Nếu được so sánh, thai nhi 35 tuần tuổi có kích thước bằng khoảng quả dưa hấu với cân nặng từ 2,4 - 2,5kg.
9 tháng 10 ngày mang thai là hành trình tuyệt diệu nhất đối với mỗi người phụ nữ. Trong hành trình này, mẹ sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, ban đầu là cảm giác hồi hộp chờ đợi que thử thai lên hai vạch, rồi cảm giác vỡ òa khi biết mình mang thai, lần đầu tiên cảm nhận được những chuyển động rất nhẹ của con cũng đủ làm mẹ xúc động đến nghẹn ngào... Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc đó, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều mệt mỏi, đau đớn từ những cơn ốm nghén vật vã, đau lưng, đau hông... rồi cơn đau chuyển dạ vật vã trong nước mắt... Thành quả cuối hành trình là mẹ được ôm thiền thần bé bỏng trên tay, còn gì tuyệt vời hơn phải không bạn? Hãy cùng theo dõi hành trình lớn lên từng tuần của thai nhi trong bụng mẹ xem bé của bạn đã lớn từng nào, đã biết làm gì, cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào... trong sự kiện "Sự phát triển của thai nhi" các mẹ nhé! |
Thai nhi
Thai nhi 35 tuần tuổi nặng khoảng 2,4 - 2,5kg và chiều dài đo được từ đầu đến gót chân ước khoảng 44 - 45cm (từ đầu đến mông khoảng 32 - 33cm).
Vào tuần thai này, do chiều dài và trọng lượng của bé tăng lên rất nhanh nên trong tử cung không còn nhiều chỗ trống để bé cuộn mình, nhào lộn nữa, tuy nhiên bé vẫn duy trì những cú đá. Lúc này, thận của bé đã phát triển hoàn toàn và gan có thể lọc chất thải; cơ thể thai nhi cơ bản đã hoàn thiện. Từ tuần 35 trở đi, cơ thể bé chủ yếu là tăng trọng lượng.
Nếu bạn chưa từng nói chuyện với bé thì đừng ngần ngại vào thời điểm này nữa. Ở tuần thứ 35 khả năng nghe của bé đã phát triển đầy đủ. Một số bằng chứng cho thấy trẻ mới sinh sẽ chú ý hơn với những âm thanh ở tần số cao.
Mẹ cũng đừng quá căng thẳng về nguy cơ sinh non bởi 99% trẻ sinh ra từ tuần thứ 35 trở đi đều khỏe mạnh và không gặp vấn đề gì lớn. Mặc dù hệ thần kinh trung ương của bé vẫn còn đang tiếp tục hoàn thiện nhưng phổi thì đã phát triển đầy đủ, sẵn sàng cho quá trình hít thở không khí thay vì trong môi trường nước ối. Dù vậy, hộp sọ của bé thời gian này vẫn còn khá mềm để thuận lợi cho việc chui qua ống sinh của mẹ khi chào đời.
Thai nhi 35 tuần tuổi.
Cơ thể mẹ bầu
Khi mang thai 35 tuần, bụng bầu đã khá lớn nên gây áp lực mạnh lên bàng quang của mẹ khiến chị em thường xuyên mắc chứng đi tiểu và tiểu mất kiểm soát.
Ngoài ra, mẹ cũng sẽ nhận thấy cảm giác râm ran và tê dần dần ở xương chậu – đó là do áp lực của thai nhi lên các dây thần kinh ở khu vực này. Cảm giác này sẽ giảm dần khi bé chào đời. Hãy thư giãn, nghỉ ngơi và tham gia các lớp học cách mát xa. Nếu cảm thấy ngày càng khó chịu thì cần trao đổi với bác sĩ.
Mẹo nhỏ cho mẹ
Việc mẹ cần làm đầu tiên trọng những tuần cuối thai kỳ này là chọn một bệnh viện sinh nở và nếu có thể hãy chọn và liên hệ sớm với bác sĩ để chủ động khi nhận thấy những cơn đau đẻ. Mẹ nên ưu tiên những bệnh viện gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại.
Vào những tuần này, mẹ bầu cũng thường có cảm giác mệt mỏi do bụng bầu nặng nề. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và sắp xếp công việc để nghỉ thai sản nếu mẹ đang đi làm.
Mẹ cũng cần học về các dấu hiệu sinh nở, cách rặn đẻ, các biện pháp hỗ trợ sinh như kích đẻ, đẻ không đau bằng phương pháp gây tê màng cứng… để kịp thời vận dụng khi cơn đau đẻ đến.
Triệu chứng mang thai 35 tuần
Những triệu chứng phổ biến khi mang thai 35 tuần là:
- Ợ nóng, khó tiêu
- Nhức đầu thường xuyên
- Giãn tĩnh mạch
- Trĩ
- Chảy máu nướu răng
- Phát ban ở da
- Vụng về
- Lơ đãng
- Những cơn gò Braxton Hicks (đau đẻ giả)
Xem thêm: Thai nhi 36 tuần tuổi |