Vậy mà khi trở ra, y tá lại nói với tôi: "Sản phụ nhìn mặt con một lần rồi quay đi và bảo em đưa cháu ra cho gia đình mà không cần da kề da với mẹ".
Nhà tôi có hai anh em, tôi là con gái út. Từ nhỏ, anh trai tôi đã là niềm tự hào của bố mẹ. Anh luôn có thành tích học tập tốt. Hồi ấy, anh đứng đầu trong các cuộc thi ở huyện. Ngay cả khi lên đại học, bố mẹ tôi cũng chẳng phải nuôi con trai. Vì tiền học thì anh đã có học bổng, còn tiền sinh hoạt hàng ngày, anh tôi lấy từ lương gia sư. Thậm chí thi thoảng về nhà, anh lại cho tôi tiền tiêu vặt.
Đi làm được 3 năm thì anh tôi về nhà xin cưới. Ngay từ lần đầu ra mắt, bố mẹ tôi đã rất ưng ý con dâu tương lai. Mẹ tôi còn giục con trai cưới sớm, vì chuyện tình cảm rất khó nói, gặp được người tốt mà bỏ lỡ thì tiếc lắm.
Được sự ủng hộ của bố mẹ, anh tôi kết hôn ngay sau đó. Cuộc sống giữa bố mẹ tôi khi có con dâu cũng êm đềm lắm. Chị ấy biết vun vén chuyện nhà cửa, lại thương yêu chồng thật lòng. Ngược lại, trong mắt anh tôi, bao giờ cũng chỉ có vợ. Nhìn anh chị như vậy, mẹ tôi còn nhắc con gái:
"Mẹ chỉ ước sau này con lấy chồng cũng được hạnh phúc như thế".
Khi tôi đến bệnh viện, bác sĩ đã khuyên chúng tôi nên đưa anh về. (Ảnh minh họa)
Nhưng đúng là chẳng ai được trọn vẹn. Anh chị tôi yêu thương nhau như thế, vậy mà lấy nhau bao lâu cũng không thể có con. Ai mách đi lấy thuốc ở đâu, anh chị cũng tìm đường để đi bằng được. Tiền bạc thì đội gánh mà đi sau những lần chị dâu tôi làm thụ tinh ống nghiệm.
Thế rồi khi anh chị tôi đã chấp nhận sống như vậy mà không có con cái thì kỳ tích lại xảy ra khi chị dâu tôi đã có thai tự nhiên. Với gia đình tôi thì đó là tin vui nhất trong nhiều năm nay. Bởi sau 12 năm, cuối cùng anh chị cũng hái được trái ngọt.
Suốt thời gian vợ mang bầu, anh tôi luôn chăm lo từng chút một. Chị ấy không phải đụng tay vào làm bất kỳ việc gì. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu thì sóng gió lại ập tới. Tôi vẫn nhớ hôm ấy, khi tôi đang ở nhà thì mẹ gọi điện nói anh trai đi ăn sinh nhật bạn nên uống chút rượu. Trên đường về nhà, anh không may tai nạn và phải vào viện cấp cứu.
Khi tôi đến bệnh viện, bác sĩ đã khuyên chúng tôi nên đưa anh về. Vậy là anh tôi ra đi khi đứa con trai trong bụng vợ mới được 7 tháng. Trong đám tang anh, không ai cầm được nước mắt khi thấy chị dâu ôm bụng bầu khóc vật vã. Thời điểm ấy, chúng tôi phải động viên rất nhiều, chị mới vì con mà tạm quên đi đau buồn.
Hôm chị đi sinh, cả nhà tôi đều có mặt túc trực. Vậy mà khi trở ra, y tá lại nói:
"Sản phụ nhìn mặt con một lần rồi quay đi và bảo em đưa cháu ra cho gia đình mà không cần da kề da với mẹ".
Chị dâu tôi vừa đau vết mổ, vừa đau lòng vì mới mất chồng nên những gì chị đang phải gánh chịu là quá lớn. (Ảnh minh họa)
Đến khi nhìn mặt cháu, tôi mới hiểu tại sao chị dâu làm vậy. Cháu tôi giống bố quá, có lẽ nhìn con, chị lại nhớ đến chồng nên mới như vậy. Bẵng đi cả tháng, hôm qua tôi về chơi nhà, mẹ vẫn thở dài kể:
"Nó khóc nhiều quá nên mất sữa. Cứ lần nào nhìn con là lại rơi nước mắt cho nên không hôm nào bế con được 5 phút. Mẹ cũng chẳng biết làm sao nữa. Bảo về ngoại cho khuây khỏa nhưng nó không chịu, cứ nói muốn được ở đây để gần chồng".
