Muối hồng được coi là loại muối tinh khiết nhất thế giới. Vậy tác dụng của muối hồng đối với sức khoẻ ra sao, dùng quá nhiều có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?
Muối hồng là gì?
Khi nhắc đến muối hồng, ai cũng ngầm hiểu rằng đó là muối hồng Himalaya. Muối hồng Himalaya là một loại muối đá từ vùng Punjab của Pakistan, gần chân đồi của dãy Himalaya.
Nhiều nhận định cho rằng muối hồng Himalaya là một trong những loại muối tinh khiết nhất và mang lại vô số lợi ích cho sức khoẻ.
Thành phần của muối hồng Himalaya
Muối hồng Himalaya có tính chất hóa học tương tự như muối ăn. Thành phần chính của nó bao gồm:
- 98% natri clorua
- 2% còn lại bao gồm các khoáng chất vi lượng, chẳng hạn như kali, magiê và canxi. Những khoáng chất này giúp cho muối có màu hồng nhạt, đồng thời cũng giải thích lí do tại sao muối Himalaya có vị khác với muối ăn thông thường.
Tác dụng của muối hồng được đánh giá cao đối với sức khoẻ.
Muối hồng được sử dụng như thế nào?
Loại muối này được sử dụng như các loại muối thông thường khi nấu ăn, gia giảm gia vị và bảo quản thực phẩm.
Với những khối muối hồng lớn, người ta sử dụng làm thớt, bề mặt để nấu nướng trực tiếp hoặc để bày biện thức ăn lên.
Một số người cũng sử dụng muối hồng Himalaya như một loại muối tắm.
Tại sao cơ thể cần muối?
Natri là một khoáng chất vi lượng thiết yếu được tìm thấy trong muối. Cơ thể cần chất này cho một loạt các chức năng, ngoài ra còn hỗ trợ:
- Điều hoà và thư giãn cơ bắp
- Duy trì và cân bằng chất lỏng thích hợp trong cơ thể
- Ngăn ngừa mất nước
- Gửi các xung động thần kinh
- Ngăn ngừa huyết áp thấp
Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng ăn muối có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tiêu diệt vi khuẩn có hại.
Một nghiên cứu khác trên động vật cũng đã giúp các nhà khoa học chứng minh muối có thể có tác động tích cực đến các triệu chứng trầm cảm.
Cơ thể luôn cần muối để có thể hoạt động đúng đắn.
Tác dụng của muối hồng
1. Hàm lượng khoáng chất phong phú
Muối hồng có tác dụng gì? Đầu tiên phải kể đến hàm lượng khoáng chất có trong muối hồng. Một số nguồn tin nói rằng muối hồng Himalaya chứa tới 84 khoáng chất vi lượng khác nhau. Tuy chỉ chiếm 2% thành phần (98% còn lại là natri clorua) nhưng những khoáng chất này đều tốt cho cơ thể, như kali, magie, canxi.
Nhiều người cho rằng với hàm lượng ít như vậy, có lẽ muối hồng sẽ không cung cấp bất kì lợi ích gì cho sức khoẻ hoặc ảnh hưởng không đáng kể.
2. Hàm lượng natri thấp
Một số người tin rằng muối hồng Himalaya có hàm lượng natri thấp hơn muối ăn thông thường. Tuy nhiên, cả hai loại đều chứa khoảng 98% natri clorua.
Vì muối hồng thường có tinh thể lớn hơn muối ăn, nên về mặt kỹ thuật, nó chứa ít natri hơn nếu tính theo mỗi muỗng cà phê. Nó cũng có hương vị mặn hơn muối ăn, nghĩa là chúng ta sẽ sử dụng ít muối hơn, từ đó giảm lượng natri nạp từ muối.
Tuy nhiên, muối hồng cũng có sẵn ở kích thước hạt nhỏ hơn, gần giống với muối thông thường. Vậy nên hãy phân biệt kĩ 2 loại muối trước khi nêm đồ ăn, nếu không thức ăn sẽ vừa mặn vừa nhiều natri.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên rằng hơn 75% lượng natri đến từ muối đã có trong thực phẩm chế biến sẵn. Vậy nên thêm muối vào thức ăn thường không làm ảnh hưởng quá nhiều đến lượng natri.
3. Chất lượng tự nhiên
Một số người cho rằng muối Himalaya "tự nhiên" hơn muối ăn.
