Mang song thai không phải quá hiếm như trước kia nhưng đây vẫn là sự kiện đáng được chú ý bởi những điều đặc biệt không phải ai cũng biết.
Tỷ lệ mang thai đôi đang gia tăng
Theo số liệu thống kê năm 2014 tại Mỹ, số những ca sinh đôi lên tới 135.336 trường hợp. Như vậy, tỷ lệ này đã chiếm tới 3,4% tổng số ca sinh nở và theo trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, đây là con số cao kỷ lục.
Tỷ lệ số ca sinh đôi đang tăng lên đều đặn kể từ năm 1980 đến ngay và theo các chuyên gia, chính phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng như những phương pháp hỗ trợ sinh sản khác đóng vai trò chính là gia tăng tỷ lệ này.
Mẹ càng lớn tuổi càng dễ mang thai đôi
Theo bác sĩ sản phụ khoa Christine Greves (Bệnh viện Phụ nữ và trẻ em Winnie Palmer, Orlando), mặc dù không áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay các cách hỗ trợ sinh sản khác thì bà mẹ lớn tuổi vẫn có khả năng thụ thai đôi tự nhiên cao hơn.
“Đây có thể là điều tất yếu của tự nhiên khi phụ nữ lớn tuổi sẽ không có nhiều thời gian sinh nở nữa và mỗi chu kỳ có thể sẽ rụng tới 2 trứng.”, tiến sĩ Greves nói.
Cặp song sinh thường sống lâu hơn
Trong một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 của đại học Washington, Mỹ chỉ ra rằng các cặp song sinh cùng trứng sống lâu hơn cặp song sinh khác trứng và mọi cặp sinh đôi đều sống thọ hơn dân số nói chung. "Đây là lợi ích từ việc có một người thân thiết ở gần chăm sóc bạn", tiến sĩ David Sharrow dẫn đầu công trình nói. "Họ đem tới sự hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần, từ đó làm tăng tuổi thọ".
Năm 2011, nhóm tác giả từ Đại học Utah chỉ ra sản phụ sinh đôi có xu hướng thọ lâu hơn phụ nữ khác bởi mang song thai thường xảy ra ở người cao lớn, khỏe mạnh.
Sinh đôi – không chỉ có 2 loại
Chúng ta đã nghe đến 2 loại sinh đôi là sinh đôi cùng trứng và sinh đôi khác trứng. Tuy nhiên, còn có những trường hợp song sinh đặc biệt khác như một số cặp anh chị em là sinh đôi gương - ảnh, nghĩa là vết bớt trên cơ thể họ đối xứng với nhau.
Ngoài ra, thời điểm thụ thai hoặc thời điểm chào đời của các bé sinh đôi có thể không cùng lúc mà cách nhau tới 24 ngày.
Thực tế đã ghi nhận không ít những trường hợp mẹ mang bầu song thai nhưng 2 em bé lại được thụ thai khác ngày nhau.
Cặp song sinh có thể khác màu da, thậm chí không cùng bố
Một trường hợp đã được ghi nhận là 2 bé gái Whitney Meyer và Thomas Dean tuy sinh đôi nhưng lại khác nhau hoàn toàn màu da do một bé có làn da sáng trắng của mẹ còn bé còn lại lại lấy nước da sẫm của bố.
Thậm chí, có những trường hợp sinh đôi nhưng lại không cùng bố. Đây là trường hợp vô cùng hy hữu nhưng đã được ghi nhận tại Việt Nam. Khả năng này xảy ra khi người mẹ quan hệ với 2 người đàn ông trong thời điểm trứng rụng.
Song sinh khác trứng được quy định do gen
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia Hà Lan năm 2016 đã xác định 2 biến thể gen làm tăng tỷ lệ mang thai đôi của phụ nữ lần lượt 18% và 9%. Nếu mang cả 2 gen này, tỷ lệ mang song thai tăng lên tới 29%.
Cặp song sinh thường thuận tay trái
Nghiên cứu của các chuyên gia Bỉ năm 1996 đã phát hiện ra rằng cứ 5 cặp song sinh lại có một cặp thuận tay trái. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với dân số nói chung.
Phụ nữ cao có nhiều khả năng mang song thai
Nghiên cứu năm 2006 cho thấy phụ nữ sinh 2, sinh 3 con một lúc thường cao hơn 3 cm so với phụ nữ sinh một. Các tác giả cho rằng phụ nữ cao lớn có nồng độ yếu tố tăng trưởng cao hơn dẫn đến sinh đôi.
Song thai thường được sinh ở tuần 37
Để giảm nguy cơ thai chết lưu và những biến chứng có thể xảy ra, các chuyên gia cho rằng thời gian tốt nhất để sinh cặp song thai là ở tuần 36 hoặc 37 thai kỳ. “Rất nhiều cặp song sinh không thể ở trong bụng mẹ đến 40 tuần vì tử cung của mẹ có hạn vì vậy thường được kích sinh sớm hơn.”, tiến sĩ Greves nói.
Sinh mổ không phải là lựa chọn duy nhất
Khi mang bầu đôi, mọi người thường nghĩ sẽ phải sinh mổ nhưng thực tế thì rất nhiều bà mẹ mang thai đôi vẫn sinh thường khỏe mạnh. “Nếu cả 2 em bé đều quay đầu xuống thuận lợi thì hoàn toàn có thể sinh qua đường âm đạo. Tuy nhiên, để an toàn nhất, phụ nữ mang bầu đôi cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.”, tiến sĩ Greves nói.