Thấy con 9 tuổi phổng phao, mẹ định cho tiêm thuốc "hoãn" dậy thì, bác sĩ lắc đầu, chỉ ra cách tốt hơn mà không tốn

DIỆU THUẦN - Ngày 29/03/2024 09:27 AM (GMT+7)

Con gái 9 tuổi có các dấu hiệu dậy thì, người mẹ mong muốn được tiêm hormone để làm chậm quá trình dậy thì và giúp con có thể đạt chiều cao như ý nhưng bác sĩ không đồng ý.

Muốn con dậy thì muộn để có nhiều cơ hội phát triển chiều cao

Con gái lớn chị Nguyễn Dương (39 tuổi) hiện 9 tuổi, học lớp 4 ở một trường tiểu học tại TP.HCM. Chị cho biết, từ nhỏ, sức khỏe bé gái hoàn toàn bình thường, ít bị bệnh vặt nên chị khá yên tâm. Tuy nhiên, vợ chồng chị cùng có chiều cao khiêm tốn nên chị muốn cả hai con sẽ được cải thiện vấn đề này. Bởi thế, mỗi ngày, ngoài cho con dùng sữa, ăn uống các thực phẩm giúp tăng trưởng chiều cao, chị còn cho con tham gia các môn thể thao. Nhờ vậy, ở tuổi lên 9, con gái chị nặng 28kg, cao hơn 1m40. "Chiều cao của con vượt mức chuẩn của các bé cùng tuổi", chị Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, mới đây, chị thấy con gái thường xuyên kêu đau ngực, sờ thấy có một cục cứng. Đây là dấu ở bé gái trong giai đoạn tiền dậy thì nên chị Dương lo lắng và lên mạng tìm hiểu thông tin. 

Chị Dương muốn kìm hãm con dậy thì để tập trung phát triển chiều cao. Ảnh minh họa.

Chị Dương muốn "kìm hãm" con dậy thì để tập trung phát triển chiều cao. Ảnh minh họa.

“Tôi đọc thấy có trường hợp trẻ dậy thì sớm phải điều trị, hiện nay phương pháp chủ yếu là tiêm hormone làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinh dục thứ phát - GnRH. Khi tiêm hormone vào cơ thể, nó sẽ ức chế hoạt động của các tuyến nội tiết, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng và dậy thì, vì thế trẻ vẫn có thể đạt được chiều cao tối ưu. Các áp lực tâm sinh lý và những nguy cơ khác cũng được hạn chế, giúp trẻ phát triển đúng độ tuổi”, chị Dương chia sẻ thông tin mình đọc được.

Chị Dương muốn đưa con đi tiêm hormone này để bé dậy thì muộn hơn. “Với bé gái, trước 8 tuổi mới được coi là dậy thì sớm. Dù con gái đã hơn 9 tuổi, tôi vẫn thấy con còn quá nhỏ để chuẩn bị tâm lý cho việc này. Hơn nữa, nếu trì hoãn dậy thì, con sẽ có điều kiện phát triển chiều cao hơn", chị giải thích. 

Tuy nhiên, khi đưa con đến một bệnh viện nhi để can thiệp, yêu cầu của chị Dương không được bác sĩ đồng ý. Khi chia sẻ vấn đề này lên mạng xã hội, chị Dương được nhiều người khuyên không nên can thiệp, vì con gái chị 9 tuổi và đã bước vào giai đoạn tiền dậy thì. Một dược sĩ đang làm việc tại một bệnh viện ở TP.HCM cũng khuyên chị Dương nên tập trung phát triển chiều cao cho con bằng thực phẩm và vận động thể thao nhiều hơn.

Theo BS.CKII Hoàng Ngọc Quý, trưởng Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), dậy thì sớm ở trẻ em ngày càng phổ biến và là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm. Tuổi khởi phát dậy thì có khuynh hướng ngày càng sớm so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây. Theo đó, tuổi được xem dậy thì sớm ở bé gái là 8 tuổi, còn bé trai là 9 tuổi.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, hiện Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho hơn 400 trẻ dậy thì sớm. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, hiện Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho hơn 400 trẻ dậy thì sớm. Ảnh: BVCC. 

