Khi sử dụng tôm, nhiều người cho rằng tôm biển to và nhiều giá trị dinh dưỡng, ăn ngon hơn nhưng về độc tính, liệu bạn có biết tôm đồng hay tôm biển "lành" hơn?
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Tôm luôn được coi là nguồn thực phẩm bổ sung canxi khá nhiều cho cơ thể so với những loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, hiện có không ít người đang nhầm lẫn khi cho rằng, vỏ tôm chứa nhiều canxi. Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng tôm đồng cũng không kém tôm biển về mặt dinh dưỡng, thậm chí ăn còn an toàn hơn.
Trong 100g tôm biển tươi (chỉ tính phần ăn được) sẽ cung cấp 82 kcal; 79,2g nước; 17,9g đạm; 0,9g béo; 79mg canxi; 0,9g đường; 184mg phospho; 1,6mg sắt; 0,04mg vitamin B1; 20mg vitamin A; 0,08mg vitamin B2; 2,3mg vitamin PP.
Còn 100g tôm đồng sẽ cho 90 kcal; 18,4g đạm; 100mg canxi; 310mg kali; 2,2mg sắt; 74,7g nước; 1,8g chất béo; 200mg Cholesterol; 150 mg phốt pho; 418mg natri; 3,2mg Vitamin PP; 15mcg Vitamin A…
So sánh giá trị dinh dưỡng và độ an toàn thì tôm đồng có phần nhỉnh hơn tôm biển. (Ảnh minh họa)
Qua số liệu trên có thể thấy, tôm đồng và tôm biển so sánh về giá trị dinh dưỡng không khác nhau bao nhiêu. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về lĩnh vực Công nghệ sinh học và Thực phẩm) cho biết, điểm khác biệt duy nhất giữa tôm đồng và tôm biển đó là về kích thước và hình dáng. Còn nếu so sánh với cùng một trong lượng thì giá trị dinh dưỡng là tương đồng.
“Tôm đồng và tôm biển đều có vỏ bên ngoài, có thịt bên trong. Một vấn đề rất nhiều người nhầm lẫn, đó là việc ăn tôm phải ăn cả vỏ để lấy được nguồn canxi từ tôm. Về mặt khoa học đây là một sai lầm. Cách ăn này không hề có giá trị và ý nghĩa gì trong việc tăng cường canxi”, PGS Thịnh chia sẻ.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, thực chất phần vỏ tôm chỉ là vỏ màng, lớp bảo vệ hay nói cách khác là xác tôm, là phần rác bỏ đi khi tôm nấu chín chứ không chứa nhiều canxi như nhiều người vẫn nghĩ. Vỏ loài vật chứa nhiều canxi nhất chính là vỏ ốc, nhưng đây lại là canxi vô cơ không ăn được và ăn vào cũng không tiêu hóa được. Còn với con tôm, canxi nằm nhiều ở phần thịt chứ không phải phần vỏ. Canxi trong thịt tôm là canxi hữu cơ, ăn vào cơ thể sẽ hấp thu được.
Một vấn đề nữa PGS Thịnh cũng khuyến cáo để người dân không nhầm lẫn, đó là tôm sống ở biển kể cả tôm biển tự nhiên, mọi người luôn nghĩ là sạch, an toàn nhưng thực chất thì không.
Vỏ tôm không hề có nhiều canxi như mọi người vẫn tưởng, đó chỉ là phần rác tôm. (Ảnh minh họa)
“Tôm sống ở biển có chứa độc tố, không an toàn bằng tôm đồng. Bởi tôm ở biển chúng ăn tạp, trong đó ăn cả các loại tảo độc (loại tảo đỏ), lâu dần tích tụ trong cơ thể và thành độc tố. Do vậy, con người khi ăn phải thì cũng sẽ bị nhiễm độc, có thể gây ngộ độc, dị ứng.
Còn tôm nước ngọt, nếu sống trong môi trường ô nhiễm chúng sẽ bị chết, tôm đa số chỉ sống ở môi trường nước sạch và chúng ăn những sinh vật phù du an toàn, nên không có độc. Do vậy, khi ăn hải sản cần phải hết sức cẩn trọng về vấn đề độc tố, dị ứng”, PGS Thịnh cảnh báo.
Về phương diện đông y, lương y Vũ Quốc Trung cho biết trong đông y, tôm đồng có nhiều tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hơn là tôm biển. Một phần lý do là trước đây tôm đồng quen thuộc và được dùng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, với giao thương thuận tiện, kinh tế phát triển, hiện nay, tôm biển cũng được sử dụng đại trà.
Ông Trung cho biết, trong đông y, tôm đồng vị ngọt, tính ôn, đi vào can, thận, có tác dụng bổ thận tráng dương, thông nhũ (lợi sữa), tiêu thoát mủ. Loại thực phẩm này còn giúp trị thận hư, liệt dương, tắc sữa mụn nhọt, áp xe, các ổ viêm tấy mưng mủ... Hằng ngày có thể dùng 12 - 200g tôm đồng bằng cách nấu, luộc, hầm, xào, nướng, rán.
Một món ăn, bài thuốc dùng cho các trường hợp liệt dương, suy giảm dục tính là tôm xào rau hẹ: tôm 150g, rau hẹ 200g thêm gia vị, xào chín. Ngoài ra, có thể kích thích ham muốn bằng cách nấu trứng tôm càng 20g, trứng chim sẻ 2-3 quả rồi ăn trong ngày.