thấy thiếu được tôn trọng và dễ nghĩ quẩn. “Tuổi vị thành niên có rất nhiều thay đổi về tâm lý, các cháu đang muốn khẳng định sự độc lập của mình, có xu hướng tách rời khỏi bố mẹ, muốn thể hiện năng lực của bản thân nên cần có sự chăm sóc phù hợp với thay đổi tâm lý của lứa tuổi
Thay vì cấm đoán, cắt đứt trẻ với điện thoại thì nên “giao kèo” thời gian xem nhất định, sau thời gian đó thì gần con, quan tâm để con thấy được rằng xa điện thoại là thú vị chứ không nhàm chán”, TS Minh Loan tư vấn.
Bố mẹ hãy dành thời gian bên con, vừa kết nối tình cảm, vừa giúp trẻ tránh xa điện thoại. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ đã "nghiện" điện thoại, nếu để mặc sẽ khiến trẻ rơi vào thế giới ảo, hạn chế khả năng giao tiếp và tiếp xúc, đó là chưa kể việc trẻ bắt chước và học theo cái xấu, cái độc trên mạng. Ngược lại, việc cấm đoán trẻ một cách cực đoan, ngay lập tức có thể khiến con bị tổn thương, dẫn đến stress, trầm cảm dễ để lại hậu quả xấu.
“Cấm đoán không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, bởi internet và mạng xã hội là xu thế hiện nay, giúp trẻ nhiều trong học tập. Để trẻ không lún quá sâu vào thế giới ảo, bố mẹ phải luôn coi mình là bạn của con, đồng hành cùng con và hơn thế nữa là tạo điều kiện, tạo sân chơi cho trẻ được phát huy khả năng, sở trường ở ngoài xã hội thay vì lên mạng”, TS Minh Loan tư vấn.
Thay vi cấm đoán, cha mẹ hãy tham khảo một số cách dưới đây để giúp trẻ không lạm dụng, dẫn đến nghiện điện thoại: - Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Các khảo sát đã chứng minh, mối quan hệ giữa cha mẹ và các con càng kém và lỏng lẻo thì trẻ càng dễ nghiện thiết bị điện tử, trò chơi trực tuyến. Nếu có mối quan hệ tốt, trẻ sẽ xa dần thiết bị điện tử để được vui chơi, trò chuyện, tâm sự với bố mẹ. - Thảo luận và thống nhất đưa ra quy tắc sử dụng điện thoại di động với trẻ, về thời lượng, nơi chốn được xem điện thoại. - Nuôi dưỡng một số sở thích lành mạnh, để trẻ tìm thấy một cái gì đó thú vị hơn điện thoại di động. Ví dụ như định hướng vào sở thích, năng khiếu để trẻ phát huy như đá bóng, đánh cờ, học múa, học đàn… - Tính nêu gương của bố mẹ là rất quan trọng. Nếu muốn con hạn chế dùng điện thoại, bố mẹ cần phải thực hiện trước và làm gương. Nên kiểm soát việc dùng điện thoại trước mặt con, trừ khi quá cần thiết như xử lý công việc hay có việc gấp thật sự. |
Tin liên quan
Dùng điện thoại khi đang sạc, nam thanh niên bị mất thị lực, cháy xém toàn thân và tổn thương nhiều cơ quan vì bị tai nạn.
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Sau khi rút sạc điện thoại để chơi, bé gái hơn 2 tuổi đã bị điện giật và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ (AOA), 83% bác sĩ nhận thấy sự gia tăng các vấn đề thị lực liên quan đến thời gian sử...
Tin bài cùng chủ đề Trẻ tuổi dậy thì
Chồng trách cứ tôi cứ vội vàng hấp tấp lại khiến con bé làm chuyện dại dột thì hối hận cả đời.