Chiếc bụng đã gắn bó với tôi bao nhiêu kỷ niệm, ghi dấu ngày con chào đời, sao tôi phải bỏ phần bụng thừa đó đi?
“Đừng quên đi tập để giảm mỡ bụng đấy!”
“Tập bụng sớm cho giảm eo nhé!”
Thật sốc. Vừa từ bệnh viện phụ sản về được vài ngày, vừa vật vã chiến đấu với cơn “vượt cạn” được không lâu, tôi đã nhận được ngay những lời khuyên như vậy từ những người đến thăm hỏi và chúc mừng.
Mới được có 8 ngày sau sinh... 8 ngày kể từ lần đầu tiên tôi nhìn thấy khuôn mặt thiên thần của đứa con, 8 ngày sau khi tôi bị xuất huyết, 8 ngày kể từ khi tôi được ra khỏi căn phòng bệnh viện lúc nào cũng tràn ngập bác sĩ và y tá đi đi lại lại... tôi hoàn toàn không có tâm trí để để ý đến chiếc bụng hay vòng eo quá khổ của mình.
Tôi tự hào về mọi “di tích” sau sinh trên cơ thể mình. (Ảnh minh họa)
Tại sao tôi lại phải nghĩ đến chuyện loại bỏ phần bụng thừa đó đi? Chiếc bụng của tôi, đó là tấm bản đồ lưu giữ những con đường, giai đoạn đáng nhớ trong thai kì tôi đã trải qua, ghi dấu từng cú đá, xoay mình, nghịch ngợm của con tôi khi còn chưa chào đời. Chiếc bụng của tôi, đó là ngôi nhà đầu tiên dành cho con gái tôi ở trong đó, yên bình và ấm áp. Chiếc bụng của tôi, đã giữ con bé nguyên vẹn, an toàn suốt 42 tuần liền. Đó là nơi đã nuôi dưỡng đứa con của tôi khi mới hoài thai, và cũng nhờ chính nơi đó, tâm hồn và tinh thần tôi đã được nuôi dưỡng, rèn luyện thêm để chuẩn bị cho thiên chức làm mẹ. Đối với tôi, chỉ cần nhìn chiếc bụng lớn dần lên từng ngày, những đau mỏi, mệt nhọc của việc mang bầu dường như không còn là vấn đề to tát gì nữa.
Quá nhiều bà mẹ đặt nặng áp lực trong việc phải thay đổi hình ảnh bản thân sau sinh, phải rũ bỏ mọi vết tích của việc đã từng có một đứa trẻ trong chiếc bụng này. Thực ra, chính áp lực đó còn nặng hơn cả những gì mà chiếc bụng to quá khổ kia đã mang. Tôi đã nghe rất nhiều lần câu chuyện người ta tán dương và trầm trồ những bà mẹ sau sinh “sớm quay trở lại phòng tập”, “sớm lấy lại vóc dáng” mà ít khi thấy có ai ngợi ca những người dành hàng tháng, hàng tuần ôm ấp, chăm sóc bên con và ngẩng cao đầu chấp nhận hình ảnh hiện tại của mình.
Bởi vì xã hội ngày nay quá chú trọng hình ảnh. Sức mạnh của hình ảnh thật đáng sợ. Hình ảnh có đẹp mới có được sự hấp dẫn, chú ý, có thể quyến rũ, có tầm ảnh hưởng, có giá trị. Người ta quên đi mất rằng, đối với một bà mẹ mới sinh, làn da non nớt sơ sinh, đôi mắt ngây thơ trong veo hay tiếng ọ ẹ đáng yêu của con trẻ mới chính là sức mạnh thực sự. Đó là động lực giúp người mẹ vượt qua được hết mọi vất vả của việc nuôi con, là phần thưởng sau công cuộc “vượt cạn” vĩ đại.
Là những người phụ nữ, người mẹ, tất cả chúng ta đều cần thời gian để cơ thể dần điều chỉnh và từ từ thay đổi sau mang thai và sinh nở. Theo tháng năm, những vết mổ, vết rạn sẽ mờ đi, và dù chúng có không hoàn toàn biến mất, đó vẫn là những biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng, thể hiện thiên chức làm mẹ cao quý của mỗi người. Bởi thế mà tôi rất chậm rãi tận hưởng từng khoảnh khắc trong hành trình làm mẹ và không có ý định lao vào ăn kiêng hay tập luyện hùng hục ngay lập tức. Tôi tự hào về mọi “di tích” sau sinh trên cơ thể mình.