Mang bầu ở những tuần cuối của thai kỳ, sản phụ T.T đau bụng, chuyển dạ. Khi vào viện, bác sĩ siêu âm đã xác định em bé bị dây rốn quấn cổ.
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh cho biết, Bệnh viện vừa xử trí thành công cho sản phụ 25 tuổi sinh thường thành công bé gái có 4 vòng dây rốn quấn cổ hiếm gặp.
Trước đó, khoảng ngày 24/3, khoa Sản - Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận sản phụ T.T (25 tuổi – Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng mang thai ở những tuần cuối của thai kỳ, đau bụng chuyển dạ sinh. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định sản phụ phù hợp với sinh thường mặc dù khi siêu âm đã xác định em bé bị dây rốn quấn cổ.
Sau 30 phút, ekip các bác sĩ và hộ sinh đã hoàn thành ca sinh, giúp chị T. “vượt cạn” thành công. Em bé được đặt tên ở nhà là Rio với sức khoẻ ổn định, da hồng hào, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt, khóc to khi gặp mẹ và được da kề da với mẹ ngay sau sinh.
Ngay từ khi siêu âm các bác sĩ đã xác định em bé bị dây rốn quấn cổ.
Không giấu được cảm xúc khi ca sinh diễn ra tốt đẹp giúp mẹ tròn con vuông, người nhà của sản phụ T. đã chia sẻ và gửi lời cảm ơn đến đội ngũ bác sĩ cũng như những người ngoài cộng đồng đã quan tâm đến ca sinh hy hữu này.
Đội ngũ bác sĩ trong ca trực cũng dí dỏm chia sẻ về ca sinh đặc biệt này: “Dây rốn quấn cổ không làm ảnh hưởng tới quyết định sinh thường hay sinh mổ cho con. Trong cuộc sinh, tất cả các em bé đều được theo dõi tim bởi chiếc máy đặt trên bụng mẹ bầu. Khi tim bé có dấu hiệu không ổn, bác sĩ sẽ quyết định có cần khẩn cấp mổ lấy bé ra hay không. Vì vậy, bé có dây rốn quấn cổ vẫn có thể sinh bằng phương pháp đẻ thường.
Khi đón một bé có dây rốn quấn cổ, các cô chú hay nói yêu là “bé giàu quá, mới sinh đã có dây chuyền để đeo”. Cứ 3 em bé thì lại có 1 em bé sinh ra "giàu có" như vậy. Nhưng có đến 4 vòng rốn quấn cổ như em bé này thì cũng ít gặp”.
Sản phụ T. cho biết hiện tại sức khoẻ của chị và em bé đã ổn định, gia đình đang làm thủ tục xuất viện trong ngày hôm nay (27/3).
Hình ảnh em bé chào đời với 4 vòng dây rốn quấn cổ.
Theo TS. BS. Lê Thị Thu Hà – Khoa Khám Bệnh - Bệnh viện Từ Dũ, dây rốn là phần nối liền bánh nhau và thai nhi, bên trong dây rốn có 2 động mạch và 1 tĩnh mạch, 3 mạch máu này được bao bọc bởi chất thạch warton. Nhiệm vụ dây rốn nhằm cung cấp máu và các chất dinh dưỡng cho thai nhi cũng như giúp thai nhi thải các chất qua quá trình chuyển hóa ra khỏi cơ thể thai nhi. Chiều dài dây rốn bình thường từ 20 – 60cm.
Một đầu dây rốn cắm vào bánh nhau và đầu còn lại cắm vào rốn bé (phần bụng trước). Thai nhi trong tử cung có những hoạt động như gập duỗi chi, thân người, xoay người,… do vậy có những trường hợp trong quá trình xoay trở của thai nhi làm dây rốn quấn cổ và thân thai. Số vòng dây rốn quấn có thể từ 1 đến nhiều vòng (có khi đến 6 vòng). Nếu dây rốn quấn cổ lỏng thì không có sự chèn ép mạch máu và không nguy cơ trên thai. Nếu dây rốn quấn cổ chặt sẽ chèn ép mạch máu và cản trở lưu thông máu gây suy thai.
Vì thai nhi nằm trong buồng tử cung nên không thể gỡ vòng dây rốn đó ra khỏi cổ bé. Tự thai nhi xoay trở và có khi tự khỏi. Vấn đề chính của mẹ là theo dõi sát cử động thai. Trên thực tế có khá nhiều trường hợp dây rốn quấn cổ từ 1 – 2 vòng mẹ vẫn sinh bé khỏe mạnh, an toàn.