2 tiếng ngồi xe tôi cũng về nhà chồng vào đúng giữa trưa nắng oi ả 40 độ.
Khi chưa lấy chồng, tôi đã rất hãi hùng với những câu chuyện các chị đồng nghiệp kể về cuộc sống ở chung với mẹ chồng. Bởi thấy mẹ chồng nào cũng khó tính, soi mói con dâu đủ kiểu và mâu thuẫn căng thẳng. Vì thế, ngay khi yêu và trước lúc làm đám cưới với chồng, tôi đã mặc cả, cưới nhau xong bằng mọi giá không chịu sống chung với bố mẹ, phải ra ở riêng ngay. Chồng chiều tôi nên cũng xin ra ở riêng. Còn bố mẹ chồng sống trong căn nhà cũ.
Cũng may vợ chồng tôi sau cưới ở trên thành phố làm việc nên đương nhiên là có cuộc sống tự do thoải mái. Bố mẹ chồng ở quê nên thỉnh thoảng chúng tôi mới về thăm.
Tôi ốm nghén mất 1 quãng thời gian khá dài nên mệt mỏi trong người và ít khi về quê được. (Ảnh minh họa)
Dù bố mẹ chồng ở quê chỉ ở trong căn nhà 3 ngói 3 gian cũ kỹ nhưng sau cưới, họ dồn được 800 triệu cho chúng tôi mua nhà. Vay mượn thêm ngân hàng 800 triệu nữa, chúng tôi cũng mua được căn chung cư 1,6 tỉ ở để ổn định cuộc sống.
Sau kết hôn, tôi cũng cấn bầu luôn lại ốm nghén mất 1 quãng thời gian khá dài nên mệt mỏi trong người và ít khi về quê được. Những lúc về quê nội, thường chỉ có chồng tôi tranh thủ về một mình. Lần nào anh về, bố mẹ cũng gửi cho đủ món ngon để con dâu tẩm bổ. Lúc thì mẹ chồng mua cho tôi mấy hộp sữa bầu gửi lên.
Nghén nên tôi thèm ăn ruốc cá. Mẹ chồng biết vậy ở quê đặt cá chép to để làm ruốc cho con dâu. Bà lúc nào cũng nhắc tôi phải cố gắng ăn làm nhiều bữa để mẹ khỏe con khỏe. Bà cũng mua cho tôi nhiều vitamin, thuốc bổ cho bà bầu bảo phải bổ sung đến tận sau sinh.
Do đợt rồi ốm nghén nặng quá nên tôi thường nằm bẹp giường mà chẳng đi làm được. Tôi phải xin công ty cho nghỉ làm không lương hơn 3 tháng. Ở nhà tôi cũng sốt ruột lắm vì tiền vay ngân hàng mua nhà vẫn phải trả cả gốc lẫn lãi. Nhưng mẹ chồng cứ gọi lên động viên bảo sức khỏe và con cái là quan trọng nhất, cứ dưỡng thai tốt để chồng xoay xỏa, sau khỏe hơn thì đi làm.
Hôm vừa rồi chồng tôi phải đi khảo sát ở nhà máy mới chỗ anh mất 3 ngày. Thấy ở nhà đỡ ốm nghén hẳn, cơ thể khỏe khoắn, lại đã lâu chưa về thăm bố mẹ chồng nên tôi leo lên xe khách về quê bất ngờ, ăn với ông bà bữa cơm để ông bà vui và đỡ sốt ruột cho dâu bầu.
2 tiếng ngồi xe tôi cũng về nhà chồng vào đúng giữa trưa nắng oi ả 40 độ. Bước vào nhà, tôi thoáng thấy 2 ông bà đang ngồi ăn cơm trưa trên chiếc phản giữa nhà. Nhưng vừa thấy con dâu, bố mẹ chồng đã cuống quýt bê mâm vào trong phòng bếp giấu đi. Sau đó mới đon đả chạy ra đón con dâu và hỏi thăm rối rít.
Thấy tôi về, bố mẹ chồng bảo vừa ăn xong cơm trưa. Rồi họ mở điều hòa phòng khách cho tôi ngồi mát. Ông còn sai bà chạy đi mua bát phở to cho con dâu ăn. Bố chồng cứ giục tôi đi rửa tay rồi vào ăn phở cho nóng.
Lúc vào nhà vệ sinh, tôi lén ra bếp mở lồng bàn mâm cơm mà bố mẹ chồng vừa cất đi thì thấy bên trong chỉ có vài con cá khô rán với đĩa rau muống luộc, nước canh có thêm sấu. Hai bát cơm của ông bà đang ăn dở chứ chưa ăn xong. Nhìn mâm cơm đạm bạc của họ mà mắt tôi cay xè.
Tôi hỏi tại sao ông bà lại ăn uống đạm bạc như này lấy đâu ra sức khỏe thì họ ấp úng. Mãi sau mẹ chồng mới bảo thấy 2 con mua nhà còn phải vay mượn nhiều, con dâu bầu ốm nghén nghỉ làm không lương không có thu nhập nên họ tiết kiệm ăn uống và sinh hoạt để dành chút tiền hỗ trợ 2 con trả tiền nhà hoặc cho các con 1 khoản khi con dâu đi đẻ.
Mẹ chồng bảo thấy 2 con mua nhà còn phải vay mượn nhiều, con dâu bầu ốm nghén nghỉ làm không lương không có thu nhập nên họ tiết kiệm ăn uống. (Ảnh minh họa)
Nghe bố mẹ chồng nói mà tôi rớt nước mắt vì thương. Vợ chồng tôi sức dài vai rộng nào đã cho ông bà được đồng nào. Vậy mà chúng tôi lại nhận của ông bà quá nhiều, còn khiến ông bà áp lực tiết kiệm. Ân tình này của bố mẹ chồng bao giờ tôi trả hết đây.
Nhưng bố mẹ chồng cứ cầm tay con dâu bảo, chỉ cần tôi khỏe mạnh, sinh cho ông bà 1 đứa cháu xinh xắn, đáng yêu là đã báo hiếu họ rồi. Thực tình tôi cũng chỉ mong thế và mong hết nghén nhanh để cơ thể khỏe khoắn vừa làm lụng kiếm tiền phụ chồng. Không biết bao giờ thì hết ốm nghén đây?
Khi nào ốm nghén kết thúc?
Theo các bác sĩ sản khoa, hầu hết các mẹ bầu sẽ thấy tình trạng ốm nghén thuyên giảm vào tuần thứ 16 của thai kỳ. Chỉ một số nhỏ (khoảng 10%) còn bị buồn nôn và nôn kéo dài trong suốt thai kỳ cho đến lúc sinh.
Do đó, nếu bị ốm nghén nặng liên tục qua thời điểm này, hãy đến thăm khám bác sĩ sản khoa thường xuyên để được hỗ trợ y tế kịp thời vì ốm nghén có thể gây ra ngộ độc thai nghén rất nguy hiểm. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ, rất dễ sảy thai.
Ngoài một số loại thuốc được bác sĩ kê toa, thai phụ nên dùng thêm các loại thảo dược hay mùi vị giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn như mùi sả, kẹo gừng, trà gừng hoặc bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, uống đủ nước. Ngoài ra chế độ nghỉ dưỡng hoàn toàn, tuyệt đối tránh căng thẳng, lo lắng hay không còn phải vướng bận sẽ giúp người thai phụ thoải mái và dịu đi cảm giác khó chịu của ốm nghén, vượt qua tháng ngày “mang nặng, đẻ đau” một cách nhẹ nhàng nhất để đón con chào đời.