Đau nhức xương khớp và những cảnh báo cần quan tâm

Đau nhức xương khớp là căn bệnh vô cùng phổ biến hiện nay ở người lớn tuổi hoặc những người thường xuyên phải làm việc nặng nhọc. Bệnh xảy ra như là một lời cảnh báo nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, rất cần được điều trị dứt điểm để không còn tái phát.

Tổng quan về bệnh

Đau nhức xương khớp là căn bệnh vô cùng phổ biến hiện nay, bệnh thường gây ra những cơn đau nhức ở bàn tay, bàn chân, hông, đầu gối hoặc cột sống. Cơn đau nhức xương khớp có thể xảy ra liên tục hoặc nó có thể diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Đôi khi người bệnh có thể cảm thấy sự cứng, nhức hoặc đau tại các khớp xương. Một số người bệnh còn phàn nàn về cảm giác bỏng rát, đau nhói hoặc nóng râm ran tại khớp.

Ngoài ra, khớp xương của người bệnh có thể cảm thấy hơi cứng vào buổi sáng nhưng sẽ mềm ra và cảm thấy dễ chịu hơn khi vận động và hoạt động. Tuy nhiên, nếu vận động thể chất quá nhiều có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Đau nhức xương khớp có thể ảnh hưởng đến chức năng làm việc của khớp và có thể hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Đau khớp nghiêm trọng thậm chí có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc điều trị tình trạng đau nhức xương khớp không chỉ tập trung vào cơn đau mà còn vào các hoạt động và chức năng bị ảnh hưởng.

Những ai có khả năng dễ mắc phải đau nhức xương khớp?

Đau nhức xương khớp có xu hướng ảnh hưởng đến những đối tượng sau đây:

- Những người đã từng bị chấn thương khớp trước đây do tai nạn giao thông, tai nạn khi chơi thể thao,...

- Những người có tiền sử lặp đi lặp lại việc tập thể dục quá độ, lạm dụng cơ bắp,...

- Những người bị viêm khớp hoặc mắc phải các bệnh mãn tính khác.

- Người bị trầm cảm, lo lắng hoặc căng thẳng kéo dài.

- Những người bị thừa cân, béo phì.

- Những người có sức đề kháng kém, hay ốm vặt, sức khỏe kém.

Tuổi tác cũng là một yếu tố khiến khớp bị cứng và đau nhức. Sau nhiều năm vận động sẽ dẫn đến sự hao mòn ở các khớp, các vấn đề có thể trầm trọng hơn ở những người lớn tuổi.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng đau nhức xương khớp ở người có thể gồm những nguyên nhân chính sau đây:

- Người bệnh bị mắc thoái hóa khớp, một loại viêm khớp phổ biến, xảy ra theo thời gian khi lớp sụn, lớp đệm bảo vệ giữa xương bị mòn đi dẫn đến các khớp trở nên đau và cứng nhắc hơn. Thoái hóa khớp phát triển chậm và thường xảy ra ở độ tuổi trung niên trở đi.

- Người bệnh bị chứng viêm khớp dạng thấp, đây là một bệnh mãn tính gây sưng và đau các khớp. Thường thì các khớp bị biến dạng (thường xảy ra ở ngón tay và cổ tay).

- Người bệnh bị mắc phải bệnh gout, đây là một tình trạng đau đớn khi các tinh thể từ cơ thể tích tụ trong khớp, gây đau và sưng tấy dữ dội. Điều này thường xảy ra ở ngón chân cái.

- Người bệnh bị viêm bao hoạt dịch là do vận động quá mức. Nó thường được tìm thấy ở hông, đầu gối, khuỷu tay hoặc vai.

- Người bệnh bị nhiễm vi rút, phát ban hoặc sốt có thể khiến cử động khớp bị đau.

- Người bệnh bị chấn thương, chẳng hạn như gãy xương hoặc bong gân do tai nạn giao thông hoặc chơi thể thao.

- Người bệnh có thể bị mắc viêm gân, đó là tình trạng viêm của các gân, hoặc các dải linh hoạt kết nối xương và cơ. Nó thường thấy ở khuỷu tay, gót chân hoặc vai và thường là do hoạt động quá mức.

Các biến chứng thường gặp

Trong một số trường hợp, cơn đau nhức xương khớp của người bệnh diễn ra nghiêm trọng sẽ khiến họ phải đến gặp bác sĩ. Người bệnh tốt nhất nên đặt lịch hẹn khám nếu như họ không biết nguyên nhân gây đau nhức xương khớp của mình và đang có các triệu chứng khác không rõ nguyên nhân.

Người bệnh cũng nên đi khám nếu xảy ra các tình trạng sau:

- Khu vực xung quanh khớp bị sưng, đỏ, mềm hoặc nóng rát khi chạm vào.

- Các cơn đau kéo dài trong ba ngày hoặc hơn.

- Người bệnh bị sốt nhưng không có dấu hiệu khác của bệnh cúm.

Người bệnh phải lập tức đến ngay bệnh viện để điều trị khẩn cấp nếu bất kỳ điều nào sau đây xảy ra:

- Người bệnh đã trải qua một chấn thương nghiêm trọng.

- Khớp xuất hiện biến dạng.

- Sưng khớp xảy ra đột ngột.

- Khớp hoàn toàn bất động.

- Người bệnh bị đau khớp dữ dội.

