Mẹ chồng chị nằng nặc bắt con dâu ăn đủ 7 quả trứng ngỗng để sau này em bé chào đời được khỏe mạnh, thông minh.
Mang bầu phải ăn 7 quả trứng ngỗng
Chị Phương Mai (Hà Đông, Hà Nội) hiện đang mang thai ở tháng thứ 5. Ngay từ khi mới mang thai, mẹ chồng chị đã chạy vạy đủ nơi để tìm mua trứng ngỗng cho con dâu. Theo quan niệm của bà thì trứng ngỗng rất tốt cho sức khỏe thai kỳ và đặc biệt giúp thai nhi thông minh nữa. Không tin tưởng trứng ngỗng bán ngoài chợ vì sợ trứng công nghiệp và không đảm bảo dưỡng chất, mẹ chị còn phải gửi người ở quê để mua. Chị Mai kể: “Chẳng hiểu sao với mẹ chồng mình thì trứng ngỗng như thần dược vậy. Bà bảo ngày xưa có được quả trứng ngỗng ăn thì quý lắm chứ không tìm được dễ như bây giờ. Vì mình mang bầu con trai nên mẹ chồng bắt ăn đủ 7 quả. Quan niệm của các cụ dù chưa được khoa học chứng minh nhưng mọi người vẫn răm rắp thực hiện theo. Mà mình cư nghe ai bảo ăn gì để con thông minh là làm theo thôi.”
3 tháng đầu mang thai, chị Mai ăn uống kém lắm. Hầu như ngày nào chị cũng bị nôn ói khủng khiếp. Vì vậy mà trứng ngỗng cũng chỉ có thể để trong tủ lạnh. Ngay khi thấy chị hết ốm nghén, mẹ chồng đã căn dặn ngay: “Từ nay đến lúc đẻ con phải cố ăn hết 7 quả trứng ngỗng đấy nhé. Không ăn thì tội cho thằng bé trong bụng.” Dù chẳng thích thú gì với món trứng ngỗng nhưng cứ nghĩ đến lời mẹ chồng, rồi lo con sau này không thông minh, nhanh nhẹn bằng bạn bè mà chị lại cố ăn. Mỗi tháng chị chỉ phải ăn 2 quả thôi nhưng cũng đủ ấm ách trong bụng lắm rồi.
Cùng hoàn cảnh với chị Phương Mai, chị Linh (Long Biên, Hà Nội) cũng thường xuyên phải ăn trứng ngỗng. Điều đáng nói là mẹ chị không chỉ bắt ăn 7 quả hay 9 quả mà phải ăn hàng ngày, ăn suốt thai kỳ. Vừa biết tin con gái có bầu, mẹ chị Linh ở quê đã gửi lên hết thùng này đến thùng khác nào là trứng gà vườn, trứng chim cút và không thể thiếu trứng ngỗng. Chị nói: “Mình mới ăn được 4 tháng, chắc khoảng 10 quả trứng ngỗng mà ngán lắm rồi ý. Mỗi lần ăn trứng ngỗng là phải để trước mặt 2-3 ly nước lọc. Ăn xong một quả trứng thì bụng cũng lo căng vì uống kèm nhiều nước.”
Ăn trứng như việc làm cực hình thế nhưng chị Linh vẫn cố gắng ăn vì chị nghĩ ăn trứng ngỗng sẽ rất tốt cho con, đặc biệt giúp con thông minh, khỏe mạnh. “Thôi dù gì thì cũng chỉ có 9 tháng mang bầu, đành cố gắng nhắm mắt, nhắm mũi để nuốt vì con vậy.”, chị Linh nói.
Trứng ngỗng không quá tốt như nhiều mẹ vẫn nghĩ. (ảnh minh họa)
Trứng ngỗng tốt đến đâu?
Các cụ ngày xưa thường quan niệm, ăn trứng ngỗng khi mang thai sẽ giúp thai nhi khỏe mạnh và thông minh bởi trứng ngỗng nhiều dưỡng chất. Phụ nữ mang thai con trai nên ăn 7 quả và mang thai con gái thì ăn 9 quả. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học hiện đại đã khẳng định, trứng ngỗng không phải là thần dược như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Thậm chí, các dưỡng chất trong trứng ngỗng còn không thể bằng trứng gà.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trứng ngỗng có 13,5% chất protein, 13,2% lipid, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 0,1mg% vitamin PP… So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%).
Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (0,33mg% so với 0,70mg% trong trứng gà). Mặt khác, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không có lợi cho sức khoẻ phụ nữ có thai. Chị em có thể bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao nếu lạm dụng những thực phẩm giàu lipid và cholesterol như trứng ngỗng.
Trên thực tế, chưa có một bằng chứng khoa học nào khẳng định ăn nhiều trứng ngỗng giúp con thông minh. Các mẹ cũng cần biết rằng việc ăn uống khoa học, cân bằng mới là quan trọng. Mẹ bầu có thể bổ sung trứng gà, trứng ngỗng, trứng chim cút vào thực đơn mỗi ngày tuy nhiên cần ăn ở mức độ vừa phải, với trứng gà là 3-4 quả 1 tuần, trứng ngỗng chỉ nên ăn 1 quả/tuần. Mẹ đừng bao giờ ép mình ăn nếu cơ thể không có nhu cầu.