Những món canh dưới đây không chỉ là món ăn ngon mỗi ngày mà có tác dụng không kém gì các loại thuốc bổ giúp bổ máu, cung cấp vitamin, thải độc cơ thể,...
1. Canh rau dền nấu thịt băm
Theo Tây y, rau dền có khả năng thải trừ chất phóng xạ, thanh thải chất độc vì có nhiều sterol, các acid béo không no.
Còn theo Đông y, rau dền cơm vị ngọt tính hàn, rau dền tía vị ngọt mát, có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, ích khí và khai khiếu. Thịt lợn nạc chứa nhiều protein, chứa nhiều hemoglobin, có tác dụng chống thiếu máu. Cơ thể sẽ dễ hấp thụ hemoglobin trong thịt lợn nạc có tác dụng bổ sắt hiệu quả. Kết hợp 2 thứ này với nhau sẽ được món canh có tác dụng mát bổ, kích thích tiêu hóa, giải độc, giúp cơ thể hồng hào, khỏe khoắn.
2. Canh cua rau đay, mồng tơi
Rau mồng tơi có vị ngọt, nhạt, nhớt, tính mát, có tác dụng lưu thông huyết mạch, lợi tiểu, nhuận trường. Ngoài ra, còn có công hiệu giúp mát máu, điều hòa khí huyết, thanh lọc dạ dày và ruột, trị táo bón, chống tích tụ, trị đau mắt, sưng đau vú, huyết vận và huyết tụ.
Món canh cua rau đay, mồng tơi đặc biệt thích hợp ăn trong mùa hè, là món canh thanh mát.
3. Canh bí đao nấu ngao
Theo Đông y, thịt ngao có tính hàn, vị ngọt mặn, không độc, có công dụng giải độc, tiêu khát, tư âm, lợi thủy, hóa đờm, trị được chứng ho nhiều đờm, loét dạ dày hành tá tràng, băng huyết, trĩ. Trong khi đó, bí đao có vị ngọt, tính lạnh, không độc, có tác dụng lợi tiểu tiện, tiêu phù thũng, thanh nhiệt, tiêu viêm. Kết hợp 2 món này với nhau sẽ được món canh bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
4. Canh bầu nấu nghêu
Nghêu giàu phốt pho, protein, vitamin A, C, sắt, kẽm… rất có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, nghêu có lượng sắt còn nhiều hơn cả thịt bò nên rất bổ máu, thích hợp cho bà bầu, trẻ em và những người ốm yếu cần bồi bổ.
Ăn nghêu còn tăng cường hệ miễn dịch, giúp người cảm bệnh mau khỏi ốm, người bình thường thì càng khỏe mạnh hơn, ngừa loãng xương, tốt cho tim mạch, đẹp da, phòng bệnh tiểu đường.
5. Canh rong biển
Rong biển có nhiều công dụng như giảm mỡ máu, giảm đường trong máu, điều tiết hệ miễn dịch, chống đông máu, chống u bướu, giải độc chì và chống oxi hoá. Đặc biệt nếu thường xuyên ăn rong biển có thể tăng hấp thụ i-ốt, phòng ngừa và điều trị bệnh bướu cổ.
Ngoài ra, rong biển chứa lượng lớn axit béo không bão hoà và chất xơ, có thể thanh trừ các cholesterol bám trên thành mạch máu, hỗ trợ tiêu hoá, thúc đẩy bài tiết cholesterol.
6. Canh củ cải sườn non
Theo Đông y, củ cải có vị cay ngọt, tính bình, có tác dụng lưu thông hơi thở, trừ đờm, hỗ trợ tiêu hóa, lợi tiểu, tiêu thũng, giải độc. Bên cạnh đó, củ cải trắng giàu chất xơ, canxi, sắt, axit folic, choline, vitamin C, B3, magie, phốt pho, kali, natri… nên rất bổ máu cho phụ nữ mang thai và con nít.
Kết hợp củ cải với sườn non sẽ giúp canh thêm ngọt vị, dễ ăn.
7. Canh mướp đắng thịt nạc
Mướp đắng có tính mát, vị đắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể, chống say nắng, sáng mắt. Ngoài ra, mướp đắng giàu khoáng chất, đặc biệt là lượng vitamin C dồi dào (đứng đầu trong các loại rau, dưa, bí, gấp 5 – 20 lần dưa chuột) nên mướp đắng có nhiều công dụng cho sức khỏe con người
Thịt nạc là thực phẩm có chứa nhiều dưỡng chất, mang lại nguồn năng lượng dồi dào.