'Cẩm nang nằm lòng' về dinh dưỡng cho mẹ bầu

Ngày 31/05/2013 17:30 PM (GMT+7)

Dinh dưỡng là vấn đề được quan tâm số một khi bầu bí.

Bổ sung dinh dưỡng đúng cách là việc làm rất quan trọng để thai nhi phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng am hiểu tường tận vấn đề này. Hãy cùng theo dõi những băn khoăn của chị em quanh chủ đề dinh dưỡng cho mẹ bầu:

Hỏi: Nghe mọi người nói, từ tháng thứ 5 thai kỳ, bà bầu rất cần bổ sung canxi. Nhưng tôi không biết bổ sung thế nào cho đúng. Đọc nhiều tài liệu tham khảo tôi thấy có nói rằng nếu bổ sung thừa sẽ gây tác hại khôn lường. Xin cho tôi biết cần ăn uống và bổ sung canxi thế nào cho đúng cách?

phuonganhnguyen…@gmail.com

Trả lời: Bạn cần biết rằng, canxi rất cần thiết cho sự phát triển của răng và xương thai nhi. Vì thế, khi mang thai người mẹ phải nhận được đủ canxi đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Những thực phẩm dồi dào canxi bao gồm sữa hay sản phẩm được làm từ sữa như phômai, sữa chua. Nếu không muốn tăng cân nhiều, thai phụ nên dùng sữa ít béo hoặc sữa tách béo. Ngoài ra, hải sản cũng là nguồn canxi phong phú. Bên cạnh đó còn có rau màu xanh sậm, đỗ, hoa quả sấy khô và đậu nành. Ngoài việc ăn uống những thực phẩm trên, bạn có thể bổ sung thêm canxi bằng cách uống thêm viên thuốc bổ chứa canxi.

Dấu hiệu của việc thiếu canxi là hiện tượng chuột rút, tê tay chân thường xuyên. Để xác định rõ hơn bạn có thể đến bệnh viện chuyên khoa để làm các xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, lưu ý với bạn rằng, nhu cầu canxi trong thai kỳ là rất lớn nên rất cần phải bổ sung thông qua chế độ ăn uống.

#039;Cẩm nang nằm lòng#039; về dinh dưỡng cho mẹ bầu - 1
Phụ nữ mang thai cần có chế độ ăn uống cân bằng, giàu dưỡng chất. (ảnh minh họa)

Hỏi: Em mới mang thai tháng thứ 2 (tuần 8). Em rất muốn biết trong 3 tháng đầu cần bổ sung những chất dinh dưỡng như thế nào để tốt cho thai nhi? Em cần tăng bao nhiêu cân là đủ trong giai đoạn này?

maihuongtran…@yahoo.com

Trả lời: Trong 3 tháng đầu thai phụ không cần nhiều năng lượng, nhưng lại cần nhiều chất đạm, vitamin và chất khoáng, nên bạn cần ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu những chất đó.

Có thể kể đến các loại thịt, cá, trứng, sữa, là những thực phẩm giàu đạm và khoáng, trái cây và rau thì rất giàu vitamin, sữa và các chế phẩm từ sữa thì đứng đầu trong việc cung cấp canxi, ngoài ra các loại cá và tép nhỏ ăn luôn cả vỏ cả xương cũng rất giàu canxi.

Đây cũng là giai đoạn thai phụ ốm nghén nặng nhất, lượng thức ăn vào vì vậy mà bị ảnh hưởng nên càng phải cố gắng ăn uống nhiều các loại thực phẩm kể trên. Về cân nặng thì chỉ cần tăng 1-2kg là được bạn nhé.

Hỏi: Suốt 3 tháng đầu mang thai, em ốm nghén nặng và không ăn uống được gì nhiều. Em đã bị sút 3kg. Em rất lo lắng vì sợ con không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng để phát triển?

hoahaianh…@gamil.com

Trả lời: Phụ nữ trong thời kỳ mang thai thường bị nghén, gây chứng buồn nôn khó ăn, thậm chí không ăn được, nguyên nhân là do sự gia tăng hoóc-môn trong những ngày đầu thai kỳ. Chính việc bị nghén đã khiến bạn bị giảm cân trong thời kỳ đầu mang thai. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra khá nhanh chóng, sau khi hết ốm nghén, bạn có thể ăn uống và tăng cân như bình thường.

