Vợ chồng em chồng tôi giàu có mà vợ lại bị kháng thể kháng tinh trùng, rất khó có con. Hai người bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của để chữa trị nhưng không ăn thua.
Vợ chồng tôi cưới nhau tới nay cũng chục năm, tôi chỉ buôn bán ngoài chợ đẻ sòn sòn 3 năm 2 đứa. Đến năm trước bị nhỡ nhàng lại tòi nhòi thêm một thằng nữa nên đã vất càng thêm vất vả. Người ta bảo tam nam bất phú, có lẽ vì thế nên nhà tôi cứ lẹt đẹt mãi, buôn bán bật mặt cũng chỉ đủ ăn, nhiều lúc nghĩ cũng oải.
Chồng tôi thì chán nản, chẳng có nghề ngỗng gì. Trước đây anh cũng từng đi buôn nhưng rồi sau cụt vốn. Bảo đi làm thuê thì kêu lương thấp, vất vả thành ra cứ ở nhà ăn chơi, ngửa tay xin tiền vợ.
Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với nhà tôi, em trai chồng tôi cũng lấy vợ sau chúng tôi 1 năm mà được nhờ bên ngoại, bố mẹ thím ấy giàu có mua nhà, sắm xe cho con chẳng để thiếu thốn gì. Không những thế, hai vợ chồng còn được nhà ngoại cấp vốn mở 1 cửa hàng nội thất, làm ăn được nên tiền cứ vào nhà ầm ầm.
Em trai chồng tôi giàu có nhưng lại không sinh được con. (Ảnh minh họa)
Nhưng đúng là ở đời không có gì là toàn vẹn. Vợ chồng em chồng tôi giàu có mà vợ lại bị kháng thể kháng tinh trùng, rất khó có con. Hai người bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của để chữa trị, thụ tinh nhân tạo, sang cả nước ngoài nhưng không ăn thua. Lúc nào đến nhà chơi, nhìn thấy 3 đứa con tròn lông lốc của vợ chồng tôi chú thím ấy hay nửa đùa nửa thật:
"Anh chị để em nuôi 1 đứa cho".
Thím ấy thèm con, cứ nhìn thấy thằng út nhà tôi là nhào vào ôm ấp, hôn hít các kiểu. Cuồng cháu đến nỗi tuần thím ấy xuống nhà tôi mấy bận, mua toàn quần áo với quà bánh cho 3 đứa cháu. Thực sự tôi nhìn vợ chồng thím như thế cũng thấy thương thương, vì thím cũng hiền lành chứ không phải ghê gớm nên tôi chị em cũng quý nhau lắm, không cãi vã, tranh chấp bao giờ.
Thế rồi tự nhiên hôm trước chồng tôi về nhà bảo:
"Anh có việc muốn nói với em. Hôm nay vợ chồng thím Hương hỏi anh chuyện này mà khó nghĩ quá em ạ".
"Chuyện gì, anh nói đi xem nào?"
"Chú thím ấy mãi không có con, mà chắc là tịt hẳn rồi, không đẻ được đâu".
"Thì thím Hương chả bảo là lần này thụ tinh nhân tạo không được thì xin con nuôi đó thôi".
"Ừ thì xin con nuôi, nhưng nuôi con người ngoài không bằng nuôi máu mủ nhà mình em ạ. Chú thím ấy cũng tâm sự thế".
"Ý anh là gì, cứ vòng vo mãi. Sốt ruột quá".
"À. Thì chú thím ấy đặt vấn đề là hay mình cho thằng út nhà mình cho chú thím ấy nuôi, chuyển hẳn thành con của chú thím ấy. Mình đồng ý, chú thím ấy sẽ đưa cho chúng mình 2 tỷ lấy vốn làm ăn".
Vừa nghe thấy chồng nói thế tôi rùng cả mình, đỏ gay mặt hét ầm:
"Anh có bị làm sao không mà nghĩ đến chuyện đó, em không bao giờ đồng ý giao con cho người khác nuôi. Kể cả là chú ruột cũng không".
"Em bình tĩnh nghe anh nói. Ban đầu anh cũng không đồng ý đâu nhưng sau nghĩ lại anh thấy cũng hợp lý mà, chú thím ấy cũng ở gần đây chứ xa xôi gì đâu. Nhà mình nuôi 3 đứa cũng vất, chú thím ấy có tiền, con mình sang đó được nuôi đàng hoàng tử tế, sướng như vua ấy, sau này còn được hưởng bao nhiêu là thứ. Còn mình muốn gặp con lúc nào cũng được. Tuy cho nó là con nuôi nhưng nó vẫn ở kề cạnh mình. Trong khi đó, có 2 tỷ kia nhà mình sẽ đổi đời, em không cần vất vả chạy chợ, các con được học trường lớp tốt hơn. Em tính xem, như thế chẳng phải vẹn cả đôi đường”, chồng tôi vẫn ra sức thuyết phục vợ.
Nghe chồng bàn cho con làm con nuôi mà tôi choáng váng. (Ảnh minh họa)
Tôi gạt phăng:
"Em đã bảo không đồng ý là không đồng ý, anh đừng bao giờ nhắc lại chuyện này nữa. Nói thêm thiên hạ họ cười cho".
Chồng tôi im lặng quay đi nhưng cứ thỉnh thoảng lại nhắc thủ thỉ tai vợ:
"Con mình cho chú ruột nuôi chứ có bán đi đâu xa mà phải lo hay sợ".
Nói thực, nhiều lúc bí tiền tôi cũng bị lung lay. Nghĩ tới cái cảnh đứa bé ốm không có tiền mua thuốc, đứa lớn thì suốt ngày bị cô giáo nhắn tin giục nộp tiền học, rồi nội ngoại đôi bên nay báo người ốm, mai mời cưới xin mà tôi mệt, chùn lòng tính hay đưa con cho chú thím nó nuôi như thế con sẽ có cuộc sống sung túc, có tương lai hơn.
Nghĩ thế nhưng tôi vẫn do dự chưa dám quyết sợ làm vậy thì tệ với con quá. Mình đẻ con ra không nuôi được lại cho người khác nuôi rồi lấy tiền của họ về tiêu xài, bố mẹ như thế có tệ quá không?
Kháng thể kháng tinh trùng có ảnh hưởng đến quá trình sinh sản như thế nào?
Kháng thể kháng tinh trùng tác động tới hệ sinh sản thông qua việc làm giảm vận động tinh trùng, tăng số lượng tinh trùng không hoạt động, can thiệp quá trình tiếp xúc liên kết giữa trứng và tinh trùng, biến đổi phản ứng cực đầu hoặc tác động trực tiếp vào chất nhầy ở cổ tử cung. Trong một số trường hợp, chất dịch nhầy ở CỔ tử cung cũng có khả năng hình thành kháng thể kháng tinh trùng nhằm chống lại tinh trùng của nam giới. Tất cả những yếu tố này sẽ gây cản trở cho quá trình thụ tinh.
Đối với nam giới, nếu nồng độ kháng thể kháng tinh trùng trong huyết tương càng cao, nguy cơ vô sinh càng rõ ràng. Khi tình trạng kháng tinh trùng xuất hiện ở chồng hay vợ, tỷ lệ mang thai ở đôi vợ chồng này là thấp hơn 38% so với các trường hợp bình thường. Tỷ lệ vô sinh có kháng thể kháng tinh trùng chiếm 1 – 6% tổng số những trường hợp vô sinh.