Với rất nhiều người, mận chỉ là loại quả ăn chơi, hoặc một số người ngâm lấy nước dùng để giải khát, tuy nhiên ít ai biết được rằng đây còn là vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh.
Mận là loại quả có theo mùa và có rất nhiều loại khác nhau nhưng đều “được lòng” của các chị em bởi vị chua chua, giòn và ngọt hậu. Khi ăn mận có thể dùng trực tiếp cả quả tươi, hoặc cắt nhỏ từng miếng lắc với muối ớt, nhiều người ngâm với đường làm siro… Mỗi cách thưởng thức mang lại hương vị và cảm nhận khác nhau.
Nếu biết cách sử dụng, mận không chỉ là món ngon mà còn bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Quả mận chứa ít calo, giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh. Không chỉ phần quả, ngay cả nhựa mận, vỏ cây mận, hạt quả mận cũng đều có tác dụng chữa bệnh.
Mận không chỉ là loại quả ăn chơi, mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong đông y, quả mận vị chua chát, tính bình, có tác dụng bổ xương, chủ trị đau xương khớp. “Cả quả, nhân hạt, lá, nhựa, vỏ cây mận đều có thể làm thuốc. Cụ thể, lá mận dùng giải cảm, nhựa cây mận chủ trị sưng đau mắt, vỏ cây mận chủ trị đau răng, mụn lở...
Bộ phận khi ăn mận ai cũng vứt đi đó là hạt mận, nhưng đây là một vị thuốc với tên gọi úc lý nhân, có vị đắng tính bình, tác dụng lợi tràng, hoạt huyết, chủ trị chấn thương. Hoa mận có mùi, vị đắng, chủ trị tàn nhang, rám má”, ông Sáng cho hay.
Còn nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, quả mận chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, chống viêm... giúp tăng cường trí nhớ, thanh lọc máu, tốt cho xương khớp, hỗ trợ giảm cân. Mận cũng là một phương thuốc hỗ trợ điều trị táo bón, tiểu đường và thậm chí có thể ngăn ngừa bệnh tim và ung thư.
“Hàm lượng vitamin C trong mận giúp ngăn ngừa cholesterol bị oxy hóa trong động mạch, đào thải những cholesterol xấu ra ngoài cơ thể. Nhờ vậy, ăn mận có thể ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và hen suyễn”, vị chuyên gia này chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mận được rất nhiều người yêu thích, nhất là chị em, nhưng chỉ nên ăn với số lượng vừa phải để không gây tác dụng phụ. Đặc biệt, một thói quen rất nhiều người làm khi ăn mận đó là chấm muối hoặc dầm muối ớt, việc này là không nên vì như vậy vô tình chúng ta nạp lượng muối khá lớn vào cơ thể và không tốt cho sức khỏe.
Các chuyên gia cảnh báo không nên ăn nhiều mận hoặc chấm hay dầm quá nhiều muối ớt.
Lương y Đắc Sáng cũng cho rằng, dù có nhiều tác dụng nhưng mận ăn nhiều lại không hề tốt cho sức khỏe, người trưởng thành bình thường mỗi ngày chỉ nên ăn 10 quả mận, một số trường hợp sau không nên hoặc hạn chế ăn mận:
- Người bệnh thận: Những người có bệnh lý liên quan đến thận tốt nhất không nên ăn. Nguyên nhân là trong quả mận có chứa nhiều chất oxalate. Chất này có thể gây cản trở hấp thụ canxi trong cơ thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận. Đây chính là nguyên nhân gây sỏi thận và sỏi bàng quang.
- Người có cơ địa nóng: Mận có tính nóng, do vậy ăn nhiều sẽ gây nên hiện tượng nóng trong, nhiệt miện, gây rôm hoặc mụn nhọt. Vì thế người có cơ địa dạng nhiệt thì không nên ăn mận, bỏi ăn ít cũng có thể gây tác dụng phụ.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai thường có thân nhiệt nóng hơn bình thường không nên ăn nhiều mận vì có thể sinh phát ban, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Không ăn khi đói bụng: Mận có tính axít cao nên ăn khi đói có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày, gây ra những triệu chứng cồn cào, khó chịu.
Tin liên quan
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Tin bài cùng chủ đề Lương y Bùi Đắc Sáng
Loại rau này được ví như “vầng trăng”, ở Nhật Bản có giá khá đắt đỏ, còn tại Việt Nam có rất nhiều nhưng đa số bị vứt bỏ hoặc để chăn nuôi, rất ít người dùng dù rất tốt cho sức khỏe.