Thông tin tốt lành cho bạn là đa số tình trạng nghén của chị em sẽ giảm dần và chấm dứt hẳn khi bước vào 3 tháng giữa của thai kì. Ngay khi tình trạng nghén của bạn bắt đầu giảm, bạn cần cố gắng chăm sóc và bổ sung dưỡng chất thật đầy đủ để bù đắp cho khoảng thời gian nghén cũng như để chuẩn bị một tình trạng dinh dưỡng tốt nhất cho mẹ và bé trước khi vượt cạn.

#039;Cẩm nang nằm lòng#039; về dinh dưỡng cho mẹ bầu - 2
Sữa và các sản phẩm từ sữa chứa nhiều canxi. (ảnh minh họa)

Hỏi: Tôi là người Nghệ An. Từ nhỏ trong các bữa ăn hàng ngày của tôi đếu có ớt và ăn rất cay. Tôi nghe nói thai phụ ăn cay sẽ ảnh hưởng không tốt đến bé. Cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có sao không?

tranbichhoa…@gmail.com

Trả lời: Bạn cần biết rằng đây là một thói quen không tốt cho thai nhi nhé. Trong thời gian mang bầu, ăn cay ở mức độ bình thường không gây ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi, nhưng ăn quá cay thì sẽ có hại đến hệ thần kinh của bé. Do ớt có chứa những chất làm tê liệt thần kinh, nên tạo thành những ảnh hưởng nhất định đối với hệ thần kinh của thai nhi, do vậy khi ăn ớt phải dừng trước khi cảm thấy quá cay, tê miệng, lưỡi. Lời khuyên dành cho các mẹ bầu là chỉ nên ăn ớt với một lượng vừa phải thôi nhé!

Hỏi: Em mang thai lần đầu nên rất thiếu kiến thức trong việc chăm sóc thai nhi. Hiện tại em đang mang thai tuần thứ 12. Cho em hỏi khi nào em cần bổ sung sắt?

hoangle…@gmail.com

Trả lời: Sắt là thành phần cấu tạo quan trọng của hồng cầu, là 1 loại tế bào máu có tác dụng vận chuyển oxy trong cơ thể. Trong thai kỳ, cơ thể người mẹ cần sản xuất một lượng máu gần gấp đôi so với bình thường để có thể nuôi cả 2 mẹ con. Do vậy, nhu cầu sắt cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn bầu bí này.

Chế độ ăn hàng ngày thường khó đáp ứng đủ nhu cầu sắt trong thời kỳ mang thai. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai cần phải được bổ sung 1 viên sắt 60 mg kết hợp 400 mcg acid folic mỗi ngày từ lúc biết mình mang thai đến sau sinh 1 tháng.

Bạn cần lưu ý rằng là sắt là chất dinh dưỡng khó hấp thu, do vậy để cơ thể tăng cường hấp thu sắt bạn nên uống viên sắt lúc bụng đói và uống kèm với các loại nước giàu vitamin C như nước cam, nước chanh…

Để chị em hiểu rõ hơn về chế độ dinh dưỡng với bà bầu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hoàng Thúy Hải (chuyên gia tư vấn chương trình Cửa sổ tình yêu) về vấn đề này.

Dưỡng chất cần thiết cho mẹ bầu

Theo bác sĩ Hoàng Thúy Hải, với phụ nữ có thai cần ăn đủ các chất để cung cấp  đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bà bầu cần ý thức rằng “không chỉ ăn cho mình hay ăn theo ý thích mà phải ăn cho con”. Vì vậy trong quá trình thai nghén (nhất là trong 3 tháng đầu) nhiều khi không muốn ăn nhưng tuyệt đối không được bỏ bữa, hãy cố gắng ăn vì con.

