Dù là loại quả lành tính, nhưng khi sử dụng phải hết sức lưu ý nếu không sẽ gây nguy hại với sức khỏe, thậm chí là gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Tháng 8 là mùa thu hoạch quả na, nên loại quả này được bán ở nhiều nơi. Na là quả lành tính, giàu dinh dưỡng nên sử dụng đúng cách sẽ tốt cho sức khỏe. Trong bài nghiên cứu "Khám phá toàn cảnh dinh dưỡng của thực phẩm" đăng trên tạp chí khoa học PLOS One (Mỹ), bốn nhà khoa học Hàn Quốc ở Đại học Khoa học và công nghệ Pohang đã phân loại hơn 1.000 loại thực phẩm theo lượng calo và chất dinh dưỡng. Trong đó quả na (mãng cầu) được xếp hạng thứ hai về độ giàu dinh dưỡng và vitamin, chỉ sau hạt hạnh nhân.
Theo đó, nếu so sánh cùng trọng lượng là 100g phần ăn được, lượng vitamin C của quả na gấp 34 lần táo. Chất xơ trong quả na gấp 1,6 lần chuối, chính lượng chất xơ dồi dào giúp nhu động đường ruột trơn tru, cũng như các ion kali có thể duy trì sức khỏe tim mạch.
Quả na được đánh giá là giàu dinh dưỡng và vitamin thứ hai chỉ đứng sau hạt hạnh nhân. Ảnh minh họa.
Lượng đường có trong quả na cũng rất lớn, khi một quả na kích cỡ trung bình có lượng đường tương đương một bát cơm. Ngoài ra chúng còn giàu sắt, có thể giúp điều trị bệnh thiếu máu. Vì chứa nhiều dinh dưỡng nên các nhà khoa học khuyến cáo nên ăn na thường xuyên, trừ một số người thừa cân, béo phì hoặc tiểu đường khi ăn cần có tư vấn của bác sĩ.
Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Hội đông y Hà Nội) cho biết, dù na có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng khi sử dụng để ăn hoặc làm thuốc cần hết sức chú ý, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
3 điều lưu ý khi ăn quả na được nhà khoa học Bùi Đắc Sáng tư vấn như sau:
Thứ nhất, không ăn na chín quá kỹ, có hiện tượng nứt nẻ: Theo ông Sáng, na hiện được trồng tập trung khá nhiều và dễ bị sâu bệnh tấn công, nhất là khi quả già, các mắt na mở. Để đảm bảo năng suất cũng như quá trình bảo quản, người trồng hoặc tiểu thương có thể sẽ dùng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản khi vận chuyển. Khi đó, hóa chất dễ ngấm vào trong thịt quả na, khi ăn dễ gây độc hại với cơ thể.
Lời khuyên: Nên chọn quả na già, chín tới, không mua quả na đã chín kỹ, ấn mềm tay. Khi mua na nên quan sát kỹ bề mặt phía ngoài, với những quả na bị thối, nẻ hay mắt bị lật không nên lựa chọn. Vì ngoài hóa chất, chúng còn dễ bị các loại giòi bọ tấn công và phát triển bên trong.
Na dễ bị sâu bệnh, ký sinh trùng tấn công nên nguy cơ dùng hóa chất khá cao. Ảnh minh họa.
Thứ hai, nguy cơ hóc dị vật rất lớn: Đặc điểm của quả na là hạt ẩn sâu bên trong các múi, thớ thịt do vậy người già, trẻ nhỏ dễ bị hóc hạt na vào đường thở khi ăn. Thực tế, đã có không ít trẻ nguy kịch, thậm chí tử vong do hóc hạt na.
Lời khuyên: Cần tách hạt trước khi cho trẻ hoặc người có chức năng nhai, nuốt kém sử dụng. Trường hợp hóc hạt na, cần bình tĩnh lấy dị vật ra ngoài đúng cách, tốt nhất nên gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm, càng tốt.
Thứ ba, không tự ý dùng hạt na làm thuốc: Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, hạt na là một vị thuốc trong dân gian, nhưng hạt na rất độc, nhất là khi nhai nát hoặc dùng làm thuốc. Theo đó, hạt na có thể gây ngộ độc đường tiêu hoá nếu nhai nát và nuốt phải.
Trong đông y, hạt na có công dụng làm thuốc diệt côn trùng, chấy, rận… nên mọi người vẫn truyền tai nhau bài thuốc dùng hạt na để gội đầu. Tuy nhiên, nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho rằng, nếu làm không đúng hướng dẫn dễ khiến mù mắt vì độc tính trong hạt na có thể gây loét, bỏng giác mạc.
Hạt na có thể dùng làm thuốc, nhưng dùng không đúng cách có thể gây mù mắt. Ảnh minh họa.
Mới đây nhất, ngày 23/8, các bác sĩ Phòng khám Mắt, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, mới tiếp nhận một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hai mắt kích thích, mi mắt sưng nề đỏ, giác mạc phù. Nguyên nhân là do trước đó, bố mẹ đã đập giập hạt na sau đó đun nước cho trẻ gội đầu, không may nước hạt na chảy vào mắt gây nên những tổn thương trên.
Trường hợp có vết thương hở nếu không may bị độc tố trong hạt na dính vào sẽ dễ dẫn đến lở loét, viêm nhiễm nặng nề, hủy hoại vùng da đang bị thương tổn.
Lời khuyên: Ông Sáng cho biết, tốt nhất không tự ý dùng hạt na nếu không có tư vấn, hướng dẫn của người có chuyên môn.