Phụ nữ sinh xong, có chồng và cả gia đình ở bên đã hay tủi thân rồi. Chị dâu tôi vừa đau vết mổ, vừa đau lòng vì mới mất chồng nên những gì chị đang phải gánh chịu là quá lớn. Tôi nhìn chị như vậy, vừa thương vừa thấy bất lực. Nhìn chị u uất và đau khổ như vậy, tôi chỉ sợ chị bị trầm cảm sau sinh. Tôi chưa sinh con nên chưa có kinh nghiệm, mọi người chỉ giúp dấu hiệu của trầm cảm sau sinh là gì xem chị dâu tôi có bị không với.
Làm cách nào để nhận biết phụ nữ đã bị trầm cảm sau sinh?
Biểu hiện tâm trạng sau sinh ở mỗi người không giống nhau. Có những người chỉ đơn giản là bị thay đổi cảm xúc, và sau khi những cảm xúc này ổn định lại thì họ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Có người thì bị trầm cảm nhẹ, việc uống thuốc và điều trị sẽ giúp họ nhanh chóng trở lại cuộc sống. Nhưng có trường hợp trầm cảm nặng hơn, nếu không được phát hiện có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân, người thân và cả trẻ sơ sinh.
1. Buồn sau sinh (Baby blues)
Có rất nhiều bà mẹ sẽ trải qua giai đoạn buồn bã sau khi sinh con. Trạng thái tâm lý này không cần lo lắng vì nó chỉ kéo dài một thời gian ngắn, trung bình sẽ kết thúc sau 3-4 ngày và nhiều nhất là hai tuần. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Khó kiểm soát cảm xúc, cáu gắt hoặc khóc rất nhiều.
- Buồn bã và lo lắng.
- Cảm giác lâng lâng, không tập trung hoặc cảm thấy choáng ngợp.
- Thèm ăn hoặc không muốn ăn.
- Rối loạn giấc ngủ.
2. Trầm cảm sau sinh
Khi sự buồn bã, chán nản, tuyệt vọng gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và gây khó khăn trong việc chăm sóc em bé thì đó có thể là chứng trầm cảm. Trầm cảm có thể xảy ra trong quá trình mang thai, vài tuần sau khi sinh hoặc trong vòng một năm sau khi sinh.
Một vài triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường gặp là:
- Buồn bã, chán nản nghiêm trọng.
- Khó kiểm soát cảm xúc: khó chịu, khóc hoặc cáu gắt.
- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường.
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Thiếu năng lượng, luôn mệt mỏi.
- Giảm hứng thú với các sở thích cá nhân.
- Giảm khả năng tập trung và đưa ra quyết định.
- Trí nhớ kém và giảm khả năng phân tích vấn đề.
- Khó gắn kết với em bé.
- Lo lắng nghiêm trọng và hoảng loạn.
- Luôn lo lắng về sức khỏe và tương lai của con.
- Nghi ngờ về khả năng chăm sóc con của mình.
- Cảm giác vô dụng, vô vọng, kém cõi hoặc tội lỗi.
- Có suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
- Có ý nghĩ làm hại người thân hoặc em bé.
3. Loạn thần sau sinh
Hiếm khi người mẹ bị loạn thần sau sinh. Nhưng nếu người mẹ bị loạn thần sau sinh sẽ rất nguy hiểm vì họ có những suy nghĩ và hành vi đe dọa tính mạng không chỉ với bản thân mà cả người thân của mình. Một số biểu hiện của chứng loạn thần như:
- Rối loạn tư duy, lú lẫn và mất phương hướng.
- Ám ảnh về em bé.
- Xuất hiện ảo giác: nghe, nhìn, ngửi hoặc cảm thấy những thứ không có thực.
- Xuất hiện ảo tưởng: có niềm tin phi lý vào những điều không đúng, cảm thấy mình đang bị ngược đãi hoặc có ảo tưởng về em bé.
- Dễ kích động và có hành động bạo lực.
- Nói hoặc làm những điều kỳ lạ, vô nghĩa.
- Cố gắng gây tổn thương cho bản thân.
- Cố gắng gây hại cho em bé hoặc những người khác.