Khi mẹ tôi gọi điện, bố nói dối là đang đi câu còn chị dâu nói là bận việc ở cơ quan.
Hôm trước khi đang đi uống cà phê với mấy đứa bạn sau giờ tan làm, tôi bất ngờ thấy bố và chị Mai, chị dâu của tôi cùng nhau đến quán. Tôi hơi giật mình, không hiểu bố và chị đi đâu, có việc gì? Bởi bình thường bố tôi là người hướng nội, ít trò chuyện hay đi chơi cùng con cái.
Khi đang định sang bàn chào bố và chị thì có một người phụ nữ chạc tuổi bố tôi bước vào. 3 người họ ngồi nói chuyện với nhau. Thấy vậy, tôi không sang nữa. Người phụ nữ kia nhìn rất quen, hình như đã gặp ở đâu nhưng nghĩ mãi mà tôi không thể nhớ ra đó là ai.
Tôi cùng nhóm bạn về trước trong khi 3 người họ vẫn đang nói chuyện. Lúc đang thanh toán tiền, tôi còn thấy người phụ nữ kia khóc, bố tôi lấy giấy ăn đưa cho cô ấy lau nước mắt.
Tôi bất ngờ gặp bố và chị dâu ở quán cà phê. (Ảnh minh họa)
Trên đường về, trong đầu tôi là rất nhiều câu hỏi. Người phụ nữ kia là ai, quan hệ thế nào với bố và chị Mai, có việc gì mà cô ấy phải khóc? Vốn chẳng giữ được bí mật gì bao giờ nên khi về nhà, thấy mẹ đang nấu nướng trong bếp, tôi liền kể cho bà nghe mọi chuyện.
Mẹ tỏ ra bất ngờ vì bố tôi nói với bà rằng ông đi câu cá. Ngay lập tức, mẹ tôi gọi điện cho bố thì ông không nhấc máy, gọi cho chị dâu thì chị nói hôm nay có việc bận ở cơ quan nên về muộn. Lời nói dối của chị dâu khiến mẹ tôi nổi giận. Bà không hiểu chồng mình và con dâu đang làm gì mà lại lén lén lút lút gặp gỡ người khác ở bên ngoài như vậy? Lát sau bố tôi gọi lại, ông cũng nói dối rằng vừa đi câu, đang chuẩn bị về khiến mẹ tôi càng giận hơn.
Khi bố và chị Mai về nhà, mẹ tôi lập tức tra khảo họ. Ban đầu bố và chị không nói năng gì. Nhưng vì mẹ tôi phản ứng mạnh nên họ đành phải nói ra sự thật.
Hoá ra, người phụ nữ kia là cô Ngọc, cô ruột của chị Mai, đồng thời là người yêu cũ của bố tôi.
Năm xưa bố và cô Ngọc yêu nhau. Nhưng vì cô Ngọc bị bệnh hen phế quản rất nặng, thể trạng yếu ớt nên bố mẹ cô không muốn con gái kết hôn, sinh con, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cô. Do đó, cô Ngọc và bố tôi chia tay. Cô Ngọc ở vậy, không lập gia đình, chỉ nhận một người con nuôi.
Năm ấy, cô Ngọc sợ làm khổ bố tôi nên chủ động rời xa ông mà không nói rõ nguyên nhân khiến bố tôi giận và hiểu lầm là cô chê ông nghèo, bỏ ông để đến với người khác. Sau đó, hai người mất liên lạc. Chuyện này bao năm nay bố giữ bí mật, không ai biết gì.
