Từ tuần thai này, bầu ngực mẹ có thể đã tiết ra rất nhiều sữa non để sẵn sàng cho bé bú ngay sau khi chào đời.
9 tháng 10 ngày mang thai là hành trình tuyệt diệu nhất đối với mỗi người phụ nữ. Trong hành trình này, mẹ sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, ban đầu là cảm giác hồi hộp chờ đợi que thử thai lên hai vạch, rồi cảm giác vỡ òa khi biết mình mang thai, lần đầu tiên cảm nhận được những chuyển động rất nhẹ của con cũng đủ làm mẹ xúc động đến nghẹn ngào... Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc đó, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều mệt mỏi, đau đớn từ những cơn ốm nghén vật vã, đau lưng, đau hông... rồi cơn đau chuyển dạ vật vã trong nước mắt... Thành quả cuối hành trình là mẹ được ôm thiền thần bé bỏng trên tay, còn gì tuyệt vời hơn phải không bạn? Hãy cùng theo dõi hành trình lớn lên từng tuần của thai nhi trong bụng mẹ xem bé của bạn đã lớn từng nào, đã biết làm gì, cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào... trong sự kiện "Sự phát triển của thai nhi" các mẹ nhé! |
Thai nhi
Thai nhi 38 tuần đã thực sự có da có thịt, vì trọng lượng của bé đã đạt khoảng từ 3 - 3,1 kg và tổng chiều dài của bé khoảng 46 - 47 cm (tính từ đầu đến mông khoảng 34 - 35 cm).
Lúc này đầu của bé đã lọt vào hố chậu và được bảo vệ bởi khung xương chậu. Vị trí này sẽ giúp chân và mông bé dễ vận động hơn nhờ không gian rộng hơn. Lúc này bàng quang của bạn bị chèn ép ghê gớm, bạn thường xuyên phải đi tiểu.
Lớp mỡ vẫn đang dày hơn trên người bé, nhưng sự phát triển bắt đầu chững lại. Bạn nhận thấy bạn không tăng cân nữa. Một số phụ nữ còn hơi giảm cân trong hai tuần cuối này. Lúc này, các cơ quan trong cơ thể của bé đã hoàn thiện và sẵn sàng giúp bé thích nghi với môi trường mới bên ngoài bụng mẹ.
Thai nhi tuần 38, bé vẫn tiếp tục nuốt nước ối. Các chất trong nước ối sẽ được chuyển hóa và giữ lại ở ruột, tạo thành lớp phân su màu đen dính. Màu mắt của bé sau khi sinh ra chưa hẳn đã giữ nguyên mà có thể thay đổi trong vòng 1 năm sau khi bé chào đời. Nguyên nhân là do các sắc tố màu trong mắt bé sẽ còn tiếp tục phát triển sau khi bé chào đời.
Thai nhi 38 tuần tuổi.
Cơ thể mẹ bầu
Những tuần cuối này, bạn có thể sẽ bị phù nề ở chân và mắt cá chân là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn thấy phù nhiều và đột ngột ở chân, mắt cá chân, phù nhẹ hơn ở tay; có bất kì sự sưng phù nào ở mặt hoặc sưng húp quanh vùng mắt; tăng cân đột ngột; bị đau đầu khủng khiếp và dai dẳng; có những thay đổi về thị giác (như hoa mắt, chóng mặt hay mất thị lực tạm thời); đau bụng dưới khủng khiếp hoặc dễ xúc động, buồn nôn thì nên đến bệnh viện để được trợ giúp kịp thời, vì đây là những triệu chứng của tình trạng tiền sản giật.
Thời gian này, do bé đã tụt xuống bụng dưới nên bạn sẽ thường xuyên có cảm giác buồn tiểu hơn.
Mẹo hay cho mẹ
Những việc mẹ bầu nên làm trong tuần thai này là:
- Bạn nên đi khám vào tuần này và nói cho bác sĩ biết mọi biểu hiện lạ mà bạn đã gặp trong tuần qua.
- 2 tuần chờ sinh lúc này giống như một trò chơi chờ đợi. Hãy tận hưởng giai đoạn thú vị này trước khi bé thực sự bước chân vào cuộc sống của bạn - hãy ăn uống và nghỉ ngơi thật nhiều.
- Nếu cần sự giúp đỡ vì cảm thấy mình buồn chán trong giai đoạn mang thai thì hãy nhìn về phía trước, nghĩ xem bé chào đời sẽ như thế nào.
- Hãy bắt đầu đọc sách về chăm sóc trẻ. Nếu bạn chưa đọc thì bây giờ là thời gian thích hợp để chuyển sang đọc sách về nuôi dưỡng và chăm sóc bé.
- Ngoài ra, bạn hãy sử dụng thời gian này để chuẩn bị đồ sơ sinh và các vật dụng cần thiết khác, bởi bạn không thể đi ra ngoài sau khi sinh. Hãy chợp mắt, đọc sách và dành thời gian rảnh rỗi với chồng bạn khi có thể, vì sau khi sinh bé, bạn sẽ rất bận rộn nên ít có thời gian để quan tâm, chăm sóc đến chồng.
Triệu chứng mang thai 38 tuần
Những triệu chứng phổ biến khi mang thai 38 tuần là:
- Đi tiểu thường xuyên
- Vùng kín xuất hiện chất nhầy màu đỏ
- Tăng tiết dịch âm đạo
- Triệu chứng tiêu chảy
- Ngứa da
- Sưng phù chân
- Mất ngủ
- Bản năng làm tổ
- Rò rỉ sữa non
- Xuất hiện cơn gò Braxton Hicks
Xem thêm: Thai nhi 39 tuần tuổi |