Muối ăn thường được tinh chế và trộn với các chất chống đóng bánh để ngăn ngừa vón cục, chẳng hạn như natri aluminosilicate hoặc magiê carbonate. Ngược lại, muối Himalaya ít nhân tạo hơn và thường không chứa chất phụ gia.
4. Trợ giúp hydrat hóa
Một số người tin rằng thêm một chút muối hồng vào thức ăn hoặc đồ uống có thể giúp cơ thể đạt được sự cân bằng chất lỏng tối ưu và ngăn ngừa mất nước. Đây cũng là tác dụng của muối hồng gây tranh cãi nhất.
Đúng là natri cần thiết để duy trì cân bằng chất lỏng thích hợp trong cơ thể. Tuy nhiên, điều này đúng với natri đến từ các nguồn khác nữa, chứ không chỉ từ muối hồng Himalaya.
Muối hồng Himalaya vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu để chứng minh tác dụng đối với sức khoẻ.
Rủi ro khi sử dụng muối hồng
1. Thiếu iốt
Iốt là một khoáng chất mà cơ thể cần để duy trì chức năng tuyến giáp và chuyển hóa tế bào thích hợp. Nguồn cung cấp iốt thường gặp bao gồm cá, rong biển, sữa, trứng, ...
Muối iốt là một nguồn phổ biến khác của khoáng chất vi lượng này. Khoảng 75% hộ gia đình ở Hoa Kỳ sử dụng muối iốt.
Mặc dù muối hồng Himalaya tự nhiên có chứa iốt, nhưng rất có thể nó chứa ít iốt hơn muối iốt. Do đó, những người bị thiếu iốt hoặc có nguy cơ thiếu hụt cần phải bổ sung thêm iốt nếu sử dụng muối hồng thay muối ăn.
2. Thừa natri
Mặc dù natri là một chất cần thiết để duy trì sự sống, nhưng chúng ta vẫn phải theo dõi lượng muối ăn hợp lí. Do quá nhiều natri có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Những người có vấn đề về thận, tim, hoặc gan, hoặc những người có chế độ ăn hạn chế natri, nên theo dõi lượng natri của họ. Đồng thời hạn chế sử dụng tất cả các loại muối, bao gồm cả muối hồng Himalaya.
Ngay cả những người có sức khỏe tốt cũng nên theo dõi lượng natri nạp vào. Một báo cáo năm 2016 từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết, hơn 90% trẻ em và 89% người lớn tiêu thụ nhiều hơn lượng natri khuyến nghị.
Khuyến cáo lượng natri trong muối
Bao nhiêu natri là đủ? Hướng dẫn chế độ ăn uống 2015 đến 2020 cho người Mỹ khuyến nghị, mọi người nên ăn ít hơn 2.300 miligam (mg) natri mỗi ngày. Lượng natri này tương đương với khoảng 1 muỗng cà phê muối ăn thông thường.
Những người bị huyết áp cao nên hạn chế lượng natri, dưới 1500 mg mỗi ngày.
Muối chứa 40% natri. Một số lượng muối nhất định có chứa lượng natri sau đây:
- 1/4 muỗng cà phê muối: 575 mg natri
- 1/2 muỗng cà phê muối: 1.150 mg natri
- 3/4 muỗng cà phê muối: 1.725 mg natri
- 1 muỗng cà phê muối: 2.300 mg natri
Hầu hết mọi người đều đang tiêu thụ nhiều hơn lượng này.
Tác hại khi thừa natri
Khi mọi người hấp thụ nhiều natri hơn mức cần thiết, thận sẽ cố gắng loại bỏ lượng natri dư thừa qua nước tiểu. Nếu thận không thể loại bỏ kĩ lưỡng, natri sẽ bắt đầu tích tụ trong chất lỏng giữa các tế bào, với tên gọi là dịch kẽ.
Điều này làm cho cả lượng nước và lượng máu trong cơ thể tăng lên, gây căng thẳng cho tim và mạch máu.
Một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có liên quan đến lượng natri cao, bao gồm:
- Huyết áp cao
- Các bệnh về tim
- Đột quỵ
- Tổn thương gan
- Loãng xương
- Các bệnh về thận
Tiêu thụ quá nhiều muối thậm chí có thể góp phần gây ra các bệnh tự miễn, chẳng hạn như đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, lupus và bệnh vẩy nến, vì nó kích thích quá mạnh đến hệ thống miễn dịch.