Cô Ngọc bị bệnh hen phế quản rất nặng, thể trạng yếu ớt nên bố mẹ cô không muốn con gái kết hôn, sinh con. (Ảnh minh họa)
Đến vừa rồi trong đám cưới của chị Mai, họ mới gặp lại nhau. Bố có hỏi thăm về cô Ngọc qua chị Mai thì mới biết chuyện. Do đó, bố nhờ chị Mai sắp xếp một cuộc hẹn với cô Ngọc để nói rõ chuyện năm xưa, hoá giải hiểu lầm. Bởi dù sao giờ họ cũng là thông gia, còn phải gặp gỡ nhau vào nhiều dịp, ngoài ra không có vấn đề gì khác nữa.
Mẹ tôi biết rõ lý do thì nguôi giận, bà vốn là người nền nã, hiểu chuyện. Tuy nhiên, mẹ cũng nhắc bố và chị Mai rút kinh nghiệm, người trong một nhà có gì thì nên nói rõ chứ đừng dối trá lẫn nhau. Cả bố tôi và chị Mai xin lỗi mẹ, hứa sẽ rút kinh nghiệm để tránh lặp lại những chuyện tương tự.
Phụ nữ bị hen suyễn có sinh con được không?
Hen suyễn là một bệnh mãn tính ở đường hô hấp khiến cho việc thở trở nên khó khăn. Khi bị hen suyễn, ống dẫn khí của người bệnh bị viêm, dẫn tới đường hô hấp bị thu hẹp tạm thời.
Nếu được kiểm soát tốt, bệnh nhân hen phế quản có thể chung sống với tình trạng này như một người bình thường, vẫn có thể mang thai và sinh con. Tuy nhiên, do nguy cơ của bệnh nên cần được theo dõi sát trong quá trình mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Đa số những phụ nữ hen phế quản và thai nhi không phải chịu biến chứng trong quá trình mang thai và chuyển dạ khi cơn hen được kiểm soát tốt.
Trong trường hợp cơn hen không được kiểm soát, tình trạng khó thở thường xuyên dẫn tới thiếu oxy thai, gây các biến chứng cho thai nhi như: Suy thai, đẻ non, thai chậm phát triển,... Mẹ có nguy cơ bị tăng huyết áp và tiền sản giật. Do đó, việc điều trị đều đặn và theo dõi định kỳ thường xuyên giúp làm giảm biến chứng cho cả mẹ và bé.
Trẻ sinh ra bởi người mẹ bị hen phế quản có nguy cơ mắc hen phế quản và các bệnh lý khác như: Viêm da cơ địa, mày đay,... cao hơn trẻ khác, đặc biệt nếu có cả bố và mẹ cùng mắc hen phế quản dị ứng.
Trước khi mang thai, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chuẩn bị tốt nhất cho một thai kỳ khoẻ mạnh. Trong thai kỳ, mẹ cần đi khám thai theo đúng lịch hẹn với bác sĩ.
Cần thăm khám chức năng phổi, kết hợp theo dõi lưu lượng đỉnh kế đo tại nhà. Lưu lượng đỉnh kế có vai trò rất quan trọng trong theo dõi kiểm soát bệnh hen phế quản. Tùy tình trạng bệnh, mẹ có thể đo ngày 2 lần sáng tối cách nhau 12 giờ nhưng hãy nhớ giảm lưu lượng đỉnh báo hiệu tình trạng xấu đi của bệnh dù bản thân cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh
Thực hiện các xét nghiệm đánh giá biến chứng tăng huyết áp, tiền sản giật.
Tình trạng phát triển của thai: Cần siêu âm thai giữa tuần 18-20 thai kỳ để đánh giá sự phát triển của thai nhi. Nếu cần phải sử dụng corticoid đường uống, thai phụ nên siêu âm lại sau mỗi 4 tuần sau tuần thứ 20 để đảm bảo thai phát triển bình thường. Ở bệnh nhân có cơn hen phế quản tái phát nhiều nên đo thêm cử động thai nhi trong khi được siêu âm.
Mẹ cần đảm bảo lối sống khoa học, lành mạnh, không sử dụng chất kích thích, hạn chế tối đa dị nguyên có thể khiến bệnh trầm trọng.