#039;Cẩm nang nằm lòng#039; về dinh dưỡng cho mẹ bầu - 3
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải

Bác sĩ cũng mách những nhóm thực phẩm không được bỏ qua trong suốt thời gian mang thai là:

Tinh bột (cung cấp Gluxit): Tinh bột không chỉ có trong cơm mà bà bầu có thể ăn bún, phở, ngô, khoai, sắn, các loại củ… Chú ý chọn ngũ cốc an toàn, tránh bị ẩm mốc hoặc nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật.

Chất đạm (cung cấp Protit): Protit là các chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Protit có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, lươn, hải sản tươi. Đây là những loại thực phẩm cung cấp nguồn canxi và vi lượng dồi dào. Tuy nhiên, khi ăn hải sản cần chọn đồ tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh. Không nên ăn hải sản lạ, vì có thể gây dị ứng cho cơ thể. Để tránh dị ứng, chỉ nên dùng những hải sản trước đó đã từng ăn nhưng không có hiện tượng này.

Vitamin và chất khoáng: Rau, củ, quả, rau màu xanh thẫm là nguồn cung cấp các vitamin cho cơ thể, đặc biệt vitamin C, cà rốt, đu đủ, bí đỏ cung cấp Caroten (tạo vitamin A). Ăn nhiều các thực phẩm có chất xơ giúp bà bầu tránh táo bón. Nếu có điều kiện thì nên uống sữa dành cho bà bầu hoặc bất cứ loại sữa nào không gây rối loạn tiêu hóa khi uống.

Dầu mỡ (cung cấp Lipit): Dầu mỡ cung cấp năng lượng cho các bà bầu. Dầu, mỡ không chỉ có trong thịt, dầu ăn mà có thể dùng dầu thực vật có trong lạc, vừng... Thông thường, không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm. Bởi nhiều người khi bị nghén nên rất thèm ăn số lượng nhiều cùng một loại thức ăn. Tuy nhiên, đôi khi ăn nhiều quá khiến cơ thể không hấp thụ được. Tốt nhất nếu có điều kiện nên ăn làm nhiều lần trong ngày, thức ăn dễ tiêu hóa.

Ngoài ra, bác sĩ Hải cũng khuyến cáo chị em cần tuân thủ tiêu chuẩn ăn chín, uống sôi, chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh. Ngoài ra, cần tránh ăn đồ hộp, đồ ăn sẵn, đồ ăn tái sống, thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu không cẩn thận chọn lựa thực phẩm chất lượng có thể dẫn đến ngộ độc, gây mất nước, suy nhược cơ thể ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé.

Cách bổ sung vitamin an toàn

Theo bác sĩ Hải, tất cả các loại vitamin đưa vào cơ thể qua thực phẩm là tốt nhất. Bởi vì,  đó là vitamin tự nhiên, độ hấp thụ là tốt nhất. Bất cứ vitamin nào cũng quan trọng nhưng mỗi loại vitamin chỉ cần một lượng nhất định, nếu quá ngưỡng cũng không tốt cho cơ thể.

Còn với vitamin dưới dạng hợp chất hay thuốc không nên lạm dụng, vì có những loại vitamin khi dùng thừa còn nguy hiểm hơn thiếu. Ví dụ như vitamin A, phụ nữ có thai nếu dùng quá liều sẽ gây dị tật thai nhi. Khi có bầu, nếu uống bất cứ loại thuốc nào (kể cả thuốc bổ) cũng cần sự hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.

Cẩn trọng với nhiễm độc thai nghén

Bác sĩ Hoàng Thúy Hải cũng lưu ý chị em bầu rằng, trong quá trình mang thai, đáng lo ngại nhất là nhiễm độc thai nghén. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và bé. Có thể phát hiện nhiễm độc thai nghén bằng cách đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên bồi dưỡng quá nhiều dẫn đến tình trạng tăng cân quá nhiều. “Trong suốt quá trình mang thai, chị em chỉ nên tăng từ 8-12kg là phù hợp. Nếu mẹ tăng cân nhiều quá không tốt vì có thể dẫn đến béo phì, tiểu đường hoặc tăng huyết áp. Chỉ số cân nặng phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ”, bác sĩ Hoàng Thúy Hải nhấn mạnh.

Anh Minh

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