Cách điều trị

Mặc dù có thể không có cách chữa trị cơn đau nhức xương khớp một cách hoàn toàn, thế nhưng nó có thể được kiểm soát để giúp bệnh nhân thuyên giảm tình trạng bệnh của mình. Đôi khi cơn đau nhức xương khớp có thể biến mất bằng cách dùng thuốc không kê đơn hoặc bằng cách thực hiện các bài tập đơn giản hàng ngày. Những lần khác, cơn đau có thể báo hiệu các vấn đề chỉ có thể được khắc phục bằng thuốc theo toa hoặc phẫu thuật.

1. Một số phương pháp điều trị đau nhức xương khớp tại nhà

- Các phương pháp điều trị đơn giản tại nhà, chẳng hạn như chườm nóng hoặc chườm đá lên vùng bị ảnh hưởng, có thể được khuyến nghị trong thời gian ngắn, vài lần một ngày. Bạn hãy ngâm mình trong bồn tắm nước ấm cũng có thể giúp tình trạng bệnh thuyên giảm đi đáng kể.

- Tập thể dục có thể giúp lấy lại được sự dẻo dai và sức khỏe. Tốt nhất là bạn nên đi bộ, bơi lội hoặc các bài tập thể dục nhịp điệu có tác động thấp đến các khớp. Nên nhờ bác sĩ tư vấn trước khi bắt đầu hoặc tiếp tục bất kỳ kế hoạch luyện tập thể dục nào.

- Giảm cân cũng có thể được bác sĩ đề nghị, để giảm bớt áp lực cho khớp.

- Người bệnh có thể tìm mua thuốc Acetaminophen, (Tylenol®) hoặc thuốc chống viêm (ibuprofen) , có thể giúp giảm cơn đau nhức hiệu quả. Cả hai loại thuốc này đều có bán tại quầy, nhưng liều mạnh hơn có thể cần đơn của bác sĩ. Nếu bạn có tiền sử loét dạ dày, bệnh thận hoặc bệnh gan, hãy hỏi bác sĩ để xem liệu đây có phải là một lựa chọn tốt cho bạn hay không.

- Sử dụng các phương pháp điều trị tại chỗ, chẳng hạn như thuốc mỡ hoặc gel có thể xoa vào da trên vùng khớp bị ảnh hưởng, cũng có thể giúp giảm đau. Một số trong số này có thể được tìm thấy ở tiệm thuốc hoặc bác sĩ có thể kê đơn.

- Sử dụng các loại thực phẩm chức năng, như glucosamine, có thể giúp giảm đau. Hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung không kê đơn nào.

2. Phương pháp điều trị đau nhức xương khớp khác

Nếu những loại thuốc hoặc phương pháp điều trị đề cập ở trên không làm dịu đi được các cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng các phương pháp sau:

- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, chẳng hạn như nẹp, gậy hoặc thiết bị chỉnh hình trong giày, có thể giúp hỗ trợ khớp để cho phép cử động dễ dàng. Bác sĩ, nhà vật lý trị liệu sẽ có thể hỗ trợ cho bạn với các lựa chọn phù hợp có sẵn.

- Sử dụng liệu pháp vật lý trị liệu cùng với một chương trình tập luyện thể dục cân bằng, dần dần có thể giúp giảm đau và cải thiện tính linh hoạt khả năng vận động cho khớp.

- Sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn để giúp cải thiện giấc ngủ cho bệnh nhân bị đau khớp.

- Sử dụng Steroid, thường được tiêm vào khớp, giúp giảm đau và sưng trong thời gian ngắn.

- Sử dụng thuốc giảm đau giúp giảm đau tại các khớp của người bệnh.

Xin lưu ý rằng thuốc, ngay cả những loại thuốc bán không cần đơn, ảnh hưởng đến thể trạng của từng bệnh nhân là khác nhau. Hãy chắc chắn làm theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận khi dùng bất kỳ loại thuốc nào và nói cho họ biết nếu như bạn có bất kỳ tác dụng phụ nào gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu cơn đau nhức xương khớp gây ra sự cản trở các hoạt động sống bình thường hàng ngày của bạn, đã đến lúc bạn nên nói chuyện với bác sĩ về vấn đề này. Điều quan trọng là phải nhanh chóng chẩn đoán nguyên nhân của cơn đau và bắt đầu điều trị để giảm đau và duy trì các khớp hoạt động khỏe mạnh.

Bạn nên đi khám nếu như gặp phải một số tình trạng như:

- Cơn đau nhức xương khớp có kèm theo sốt.

- Sụt cân không rõ nguyên nhân (từ 10 cân trở lên).

- Cơn đau khiến bạn không thể đi lại bình thường.

Trong cuộc hẹn, bác sĩ sẽ hỏi nhiều câu hỏi để tìm ra nguyên nhân có thể là nguyên nhân của cơn đau nhức xương khớp ở bạn. Bạn nên sẵn sàng trả lời các câu hỏi về chấn thương khớp trước đây, thời điểm bắt đầu bị đau khớp, tiền sử gia đình bị đau khớp và loại cơn đau đã trải qua.

Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra khớp để xem nó có bị ảnh hưởng hoặc bị đau hoặc bị hạn chế cử động hay không. Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu chấn thương đối với các cơ, gân và dây chằng xung quanh.

Nếu cần, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn đi chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu. Chụp X-quang có thể cho bạn biết nếu có tình trạng thoái hóa khớp, chất lỏng trong khớp, gai xương hoặc các vấn đề khác có thể góp phần gây ra cơn đau nhức xương khớp. Xét nghiệm máu sẽ giúp xác định chẩn đoán hoặc loại trừ các bệnh khác có thể gây ra cơn đau.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh người già khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY