Căn bệnh khiến bé gái tử vong, 31 người phải cách ly nguy hiểm thế nào, phòng tránh ra sao?

Ngày 06/09/2019 19:00 PM (GMT+7)

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp, tốc độ lây lan rất nhanh và gây nhiều biến chứng nặng, bệnh có thể gây tử vong từ 6 đến 10 ngày.

Mới đây, một bé gái ở tỉnh Đắk Lắk mắc bệnh bạch hầu sau đó tử vong, đám tang bé gái này có nhiều người tham gia, sau đó cơ quan y tế đã phải tiến hành cách ly vì sợ lây bệnh. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện thêm hiện đã xác định thêm 3 trường hợp dương tính với bệnh này. Đáng nói, cả 3 ca bệnh đều là người thân của bé gái mới tử vong trước đó.

Trước tình trạng trên, 31 người liên quan phải nhập viện cách ly là những người có tiếp xúc với em bé hoặc tham gia viếng thăm trong đám tang của nữ bệnh nhi có một số triệu chứng của bệnh như sốt, ho. Trong số này, người lớn tuổi nhất 45 tuổi, trường hợp ít tuổi nhất là 2 tuổi.

Căn bệnh khiến bé gái tử vong, 31 người phải cách ly nguy hiểm thế nào, phòng tránh ra sao? - 1

Căn nhà nơi cháu bé mắc bệnh bạch hầu tử vong đã bị cách ly.

PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Khi mắc bệnh bạch hầu, các dấu hiệu ban đầu thường là sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày thì xuất hiện giả mạc ở mặt sau hoặc 2 bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Đây là dấu hiệu quan trọng để phát hiện bệnh.

Khi bệnh nặng, các biểu hiện thường có là sưng to cổ (do nổi hạch ở dưới hàm), khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt (là do nhiễm độc thần kinh làm tê liệt thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh sọ não, thần kinh cảm giác). Bệnh thường có những biến chứng rất nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống dẫn đến suy hô hấp… Bệnh có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu hoặc DTP, tiêm đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Vụ bé gái tử vong vì bệnh bạch hầu: 3 người thân nhiễm bệnh, cách ly 31 người liên quan
Thêm 3 người ở Đắk Lắk được xác định nhiễm bệnh bạch hầu, 31 người phải nhập viện cách ly để theo dõi. Trong đó, người ít tuổi nhất là em bé chỉ mới 2...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác