Rau ngót là kho vitamin C, mang nhiều lợi ích đáng kinh ngạc nhưng có tác dụng phụ đáng sợ ai cũng nên biết

Ngày 26/08/2023 14:00 PM (GMT+7)

Rau ngót rất bình dị và quen thuộc, giá chỉ vài nghìn đồng một bó nhưng có vô số tác dụng tốt cho sức khỏe, chứa lượng vitamin C cao hơn cả cam, ổi.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, về những lợi ích sức khỏe của rau ngót và lưu ý khi sử dụng để tránh tác dụng phụ ít biết:     

Giá trị dinh dưỡng của rau ngót

Rau ngót còn được gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần (Trung Quốc). Loại rau này mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam để lấy lá nấu canh. Khi làm thuốc, người ta thường chọn những cây rau ngót đã sống 2 năm trở lên.

Một số nghiên cứu về thành phần hóa học của rau ngót cho thấy: Trong 100g rau có 6,5g đạm; 0,08g chất béo; 9g đường; 503mg kali; 15,7mg sắt; 13,5mg mangan; 0,45mg đồng, 23.300UI beta carotene; 85mg sinh tố C; 0,033mg B1; 0,88mg B2. 

Như vậy có thể thấy rau ngót (so với các rau lá khác) nhiều đạm, chất sắt, mangan và tiền sinh tố A. Rau ngót cũng khá nhiều magie, đồng, kali, sinh tố C và PP. Về axit amin thì trong 100g rau ngót có 0,34 threonine; 0,25g phenylalanin; 0,24g leucin; 0,23g isoleucin; 0,16g lysin; 0,13g methionin; 0,05g tryptophan. 

Rau ngót rất phổ biến ở nước ta. (Ảnh minh họa)

Rau ngót rất phổ biến ở nước ta. (Ảnh minh họa)

Với chất lượng đạm thực vật cao như vậy nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Rau ngót được khuyên dùng cho người giảm cân và người bị bệnh đường huyết cao. Ngoài ra rau ngót là một trong những thực phẩm trong giới thực vật hiếm có chứa vitamin K. Theo American of Clinical Nutrition 1/1999 và tài liệu của Trường đại học Berkeley 7/1999, ăn rau có vitamin K thiên nhiên làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già, do nó bảo vệ cấu trúc khung sụn chống lại sự bào mòn... 

Từ năm 1973 Pareira và Ifafar phát hiện trong rau ngót chứa nhiều papaverin - là chất từ trước chỉ tìm thấy trong cây thuốc phiện. Trong điều trị, dùng papaverin để giãn cơ trơn của mạch máu làm giảm cơn đau phủ tạng, hạ huyết áp và gây cương cứng dương vật. Cứ 100g rau ngót có 580mg papaverin, cho nên nếu ăn quá nhiều rau ngót trong một bữa cơm thì về lý thuyết có thể gặp các phản ứng phụ do papaverin gây ra.

Những lợi ích của rau ngót, theo nghiên cứu của y học hiện đại

Khơi thông nguồn sữa

Từ góc độ dinh dưỡng, lá rau ngót có giá trị dinh dưỡng tốt, chẳng hạn như protein, canxi, chất béo, phốt pho, sắt, vitamin A, B, và C. Lá rau ngót cũng chứa một số hợp chất béo. Thưởng thức rau ngót có thể giúp bà mẹ tăng lượng sữa, điều này là do bắt nguồn từ những tác động nội tiết của các hợp chất hoá học sterols có tính chất estrogen. 

Rau ngót cũng chứa chất ephedrin rất tốt cho những người bị cúm. Nguồn vitamin C trong lá rau ngót thậm chí cao hơn nhiều so với cam hoặc ổi, do đó rau ngót được các nhà khoa học biết đến như là một nguồn cung cấp vitamin C rất cao.

Giảm nguy cơ viêm nhiễm

Vitamin C được biết đến như một hợp chất chính cơ thể cần thiết trong một loạt các quy trình quan trọng, từ việc sản xuất collagen (protein hình sợi để hình thành mô liên kết trong xương), vận chuyển chất béo, vận chuyển điện tử từ một số phản ứng enzyme, nướu răng siêu khỏe mạnh, điều chỉnh nồng độ cholesterol, và miễn dịch. 

Ngoài ra, vitamin C trong cơ thể là yếu tố cần thiết để chữa lành vết thương và cải thiện chức năng não để chúng ta đạt được cường độ làm việc tối ưu.

Canh rau ngót nấu thịt băm là món ngon, giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)

Canh rau ngót nấu thịt băm là món ngon, giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)

Tăng cường hệ miễn dịch

Ngoài ra, lá rau ngót cũng là một nguồn vitamin A là tương đối cao. Vitamin A cần thiết cho cơ thể để ngăn ngừa các bệnh về mắt, tăng trưởng tế bào, hệ miễn dịch, sinh sản, và duy trì làn da khỏe mạnh. 

Nguồn cung cấp canxi

Lá rau ngót có một mức canxi rất tốt. Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng nhất cần thiết cho cơ thể. Tiêu thụ canxi ít hơn nhu cầu có thể khiến bộ xương kém vững chắc và hoàn thiện, đặc biệt là bệnh loãng xương ở tuổi trẻ, thường xảy ra ở phụ nữ. Cao huyết áp cũng có thể do mức canxi trong máu thấp.

Khơi dậy ham muốn

Lá rau ngót cũng rất giàu các hợp chất có thể tăng chất lượng và số lượng tinh trùng, bao gồm cả khơi dậy tiềm năng và khả năng tình dục.

Y học cổ truyền sử dụng rau ngót thế nào? 

Theo Y học cổ truyền, rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt. Rau có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rau ngót là thang thuốc "công bổ kiêm thi" (vừa công vừa bổ) "vừa phù chính vừa khu tà" (nâng đỡ chính khí, trừ tà khí) vừa tăng sức đề kháng của cơ thể, vừa chống lại nguyên nhân bệnh từ bên ngoài xâm hại cơ thể.

Lá rau ngót ngoài công dụng nấu canh, còn là một vị thuốc nhân dân dùng làm chữa sót nhau và chữa tưa lưỡi. Cách dùng như sau:

Chữa sót nhau: Hái khoảng 40g lá rau ngót rửa sạch giã nát. Thêm ít nước đã đun sôi để nguội vào, vắt lấy chừng 100ml nước. Chia làm hai lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút, sau chừng 15-20 phút nhau sẽ ra.

Chữa chậm kinh: Giã nhỏ rau ngót, vắt lấy nước uống, bã đắp vào gan bàn chân.

Nước rau ngót sống có thể mang tới tác dụng phụ đáng sợ nên cần thận trọng khi dùng. (Ảnh minh họa)

Nước rau ngót sống có thể mang tới tác dụng phụ đáng sợ nên cần thận trọng khi dùng. (Ảnh minh họa)

Chữa tưa lưỡi: Giã nát khoảng 5-15g rau ngót tươi, vắt lấy nước, thấm vào bông đánh lên lưỡi, lợi và vòm miệng trẻ em, chỉ hai ngày sau là trẻ bú được.

Chữa hóc: Giã cây tươi, vắt lấy nước ngậm.

Làm canh giải nhiệt mùa hè: Rau ngót nấu canh với hến, mát và ngọt đậm đà. Phối hợp này lạnh nên cần cho thêm lát gừng hoặc nên kiêng với người hư hàn. 

Chữa cốt thống (nhức trong xương, không phải sưng đau khớp): Nấu rau ngót với xương lợn (không dùng xương sườn lợn theo ý người xưa có lẽ phải có ống tủy...). 

Chữa trẻ bị âm hư ra mồ hôi trộm, người luôn nóng: Rau ngót 30g, rau bầu đất 30g, nấu với bầu dục lợn. 

Chữa bàn chân sưng nhức: Lá rau ngót giã với nước muối đắp. 

Chữa cẳng chân bị lở dai dẳng: Rau ngót 2 phần, vôi đá một phần giã nhuyễn đắp ngày 1 lần. 

Chữa chảy máu cam: Giã rau ngót thêm nước, ít đường để uống, bã gói vào vải đặt lên mũi. 

Lưu ý khi sử dụng rau ngót

Rau ngót tươi có hàm lượng papaverin cao gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, khiến dễ sảy thai. Chính vì vậy thai phụ, đặc biệt là những người có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót, đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.

Ngoài việc hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể, glucocorticoid là kết quả của quá trình trao đổi chất của lá rau ngót có thể gây cản trở cho quá trình hấp thụ canxi và phốt pho, cả canxi và phốt pho có trong chính lá rau ngót cũng như trong thực phẩm khác được ăn kèm với rau ngót.

Tại Đài Loan, đã có báo cáo rằng trong những người uống nước ép lá rau ngót (150g) trong 2 tuần đến 7 tháng đã xảy ra tác dụng phụ như có triệu chứng khó ngủ, ăn uống kém đi và khó thở. Tuy nhiên, những triệu chứng này biến mất sau một ngày ngừng tiêu thụ nước ép lá rau ngót. Quá trình đun sôi cũng có thể làm giảm những tác động tiêu cực của lá rau ngót. Rau ngót nên được ăn ngay sau khi nấu.

Theo BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm tốt cho sức khỏe