Một số dấu hiệu tưởng chừng như vô hại trên da, móng tay hoặc dái tai lại là lời cảnh báo âm thầm từ trái tim. Nhận biết và hành động kịp thời có thể cứu lấy sức khỏe và mạng sống của chính bạn.
Bệnh tim được ví như "kẻ giết người thầm lặng" bởi chúng diễn tiến âm thầm nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong một cách đột ngột. Tuy nhiên, trước khi bệnh trở nên nguy hiểm, cơ thể thường gửi đi những tín hiệu cảnh báo sớm mà nhiều người vô tình bỏ qua.
Đôi khi, những thay đổi nhỏ ở da, móng tay hay dái tai không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn phản ánh tình trạng sức khỏe của trái tim. Nhận biết sớm các dấu hiệu này và thăm khám kịp thời chính là cách bảo vệ sức khỏe tim mạch, tránh những biến chứng không mong muốn.
Giai đoạn đầu của một số bệnh tim mạch thường biểu hiện qua da. (Ảnh minh họa).
1. U vàng hoặc ban đỏ - Dấu hiệu mỡ máu và bệnh tim
U vàng (xanthomas) hay ban đỏ là những tổn thương màu vàng, đôi khi kèm ban đỏ, xuất hiện trên da, đặc biệt ở các khu vực như khuỷu tay, đầu gối, gân hoặc quanh mắt. Nhiều người nhầm lẫn đây là vấn đề da liễu, nhưng thực tế, chúng thường là biểu hiện sớm của tình trạng rối loạn mỡ máu hoặc mỡ máu cao, làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh tim mạch.
Các u vàng hình thành do sự tích tụ cholesterol dưới da. Nếu cơ thể không chuyển hóa cholesterol hiệu quả, mỡ dư thừa sẽ "định cư" ở lớp hạ bì, tạo nên các khối u mềm hoặc các mảng sần sùi, có thể xem đây cảnh báo nguy cơ xơ vữa động mạch - thủ phạm chính gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Ngoài u vàng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng kèm theo như: đau ngực, khó thở, hoặc nhức mỏi tay chân. Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện u vàng, bạn nên kiểm tra mức cholesterol trong máu và thực hiện tầm soát tim mạch. Điều trị thường bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc hạ mỡ máu và kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch.
Đừng chủ quan nghĩ rằng u vàng chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình. Đây chính là lời cảnh báo nhỏ nhưng nguy hiểm mà trái tim gửi đến bạn.
Đôi khi u vàng hoặc ban đỏ là dấu hiệu của mỡ máu và bệnh tim. (Ảnh minh họa).
2. Ngón tay dùi trống - Tim, phổi không khỏe
Ngón tay dùi trống (clubbing) là tình trạng phần đầu ngón tay hoặc ngón chân phình to, tròn, mềm hơn bình thường, trông giống như đầu dùi trống. Nhiều người nghĩ đây chỉ là dị tật hoặc vấn đề cơ học, nhưng thực chất, đây là dấu hiệu lâm sàng quan trọng cho thấy tim và phổi đang gặp vấn đề.
Tình trạng này thường liên quan đến các bệnh lý mạn tính làm giảm oxy trong máu như: suy tim, bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mạn tính. Khi lượng oxy trong máu thấp kéo dài, cơ thể sẽ kích thích tăng sinh mô mềm quanh móng tay để cải thiện lưu lượng máu, gây ra hiện tượng phình to ở đầu ngón.
Ngoài thay đổi hình dáng ngón tay, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, tím môi hoặc đau tức ngực. Ngón tay dùi trống không chỉ là dấu hiệu của bệnh tim mà còn có thể liên quan đến các bệnh nguy hiểm khác như: xơ phổi, ung thư phổi hoặc bệnh gan,...
Nếu phát hiện ngón tay có hình dáng bất thường, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân gốc rễ. Điều trị tập trung vào xử lý nguyên nhân cơ bản và cải thiện chức năng tim mạch hoặc hô hấp.
Không chỉ tim, một số bệnh lý về gan, phổi cũng biểu hiện qua ngón tay. (Ảnh minh họa).
3. Nếp gấp lạ ở tai - Bệnh động mạch vành
Nếp gấp lạ ở dái tai, thường được gọi là "dấu hiệu Frank", là một đường gấp chéo xuất hiện ở dái tai. Mặc dù đây là hiện tượng ít được chú ý, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ đáng ngạc nhiên giữa dấu hiệu này và bệnh lý động mạch vành.
Lý giải khoa học cho thấy, nếp gấp này có thể là biểu hiện của việc lưu thông máu kém do xơ vữa động mạch. Dòng máu giảm cấp đến dái tai - khu vực có hệ thống mao mạch phong phú, có thể gây ra sự hình thành của nếp gấp này. Nhiều nghiên cứu cho thấy người có dấu hiệu Frank thường có nguy cơ cao mắc các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Dấu hiệu này thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc hút thuốc lá. Tuy nhiên, không phải ai có nếp gấp dái tai cũng mắc bệnh tim, đây không phải là dấu hiệu chẩn đoán chính xác, nhưng tốt nhất, bạn vẫn nên thăm khám nếu đột nhiên triệu chứng này xuất hiện.