Miệng ông gạt bà đi thế chứ bản thân ông có khi còn lo cho con dâu hơn. Chẳng thế mà lần nào tôi về muộn cũng thấy bố chồng đứng sẵn ở cổng ngó nghiêng.
Ngày trước cưới xong, tôi thật sự muốn dọn ra ở riêng lắm vì ngại cảnh làm dâu. Tuy bố mẹ chồng đều khỏe mạnh, ông bà có lương hưu nhưng tôi vẫn sợ sống chung nhà vì ông vốn là bộ đội nghỉ hưu, nhìn lúc nào cũng nghiêm nghị, ít nói.
Vậy nhưng ngay sau cưới, bố chồng tôi gọi 2 đứa vào nói chuyện:
“Bố mẹ chỉ có vợ chồng con, chúng ta thương con trai thế nào thì cũng thương con dâu thế đó. Con cứ tự nhiên thoải mái như ở nhà đẻ, không phải ý tứ gì đâu”.
Mẹ chồng cũng cười tươi bảo:
“Bố con nói đúng đó. Mẹ chỉ có mỗi thằng con trai, giờ có dâu là mẹ có thêm con gái. Giờ là người một nhà, thích ăn gì cứ bảo mẹ nấu”.
Bố mẹ chồng tôi tâm lý, thương con dâu lắm. (Ảnh minh họa)
Vợ chồng tôi ở chung nên hàng tháng gửi tiền ăn mà lần nào ông bà cũng trả lại:
“Bố mẹ có lương, tiền đó sẽ dùng để lo chi tiêu sinh hoạt gia đình. Các con còn trẻ, tiền kiếm được vất vả, giữ lại mà tích cóp sau mua nhà”.
Cưới được gần 1 năm tôi có bầu, bố mẹ chồng tôi càng quan tâm con dâu hơn. Nhất là bố chồng, biết sắp được lên chức ông nội, ông vui ra mặt, nói cười nhiều hơn, lúc nào cũng dặn mẹ chồng:
“Con dâu có thai cần tẩm bổ nhiều mới có sức. Bà đi chợ phải để ý chọn đồ tươi ngon, không được tiết kiệm nhé”.
Nhiều hôm bà đi chợ mua đủ thịt cá rồi mà ông vẫn còn chạy ra mua thêm đôi chim câu về đề bà hầm cho tôi ăn. Cũng vì thế mà mới mang thai được 6 tháng mà tôi đã tăng 12kg, em bé cũng to hơn so với tuổi thai. Mặc dù mấy lần đi khám cùng con dâu, nghe bác sĩ nói không cần bồi bổ cho tôi quá nhiều, thai to quá sau vừa khó sinh, nguy cơ tiểu đường thai kỳ lớn, mẹ cũng khó về dáng nhưng ông bà cũng chỉ hạn chế đồ ăn được vài bữa rồi lại sốt ruột chăm tôi như cũ.
Cũng sau 1 thời gian sống chung nhà, tôi nhận ra bố chồng tuy ít nói nhưng ông nói câu nào chắc câu đó, đặc biệt cực kỳ tình cảm.
Vì chồng không có nhà nên xe cộ của tôi toàn bố chồng rửa với thay dầu. Ông có 1 cuốn sổ nhỏ ghi lịch thay dầu của từng thành viên trong gia đình. Riêng xe của con dâu, ông để ý lắm vì ông bảo:
“Con đi làm xa, xe cộ phải thật cần thận, kiểm tra thường xuyên mới an toàn”.
Đặc biệt, mỗi lần thấy con dâu đi làm về muộn, bố mẹ chồng lo lắm. Bà nấu cơm đợi thì cứ đứng lên ngồi xuống thở dài:
“Đường đất xa xôi, xe cộ nhiều, con bé lại bụng mang dạ chửa đi đường tôi lo quá mà bảo nó nghỉ việc thì nó không chịu”.
Bố chồng nghe thế lại chẹp miệng:
“Bà cứ thần tính át thần hồn. Chắc con nó làm thêm giờ chứ vấn đề gì mà bà cứ than”.
Tôi nhận ra bố chồng tuy ít nói nhưng ông nói câu nào chắc câu đó, đặc biệt cực kỳ tình cảm. (Ảnh minh họa)
Miệng ông gạt bà đi thế chứ bản thân ông có khi còn lo cho dâu hơn. Chẳng thế mà lần nào tôi về muộn cũng thấy bố chồng đứng sẵn ở cổng ngó nghiêng. Hôm trươc cũng thế, công ty họp muộn, tôi về tới nhà là 7h tối. Vừa gần tới cổng đã thấy bố chồng lạch cạch mở cửa:
“Con về tới đây là bố yên tâm rồi. Đi đường có mệt lắm không? Đưa xe bố dắt vào cho lên nhà rửa chân tay đi để ăn cơm cho nóng”.
Mẹ chồng nghe tiếng con dâu là vội vàng đi hâm lại đồ ăn, bà bưng nguyên 1 con chim bồ câu hầm lá ngải, rồi bát canh cá chép lên giục con dâu ăn khiến tôi cảm động vô cùng. Thực sự tôi thấy mình quá may mắn mới có được bố mẹ chồng tâm lý thương con dâu hết mực. Có điều ông bà bồi bổ cho tôi nhiều quá khiến tôi tăng cân mất kiểm soát, sau này sinh xong giảm cân sẽ vất vả. Cứ đà này, không biết lúc lên bàn sinh, tôi tăng bao nhiêu cân nữa.
Tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ là hợp lý?
Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi, chỉ số tăng cân hợp lý của người mẹ lúc mang thai phụ thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ và tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.
Tùy theo tình trạng dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể: BMI(*)) trước khi có thai của người mẹ mà khuyến nghị mức tăng cân như sau:
(*) Chỉ số BMI = cân nặng (kg) / [chiều cao * chiều cao] (m)
1) Với tình trạng dinh dưỡng bình thường (BMI: 18,5 – 24,9): mức tăng cân của người mẹ nên đạt là 10 – 12 kg. Mức tăng cụ thể như sau:
+ 3 tháng đầu (quý I): tăng 1 kg
+ 3 tháng giữa (quý II): tăng 4 - 5 kg
+ 3 tháng cuối (quý III): tăng 5 - 6 kg
2) Với tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI: <18,5): mức tăng cân nên đạt 25% so với cân nặng trước khi mang thai.
Ví dụ: Phụ nữ nặng 40,5kg – cao 1,5m à BMI = 18 (tình trạng dinh dưỡng gầy), thì khi mang thai mức tăng cân là khoảng 10kg (#25%)
3) Với tình trạng dinh dưỡng thừa cân, béo phì (BMI: > hoặc bằng 25): mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi mang thai.
Ví dụ: Phụ nữ nặng 70kg – cao 1,5m à BMI # 31 (tình trạng dinh dưỡng thừa cân, béo phì), thì khi mang thai mức tăng cân là khoảng 10kg (#15%)
Lưu ý:
- Từ tháng thứ 4 của thai kỳ mẹ bầu nên tăng trong khoảng 1,5 – 2kg mỗi tháng. Nên kiểm tra cân nặng đều đặn và liên hệ bác sĩ để được tư vấn nếu mẹ tăng ít hơn 1kg hay quá 3 kg mỗi tháng.
- Tăng cân quá ít hay quá nhiều đều có ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe của mẹ và bé. Mẹ bầu nên lưu ý rằng “ăn cho 2 người” không đồng nghĩa là “ăn gấp đôi”, điều quan trọng là người mẹ phải có chế độ ăn hợp lý để đảm bảo đủ năng lượng (lưu ý không được ăn quá ngọt hay quá béo)
- Thời gian mang thai KHÔNG phải là khoảng thời gian thích hợp cho việc giảm cân giữ dáng.
- Tăng cân quá nhiều dễ dẫn đến nguy cơ: tiền sản giật, đái tháo đường, tăng tỉ lệ sanh non, tăng tỉ lệ sanh mổ.
- Tăng cân quá ít dễ dẫn đến tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai suy sinh dưỡng, tăng tỉ lệ sinh non.