Khi dậy thì sớm, trẻ sẽ xuất hiện các đặc tính sinh dục thứ phát như tuyến vú phát triển, có kinh nguyệt ở bé gái. Còn ở bé trai là tinh hoàn, dương vật sẽ dần to lên. Ngoài ra, trẻ còn có các dấu hiệu như mọc lông vùng kín, lông nách, có mùi hôi, vỡ giọng và mụn trứng cá… Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ ở bé gái là từ 10,5-11 tuổi và ở bé trai là 11,5-12 tuổi.

Hãy giúp con có lối sống, ăn uống lành mạnh và thường xuyên vận động

Theo bác sĩ Quý, vốn dĩ, nhiều cha mẹ không muốn con dậy thì sớm là sợ con bị ảnh hưởng tâm lý, dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình, nhất là các bé gái. Tuy nhiên, chỉ có những trẻ dậy thì lúc nhỏ hơn 6 tuổi, dậy thì tiến triển nhanh hoặc bị rối loạn tâm lý xã hội đáng kể mới được điều trị bằng thuốc để làm chậm lại. Quyết định điều trị còn tuỳ thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao, ước lượng chiều cao cuối cùng của trẻ và phải có sự giám sát của nhân viên y tế.

Bác sĩ Quý cũng cho rằng, hầu hết nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là nguyên nhân trung ương và vô căn. Từng khám và điều trị cho trẻ gặp tình trạng này, bác sĩ Quý nhận thấy, không ít gia đình quyết định không can thiệp bằng thuốc mà muốn con phát triển tự nhiên. Việc đưa con đi khám dậy thì là cha mẹ chỉ muốn biết cơ thể của con mình có bị bệnh gì hay không.

Bác sĩ Quý khuyến cáo, thuốc điều trị dậy thì sớm chỉ phù hợp với trẻ đã dậy thì trước 6 tuổi, dậy thì quá nhanh và bị ảnh hưởng tâm lý liên quan đến vấn đề này. Với trẻ chưa dậy thì, sức khỏe bình thường thì không được tự ý sử dụng thuốc.

Theo các bác sĩ, cha mẹ nói chuyện với con nhiều hơn cũng là cách rất tốt giúp con sẵn sàng tâm lý cho tuổi dậy thì. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, cha mẹ nói chuyện với con nhiều hơn cũng là cách rất tốt giúp con sẵn sàng tâm lý cho tuổi dậy thì. Ảnh minh họa.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cũng khuyến cáo, không chỉ chị Dương mà nhiều cha mẹ có con bước vào giai đoạn tiền dậy thì, muốn đi tiêm thuốc làm chậm quá trình dậy thì cho con và viêc này là không nên.

Theo bác sĩ Trụ, để phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, phù hợp độ tuổi: Trẻ cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết (chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất) để cơ thể phát triển một cách toàn diện. Cần tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày nhằm giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Đặc biệt, trẻ nên hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng.

- Giúp con xây dựng thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên để tiêu hao năng lượng, từ đó, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe khoắn, tăng sức đề kháng. Một số bộ môn thể thao được khuyến khích cho trẻ như bơi lội, nhảy dây, đá cầu, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ…

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm, mỹ phẩm, thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa estrogen hoặc testosterone hay các chất có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh các loại hormone dẫn đến dậy thì sớm.

- Kiểm soát cân nặng của trẻ, tránh để trẻ thừa cân, béo phì. Một số nghiên cứu cho thấy béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.

- Ngoài ra, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để tâm sự, giúp trẻ hiểu rõ về dậy thì sớm và có cách xử lý các vấn đề về cảm xúc một cách hợp lý, tránh gây ra những hành động bồng bột, ảnh hưởng đến tương lai. Bên cạnh đó, trẻ cần được giáo dục giới tính phù hợp để có cái nhìn đúng về giới tính, các mối quan hệ xã hội và tình dục.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Bé gái 14 tuổi quan hệ với bạn trai trong nhà hoang: Ham muốn tình dục tuổi dậy thì và điều cha mẹ cần làm
Bước vào tuổi dậy thì, dưới ảnh hưởng của các hormon nội tiết, cơ thể trẻ phát triển mạnh và xuất hiện nhu cầu sinh lý. Đây là điều hoàn toàn bình...

Quan hệ tình dục

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dậy thì