Bà bầu mất ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 29/08/2019 15:18 PM (GMT+7)

Mất ngủ khi mang thai là một trong những vấn đề khiến chị em mệt mỏi. Vậy nguyên nhân gì bà bầu mất ngủ và có những biện pháp nào để khắc phục vấn đề này?

Theo thống kế của American Pregnancy, có tới 78% phụ nữ mang thai gặp vấn đề với giấc ngủ. Vậy nguyên nhân gì khiến bà bầu mất ngủ và cách nào để khắc phục tình trạng này? 

Mất ngủ ở bà bầu là gì? 

Mất ngủ có nghĩa là bạn khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay thức dậy vào ban đêm và khó ngủ trở lại. Phụ nữ có thể bị mất ngủ trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ, nhưng nó có xu hướng phổ biến hơn trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba. 

Khi cơ thể bạn muốn chìm vào giấc ngủ thì nội tiết tố đang thay đổi thất thường cùng những "tác dụng phụ" của thai kỳ như nghẹt mũi, ợ nóng lại không cho phép điều đó. Tuy nhiên, may mắn là các chuyên gia đã xác định mất ngủ có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu nhưng không gây hại cho em bé trong bụng. 

Bà bầu mất ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục - 1

Mất ngủ là hiện tượng thường gặp khi mang thai nhưng không gây hại cho thai nhi. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân khiến bà bầu mất ngủ 

Ở mỗi giai đoạn thai kỳ lại xuất hiện những nguyên nhân khác nhau "làm phiền" giấc ngủ của bà bầu. Cụ thể: 

Mất ngủ 3 tháng đầu 

- Thay đổi nội tiết, ốm nghén. 

- Nhu cầu đi vệ sinh tăng lên khiến bà bầu phải thức dậy thường xuyên. 

Những căng thẳng về thể chất và tinh thần khi mới mang bầu. 

- Thường buồn ngủ và ngủ nhiều vào ban ngày.

Mất ngủ 3 tháng giữa 

Trong tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ, giấc ngủ của bà bầu thường được cải thiện nhiều vì vấn đề tiểu đêm đã giảm bớt do thai phát triển trên cao so với bàng quang. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ có thể vẫn còn kém vì bà bầu có xu hướng lo lắng về sự phát triển của thai nhi, hay mơ những giấc mơ liên quan đến con. 

Mất ngủ 3 tháng cuối 

Đây là giai đoạn bà bầu gặp nhiều vấn đề với giấc ngủ nhất. Nguyên nhân vì: 

- Bụng ngày càng lớn gây khó chịu. 

- Ợ nóng.

- Nghẹt mũi, khó thở. 

- Đau lưng, đau nhức xương. 

- Tiểu đêm nhiều do bụng to, thai nhi tụt xuống chèn bàng quang. 

- Lo lắng về ngày sinh nở, về việc chuẩn bị làm mẹ. 

Bà bầu mất ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục - 2

3 tháng cuối thai kỳ là thời điểm bà bầu mất ngủ nhiều nhất. (Ảnh minh họa)

Bà bầu mất ngủ phải làm sao?

Mất ngủ không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng sẽ khiến bà bầu mệt mỏi, căng thẳng và giảm hiệu quả công việc vào ban ngày. Để khắc phục tình trạng mất ngủ, khó ngủ, mẹ bầu có thể áp dụng các phương pháp sau. 

1. Đẩy lùi ốm nghén 

Ốm nghén cũng gây mất ngủ cho bà bầu. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu tình trạng ốm nghén của mình để có cách điều trị thích hợp. Nếu chỉ là cảm giác buồn nôn, bạn có thể uống những loại trà thảo mộc như trà gừng, trà bạc hà…

2. Chế độ ăn uống

Bà bầu nên hạn chế tối đa đồ uống chứa chất kích thích như nước ngọt, cà phê, trà và không dùng chúng vào giờ chiều, tối muộn và trước giờ đi ngủ. Không ăn tối quá no và nên ăn trước khi ngủ từ 2-3 tiếng để cơ thể có thời gian tiêu hóa thức ăn và tránh mất ngủ khi mang thai. Mỗi ngày bạn nên uống 8 ly nước lọc để giảm các cơn đau và những triệu chứng khó chịu khác. Nếu bà bầu bị tê chân thì hãy bổ sung canxi và thường xuyên massage chân.

3. Thư giãn trước khi ngủ 

Bạn không nên xem ti vi hay đọc sách báo trên giường. Nghe nhạc nhẹ để có giấc ngủ êm ái. Chọn đồ ngủ  với chất liệu cotton rộng rãi thoải mái. Ngâm chân nước nóng trước khi ngủ cũng giúp lưu thông máu huyết và làm cho mẹ dễ ngủ hơn. Chỉ ngủ khi cảm thấy buồn ngủ.

4. Chọn tư thế ngủ thích hợp 

Bà bầu nên nằm ghé sang bên trái để ngủ vì tư thế ngủ này giúp lượng máu đến nhau thai tốt nhất. Còn nếu bụng bầu quá lớn, bạn hãy chèn một chiếc gối mềm ở phần bụng hay dùng loại gối quấn toàn thân dành cho bà bầu.

Bà bầu mất ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục - 3

Bà bầu bị mất ngủ có thể sử dụng loại gối chuyên dụng để cải thiện tình hình. (Ảnh minh họa)

5. Tạo tâm lý thoải mái

Để ngăn ngừa chứng mất ngủ, cách tốt nhất là mẹ hãy dẹp bỏ những gánh lo, tạo cho mình tâm lý thoải mái nhất. 

6. Tập thể dục đều đặn 

Tập thể dục đều đặn khi mang thai sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Từ đó, bà bầu sẽ dễ ngủ và ngủ sâu. Tuy nhiên, bà bầu nên tránh tập thể dục mạnh trong vòng bốn giờ trước khi đi ngủ.

Nếu tình trạng mất ngủ nghiêm trọng, phụ nữ mang thai nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc nếu cần thiết. Tuyệt đối không sử dụng thuốc ngủ bừa bãi, không có sự hướng dẫn của bác sĩ vì điều đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. 

Đau đầu khi mang thai và những cách làm dịu cơn đau hiệu quả
Đau đầu khi mang thai là triệu chứng điển hình thường gặp ở thai phụ đang mang thai giai đoạn đầu hoặc cuối thai kì. Dù vậy, mẹ bầu cũng không nên chủ...

Hường Cao (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giấc ngủ khi mang thai